IMF bị chỉ trích vì gián tiếp làm tăng lây lan Ebola

22/12/2014 15:01 GMT+7 | Trong nước


(lienminhbng.org) - Các chính sách cho vay kèm theo các điều kiện hà khắc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với những quốc gia kém phát triển được cho là một phần nguyên nhân dẫn tới sự lây lan chóng mặt dịch Ebola tại khu vực Tây Phi.

Nội dung trên là kết quả nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Cambridge, Đại học Oxford cùng Viện Nghiên cứu vệ sinh dịch tễ và dược phẩm nhiệt đới London công bố ngày 22/12.

Khi nghiên cứu về mối liên hệ giữa các chính sách tài chính của IMF và sự lây lan chóng mặt của dịch Ebola, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những chính sách cho vay mà IMF áp dụng tại các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Ebola ở châu Phi đã gián tiếp đẩy các quốc gia này vào tình trạng thiếu ngân sách cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, thiếu đội ngũ bác sỹ và khiến cho việc hợp tác dập dịch bị cản trở, từ đó hạn chế khả năng đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh lây lan và nhiều tình huống khẩn cấp khác.

Các nhà nghiên cứu đã rà soát lại các chính sách mà IMF áp dụng trước khi dịch bùng phát, phân tích tác động của những chương trình cho vay vốn do IMF đưa ra cho ba quốc gia tâm dịch là Guinea, Liberia và Sierra Leone trong giai đoạn từ 1990 đến 2014.

Nhân viên y tế Guinea làm việc tại trung tâm chữa trị Ebola Donka ở thủ đô Conakry ngày 8/12. Ảnh: AFP - TTXVN

Kết quả cho thấy, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia trên bị suy yếu dần do những yêu cầu cải cách kinh tế mà IMF đưa ra buộc các chính phủ phải thu hẹp ngân sách, cắt giảm quỹ lương và phân hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm hạn chế chi tiêu công. Những yêu cầu này vô hình trung tạo ra áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Năm 2013, trước khi Ebola bùng phát, ba quốc gia tâm dịch đã đáp ứng được những chỉ dẫn kinh tế từ phía IMF, song không thể tăng chi tiêu xã hội mặc dù đều phải đối mặt với những nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Thu hẹp nguồn quỹ lương đồng nghĩa với việc không thể chi trả thỏa đáng cho đội ngũ y tá và bác sỹ trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe công, dẫn tới tình trạng thiếu nhân viên y tế cần thiết.

Quá trình phân cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng tác động không nhỏ khi gây cản trở cho việc điều động, phối kết hợp giữa các cấp và các địa phương trong công tác dập dịch.

Phản ứng trước nghiên cứu trên, phát ngôn viên IMF cho biết kể từ năm 2009, tất cả những khoản vay mà IMF cấp cho các quốc gia kém phát triển đều không lãi suất, các chính sách của IMF đưa ra cũng không bắt buộc các nước phải cắt giảm chi tiêu cho danh mục chăm sóc sức khỏe, vì vậy không thể khẳng định sự lây lan của Ebola là do các chính sách của tổ chức này gây ra.

Hơn nữa, trong tháng Chín, IMF đã đưa ra gói hỗ trợ tài chính trị giá 130 triệu USD cho việc dập dịch và đang lên kế hoạch hỗ trợ một gói tương đương cho Guinea, Liberia và Sierra Leone vào năm tới.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm