14/02/2022 19:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Là tổng công trình sư cho ý tưởng xây dựng một hạ tầng giao thông cho công cuộc khai thác thuộc địa, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chọn đường sắt là phương tiện chủ đạo trên một lãnh thổ chạy dài từ Bắc xuống Nam cũng như ưu tiên cho tuyến đường ngang Hải Phòng- Vân Nam Phủ cho kịp cuộc chạy đua của các đế quốc phương Tây để tham dự "bữa cỗ Trung Hoa".
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Do vậy, chiếc cầu hùng vĩ nhất về quy mô đã được hoàn thành sớm nhất về thời gian để viên Toàn quyền kịp dự lễ khai thông đưa đoàn tàu hỏa chở ông từ bờ Nam vượt Sông Hồng sang bờ Bắc để chạy ra cảng Hải Phòng xuống tàu về Pháp. Còn nhiều cây cầu khác mà P.Doumer khởi xướng tiếp tục được hoàn thành theo tiến độ của lộ trình xây dựng.
Cũng có thể kể thêm Cầu Tràng Tiền không nằm trong chương trình đường sắt của Doumer mà của đường bộ nội đô của Kinh đô Huế. Nó được xây dựng từ quyết định của Hoàng đế Thành Thái nhằm thay thế một chiếc cầu gỗ kém bền vững theo gợi ý của viên Toàn quyền Rousseau.Nhưng khi Doumer kế nhiệm đã đưa ra yêu cầu phải làm quy mô hơn dự kiến ban đầu và chấp nhận ngoài số tiền triều đình Đại Nam bỏ ra, chính quyền thuộc địa sẽ bổ sung.
Tháng 9/1897, tổ chức đấu giá, 23/11/1897 hoàn thành việc tuyển chọn thiết kế và 3 năm sau, ngày 18/12/1900, cây cầu có 6 vài (nhịp), dài 400m và rộng 6m, trở thành biểu tượng không chỉ của công nghệ tân tiến mà còn là biểu tượng của sự hợp tác Pháp-Nam…đã được P.Doumer và vị hoàng đế có tinh thần duy tân tổ chức khánh thành. Đây cũng là câu cầu mang nhiều tên nhất, ngoài Tràng Tiền" là tên gọi cổ, cầu còn mang tên "Thành Thái", "Clémenceau", tên một Thủ tướng Pháp và thời Trần Trọng Kim thì là "Nguyễn Hoàng", vị Chúa có công "mở cõi".
Còn nằm trong chương trình đường sắt thì không thể không nhắc đến 2 cây cầu được khánh thành sau ngày Doumer đã rời Đông Dương, nhưng vẫn đọng lại dấu ấn của ông như người khởi xướng, quyết định với những giải pháp quyết liệt là cầu Bình Lợi (Sài Gòn) và Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Cầu Bình Lợi vượt Sông Sài Gòn để kết nối thành phố thủ phủ của Nam Kỳ với lãnh thổ phía Bắc trên con đường xuyên Đông Dương phải hơn3 thập kỷ sau mới hoàn thành (1936). Từ ngày 3/7/1898 tức là lúc P.Doumer mới nhậm chức được hơn 1 năm, ngôi chợ mang tên Bình Lợi đã được lệnh di dời để nhường chỗ cho Hãng Levallois-Perretchuẩn bị thiết kế và thi công một cây cầu thép vượt sông qua Biên Hòa để nối kết ra các tỉnh phía Bắc mà mục tiêu đầu tiên là vươn tới Nha Trang (Khánh Hòa). Cầu dài 276m với 6 nhịp dài 22m, trong đó có một nhịp dài 40m có thể quay được để mở đường cho phương tiện đường sông đi lại theo những giờ quy địnhđược khai thông vào tháng 3/1902. Còn tuyến đường sắt ra tới Nha Trang thì hoàn thành 10 năm sau đó (1/4/1912).
Còn Cầu Hàm Rồng được khởi đầu gắn với tuyến đường Hà Nội - Vinh-Bến Thủy dài 326km. Đoạn Hà Nội đến Ninh Bình 114km đã khai thác từ đầu 1903, rồi tiến đến bờ Bắc Sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa từ tháng 12/1904. Đoạn đường phía trong từ Thanh Hóa đi Vinh-Bến Thủy cũng đã hoàn thành phải đợi cầu vượt được Sông Mã ngay đoạn cửa sông nên không chỉ rộng mà còn gặp nước chảy xiết và lòng sông sâu đến 15m tính từ mặt nước mùa nước cạn, cộng thêm 6m nữa khi mùa nước lũ.
Giải pháp xây trụ cắm lòng sông là bất khả thi với công nghệ đương thời. Cuối cùng một phương án táo bạo của Hãng Messageries Daydé &Pillet (đã làm cầu Doumer) được lựa chọn với thiết kế khai thác nền đákhối chắc chắn của tự nhiên ở bờ Bắc và đào một trụ lớn bọc bê tông ở bờ Nam để làm một cây cầuchỉ có 2 mố làm điểm tựa cho một vòm cầu hình cánh cung có độ cao ở đỉnh là 25m so với mặt cầu, vượt qua khoảng cách 162,40m của mặt sông.
Rồi từ cái cánh cung thép vạm vỡ đó là những thanh thép thả xuống chốt mặt cầu và hệ thống các thanh giằng được thiết kế chắc chắn nhưng vẫn giữ vẻ mỹ thuật. Tất cả tựa một cái cầu treo và hoàn toàn không có trụ khiến nước dưới sông thoát nhanh không tác động vào thân cầu trong mùa lũ.
Để thi công được cây cầu này, có rất nhiều giải pháp được mô tả bằng những thuật ngữ rối rắm của ngành xây cầu, nhưng nhìn vào bản vẽ thiết kế và thi công thể hiện trên tờ tạp chí kỹ thuật xây dựng Le Génie Civil (8/5/1909) có thể hình dung được là từ 2 mố đá và bê tông ở 2 đầu cầu, cái vòm cầu hình cánh cung bằng thép được dàn giáo dựng đến đâu thì dùng nó làm cẩu để treo các kết cấuthành phần cho đến khi hợp long ở trên cao, tạo điểm tựa đế thả các thanh giằng xuốngkết nối với mặt cầu. Bởi có đường xe lửađặt ở giữa nên các loại phương tiện đường bộ khác chỉ sử dụng khi chưa có tàu chạy.
Cầu Hàm Rồng thời Doumer tồn tại được hơn 4 thập kỷ (1904-1946), như một trọng điểm giao thông xuyên Đông Dương của cả đường sắt lẫn đường bộ. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, chiếc cầu có hình hài rất đẹp này đã bị đặt thuốc nổ đánh sập…
Sau kháng chiến thành công, hòa bình lập lại thì cây cầu này được dựng lại theo công nghệ ta học từ Trung Quốc, Liên Xô trông cục mịch với một trụ chôn giữa lòng Sông Mã…Nhưng chính cây cầu mộc mạc đó lại trở thành cây cầu lịch sử vì nó trụ được trong suốt một thời kỳ dài đương đầu với cuộc Chiến tranh phá hoại của Mỹ mang theo những chiến tích thật hiển hách vì đã bảo đảm việc chi viện cho chiến trường miền Nam… Vì thế, nếu ai đó nuôi một chút lãng mạn muốn một ngày nào đó phục dựng lại được cây Cầu Hàm Rồng như nguyên bản rất đẹp thời Paul Doumer thì chỉ là ảo mộng. Đơn giản vì lịch sử là dòng chảy thời gian không thể đảo ngược… và cũng chính điều đó làm tăng thêm giá trị những bức ảnh của quá khứ.
(Còn tiếp)
QXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất