27/12/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Là tên gọi một thiên tiểu thuyết của văn sĩ - thi sĩ Đái Đức Tuấn với biệt danh là TchyA, nhưng viết trên nền một sự kiện có thật. Cái địa danh “Sầm Sơn” là nơi có bãi biển đẹp, có 2 hòn Trống - Mái và câu chuyện diễm tình về Chàng Vọi dễ thu hút bạn đọc. Còn câu chuyện thực thì lại xảy ra cách đó… 5 cây số.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Sự kiện xảy ra tại bãi biến làng Hải Nhuận nhưng có thêm cư dân làng Thủ Phú can dự, cả 2 làng đều thuộc huyện Quảng Xương, Thanh Hóa (cũng là quê của tác giả tiểu thuyết). Còn câu chuyện có thật thì xảy ra vào thời điểm đã được chép trong bài vè lưu truyền từ đó cho tới nay: “Tuất niên, thu thất, nguyệt rằm/ Rung kêu gió thổi ầm ầm bên tai”, tức là vào đêm biển động Rằm tháng 7 năm Giáp Tuất (1934), cách nay đã 86 năm.
Vào thời điểm đó, câu chuyện này được báo chí khắp 3 kỳ, cả Tây lẫn ta theo dõi, tường thuật sôi nổi. Không chỉ những tờ báo lớn như Đông Pháp, Tiếng dân, Annam Nouveau, Thực nghiệp Dân báo, Ngọ báo… mà cả công báo của chính quyền cũng như tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) cũng theo sát.
Câu chuyện được tóm tắt như sau: Đêm Rằm tháng 7 (24/8/1934), ông Nguyễn Bá Chường, 72 tuổi, cùng con trai tên Phèn, 51 tuổi, ra biển Hải Nhuận câu… Đã không được cá, lưới lại bị mắc, ông bố bỏ về sai con rể ra lặn thì phát hiện lưới mắc vào một cái hòm, và quanh đó vương vãi nhiều món đồ lạ… nhiều nhất là tiền đồng. Bố con ông Chường lẳng lặng vớt lên, phá hòm thấy nhiều nén vàng, nén bạc, lại có cả nhiều vật quý khác như kiếm đồng, súng đồng…
Sự việc giữ kín được 3 ngày thì vỡ lở. Tin đồn biển Hải Nhuận có kho vàng lôi kéo dân 2 làng và các vùng xung quanh ùn ùn kéo đến ra biển mò tìm. Dân từ thị xã rồi Hải Phòng, Hà Nội cũng mò tới chủ yêu để buôn bán, trao đổi, vì dân bản địa vốn nghèo không biết giá vàng bạc và các đồ sang quý nên tạo ra tình hình hỗn loạn… kéo dài đến ngày 3/9 thì đến tai tri huyện… rồi lên tới Tổng đốc, công sứ Thanh Hóa.
Tức tốc, Công sứ Colas và Tổng đốc Nguyễn Bá Trác điều lính khố xanh đến vây cả một vùng, lập chốt kiểm soát nội bất xuất ngoại bất nhập, ra lệnh dân cư địa phương ai đang giữ các đồ vớt được phải nộp lại nhà nước, ai bên ngoài lai vãng bị khám xét, tiền và vàng không trình giải được cũng tịch thu… Báo chí vào cuộc lại càng làm rối ren với những câu chuyện được đơm đặt cho ly kỳ như nhờ thầy bói, lập đàn cầu cúng sẽ mò được của, rồi Thần Độc Cước hút hết vàng biến thành sao băng bay lên trời để vàng của vua ta khỏi rơi vào tay người Pháp…
Ngoài binh lính, chính quyền còn điều thợ lặn của tàu khảo sát biển De Lanessan từ Viện Hải dương Nha Trang, hay từ Cảng Hải Phòng vào sục sạo; lại còn mời cả các nhà chuyên môn của Trường Bác cổ từ Hà Nội đến để đánh giá cổ vật. Ngoài 2 chuyên viên Manikus và Công Văn Trung, quyền giám đốc Trường Claeys cũng đích thân vào Thanh. Có nhiều giả thiết về nguồn gốc "kho vàng", nhưng rồi đều ngả về giả thiết là của Triều Lê bị đắm thuyền khi vận chuyển, niên đại khẩu súng vớt được là năm 1872, các đồng tiền đều được đúc vào thế kỷ 18…
Rốt cuộc, sau gần nửa tháng, Tổng đốc Nguyễn Bá Trác công bố đã thu hồi được 99 nén vàng, mỗi nén 10 lạng +1/4, tất cả trị giá 60.000đ Đông Dương; hơn 100 nén bạc cùng 2.500 đồng tịch thu từ những người vãng lai bỏ chạy để lại hay giao nộp… Tuy nhiên, dư luận cho rằng khó mà thu hồi hết… Nhưng cái kết cục thì thật đáng ghi nhận: Một ông tiến sĩ Tây là Émile Tavernier tra cứu các bộ luật Pháp, Nam kết luận rằng, sự việc diễn ra ở Đông Dương, chính quốc không được can thiệp; tài sản thuộc về Triều đình Đại Nam nên chính quyền thuộc địa không được "xơ múi" gì; người phát hiện hay nhặt mang về không bị tội nhưng phải trả lại hết…
Cuối cũng thì Hoàng đế Bảo Đại vừa về nước chấp chính ra chỉ dụ và được Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ chuẩn y giải pháp: 1. Mọi cái tìm thấy là tài sản của triều đình; 2. Chọn 2 nén vàng đẹp nhất và các hiện vật mang tính mỹ thuật, giá trị lịch sử chia tặng cho 2 bảo tàng Louis Finot (Hà Nội) và Khải Định (Huế). 3. Số tài sản còn lại định giá trả chi phí cho Viễn Đông Bác Cổ có công giám định; 4. Dành 10% giá trị chi phí cho dân tham gia việc thu hồi; dành một phần sửa sang nhà thương và di tích ở Bố Vệ cùng ngôi chùa làng Hải Nhuận; người phát hiện già rồi nên cho con trai chức "phó tổng vệ lâm" nhận thầu việc trồng và chăm sóc phi lao dọc bờ biển của địa phương…
Thế rồi mọi chuyện qua đi, chỉ còn bài vè râm ran trong đám người già, sách Kho vàng Sầm Sơn được tái bản… Nhưng với riêng tôi, tâm đắc nhất là cách xử sự cổ vật và sự công bằng trong vận dụng luật pháp khi giải quyết hậu quả của vụ việc. Và may mắn nhất là khi đăng bài này, chúng tôi lại có được những tấm ảnh quý giá mới công bố trên trang mạng rất phong phú của Flickr Mạnh Hải liên quan đến "Kho vàng Sầm Sơn" làm minh họa.
(Còn tiếp)
QXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất