07/03/2022 19:32 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Mới cách đây không lâu, truyền thông đưa một tin gây chú ý: Trong khi triển khai chủ trương đổi căn cước công nghệ cho công dân, có một trường hợp hy hữu ở Giao Thủy, Nam Định không lấy được dấu vân tay chỉ vì… móng tay dài quá?!
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Quả thật xem bức ảnh chụp cho thấy điều đó là có thật, cả 10 ngón của 2 bàn tay, móng tay dài ngoằng ngèo, cái dài nhất đo được 86cm, ngắn nhất cũng 20cm… lại cuộn tròn khiến khó áp diện có vân tay vào máy chụp. Chủ nhân của bộ móng tay ấy đã ngoài 60 tuổi cho biết, ông có cái thú "nuôi" móng tay (tức là không cắt) đã 40 năm nay. Làm nghề sơn vẽ, ông vẫn lựa cách cầm bút hay chổi vẽ được, nhưng luôn phải gượng nhẹ vì sợ gãy và rất khó giữ cho sạch…
Tuy gây không ít phiền toái trong sinh hoạt, nhưng chủ nhân bộ móng ấy nói rằng đã thành quen khó bỏ, hơn thế, còn cảm thấy nếu đụng vào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nên vẫn kiên trì giữ. Âu là cái thú của cá nhân, lại được những người trong gia đình tôn trọng thì đấy là việc chẳng có gì để bình phẩm. Chỉ có điều, đọc những lời bình luận về hiện tượng này, thấy nhiều người cho rằng để móng tay dài từng là cổ tục của người Việt mà nay không còn nữa chăng?
Điều đó có vẻ có lý, vì trên mạng, ta chỉ cần gõ câu hỏi "tục để móng tay dài của người Việt" là máy đưa ra không ít bài viết kèm ảnh chụp cách đây cả trăm năm (đầu thế kỷ 20), với những bằng chứng ghi nhận những bàn tay để móng rất dài, rất kỳ dị. Đó là những bức ảnh do các cơ quan công quyền (như Phủ Toàn quyền) hay các tổ chức khoa học (như Trường Viễn Đông Bác Cổ…) chụp làm tư liệu. Lại có những bức được phát hành rộng rãi dưới dạng các tấm bưu ảnh… chủ yếu để khai thác tính kỳ dị của nó.
Đọc kỹ một vài lời bình của những người làm hay sử dụng bưu ảnh, thường là người nước ngoài cũng cho rằng, tục để móng tay thuộc về các tầng lớp vốn được coi là có học như nhà Nho (lettré) hay có vị trí xã hội như tầng lớp quý phái hay quan lại (notable, mandarin) của người bản xứ. Để móng tay, chủ yếu là bàn tay trái, là cách biểu tỏ thói ưa nhàn hạ, không phải đụng tay, đụng chân, không phải làm công việc cơ bắp của lớp người quyền quý… Cũng tựa như đàn bà Tàu có tục "bó chân" từ tấm bé, khiến lớn lên bàn chân nhỏ xíu, đi lại khó khăn, nhưng hợp với địa vị "ngồi mát ăn bát vàng" hay "lên xe xuống kiệu"…
Lại vận thêm quan niệm theo đạo Khổng của người phương Bắc mà ở ta là "đạo Nho" để nhận là người Việt mình cũng thấm nhuần về "đạo Hiếu", coi mọi cái trên thân thể mình, từ cái tóc cho đến móng chân, móng tay đều là một phần cơ thể cha mẹ ban cho phải gìn giữ, trân trọng. Do vậy mà tóc không được cắt bỏ, mọc dài quá thí búi lại, còn với móng tay hay móng chân thì… cũng vậy để cho rằng những người giữ móng tay dài (mà người Tây chụp được ảnh) là những người còn sót lại của quan niệm "kinh điển" ấy. Hiểu theo nghĩa nào đó thì người phương Tây muốn nhìn nhận những bàn tay để móng dài khác thường đó là những "hủ tục" trông dị thường về mỹ cảm lại phản vệ sinh của một cư dân lạc hậu cần được khai hóa…
Những nhà nghiên cứu về văn hóa Trung Hoa cũng xác nhận việc gìn giữ và để móng tay dài cũng có ở tầng lớp trên của xứ này, phổ biến nhất là từ nửa sau triều nhà Thanh. Tuy nhiên, những hình ảnh được đưa ra minh họa, kể cả tranh vẽ Khổng Tử thời xa xưa hay ảnh chụp một số nhân vật quyền quý đời nhà Thanh có thấy móng tay để dài, nhưng chỉ hơn bình thường đôi chút và được chăm chút để tỏ ra sự sang trọng hơn là kỳ dị. Riêng phụ nữ thì những ngón tay để móng dài hơn bình thường lại được bao lại bởi những vật trang sức chế tác rất tinh xảo bằng các vật liệu quý như vàng bạc, gắn đá quý hay các loại san hô, vỏ loài nhuyễn thể hiếm quý… Những trang cụ ấy được gói là "hộ chỉ" hay "hộ giáp" mà ta thường thấy trong các bộ phim cổ trang về đời Thanh…Thứ trang sức quý phái của giới nữ lưu Trung Hoa, đặc biệt phát triển khi đế chế rộng lớn này được đứng đầu bởi Thái hậu Từ Hy…
Đọc kỹ sách vở, tham khảo những nhà nghiên cứu am hiểu mới được biết rằng, đúng là người Việt chúng ta cũng giống (hay học) người Trung Hoa trong quan niệm phải giữ gìn những gì thuộc về cơ thể của mình theo quan niệm về đạo Hiếu. Nhưng việc để móng tay dài quá khổ hay kỳ dị như ta thấy trên ảnh không phải là tục lệ hay nói cách khác là biến tướng từ một tục lệ thành "hủ tục". Tục lệ trong dân gian của người xưa chỉ ở mức độ tất cả những móng tay cắt ngắn cho hợp với nhu cầu thao tác công việc của bàn tay hay nhu cầu tẩm mỹ hay vệ sinh đều được cất giữ, cho đến khi qua đời thì được chôn theo người chết… Tục này cũng mai một khi nhận thức xã hội ngày càng quan tâm đến đời sống lao động hợp với vệ sinh và thẩm mỹ hiện đại…
Đọc trên mạng, ta nhận thấy rằng việc nuôi những bộ móng "khủng" đôi khi chẳng liên quan đến những luận lý cao siêu gì mà chỉ là những ý thích khác thường mà thôi. Trên mạng gần đây giới thiệu một quý chị ở Houston (Hoa Kỳ) tên là William đã nuôi bộ móng 10 ngón của 2 bàn tay cộng lại dài tới 5m7. Bộ móng này được chăm sóc rất tươm tất và sau khi được Guinness ghi nhận kỷ lục đã ra giá tương đương 1 tỷ đồng cho ai muốn sưu tầm như của lạ. Còn kỷ lục với đàn ông (được Guinness ghi nhận năm 2016) thuộc về một quý ông người Ấn Độ tên là Shridard có bộ móng, chỉ của 5 ngón của bàn tay trái đã dài tới… 9m06.
Như thế, việc để móng tay dài thường chỉ là những ý thích khác thường mà thôi, chẳng liên quan gì đến "truyền thống văn hóa" nào cả!
(Còn tiếp)
QXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất