Góc nhìn: May mà còn có Juergen Klopp

01/12/2015 06:14 GMT+7

(lienminhbng.org) - Có lẽ, không có gì đọng lại một cách ấn tượng nhất ở vòng đấu vừa rồi của Premier League ngoại trừ hai sự kiện: Vardy xác lập một kỷ lục như cổ tích và hình ảnh Costa quăng chiếc áo bib về phía Mourinho đầy khinh khi. Và hai sự kiện đó song hành với nhau tạo nên một hình ảnh tương phản rất mạnh mẽ. Đó là một Chelsea đầy rẫy những rắc rối vẫn chưa thể tìm cách trở lại con đường chiến thắng trong khi một Leicester xuất thần nghiễm nhiên chia sẻ ngôi đầu bảng với Man City.

Và soi chiếu lại những hình ảnh hấp dẫn, sôi động của những Leicester, Crystal Palace, West Ham… mang lại với những trì trệ, bế tắc, nhàm chán và thất thường của những Chelsea, Man Utd, Man City, Arsenal, dường như chúng ta vừa kịp nhận ra rằng “mùa giải này, các đại gia Premier League đều trình diễn một gương mặt thất vọng, chỉ ngoại trừ đúng Liverpool, với tinh thần mới mẻ mà Jurgen Klopp đã thổi vào đó mấy trận vừa qua”.

Đúng, thực tế cho thấy các đại gia Premier League đang đóng góp quá ít vào sức hút của mùa giải, khi giữa bản thân họ không tồn tại một cuộc đua như mong đợi ở cả thành tích lẫn ở cả khía cạnh trình diễn trên sân.

Bay cao với Klopp, Liverpool giờ là ứng viên vô địch Premier League

Bay cao với Klopp, Liverpool giờ là ứng viên vô địch Premier League

Liverpool đã tăng 4 bậc trên BXH kể từ sau khi bổ nhiệm HLV Juergen Klopp vào tháng Mười năm nay và hiện là ứng viên cho chức vô địch Premier League mùa 2015-16.

Chelsea, đội bóng được kỳ vọng sẽ tạo ra thế độc tôn ngay từ đầu đang lóp ngóp ở nửa dưới của bảng xếp hạng, sau hàng loạt những câu chuyện nội bộ rối như tơ vò và một tương lai vẫn chưa rõ ràng của vị HLV trưởng. Không một gương mặt nào còn được Mourinho coi là tâm phúc nữa thì phải, ngoại trừ Zouma và Willian, những người thực tế chưa bao giờ là tâm hồn của lối chơi Chelsea (và có lẽ cũng không bao giờ họ đủ tầm để đóng vai ấy). Tất cả, từ Hazard cho tới Fabregas, từ Cahill cho tới Terry, từ Oscar cho tới Costa đều đã bị Mourinho xếp trên ghế dự bị vì những lý do ngoài chuyên môn. Mối quan hệ lủng củng ấy đã khiến Chelsea không còn là một đội bóng nữa và tất nhiên, khi không còn là một đội bóng, họ sẽ không chơi bóng.

Trong khi đó, Man Utd thì tiếp tục bò chậm chạp ở Top 4 trong tiếng chỉ trích của khán giả nhà. Những tiếng hô đầy tính đòi hỏi chính đáng “Tấn công đi, tấn công đi” trên khán đài chắc chắn sẽ là điểm nhấn lớn nhất đối với đoàn quân của Van Gaal mùa giải này. Nó cho thấy Man Utd đang là một tập hợp bất lực trong nhiệm vụ cống hiến cho khán giả mãn nhãn, điều mà họ vẫn làm rất tốt suốt hơi hai thập niên qua. Và lỗi không thể quy cho ai khác ngoài Van Gaal, người luôn thích công thức hóa, tiêu chuẩn hóa các hành vi xử lý bóng của cầu thủ của mình tới mức họ sợ hãi không còn dám sáng tạo nữa. Bởi thế, sự hiện diện của Man Utd ở Top 4 vẫn cứ mờ nhạt, mờ nhạt y như sự hiện diện của kình địch một thời của họ là Arsenal.

Đội bóng của Wenger tưởng như sẽ có một mùa giải để đời khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa đủ cả nhưng rốt cuộc những toan tính sai lầm của Wenger đã bắt đầu buộc Arsenal trả giá. Hàng loạt chấn thương của các trụ cột cho thấy Arsenal sẽ không còn là mình khi mất đi một vài cái tên chủ chốt. Chiều sâu đội hình của họ quá kém cỏi, không đủ để duy trì cuộc đua tranh dài hơi và cũng bởi sự kém cỏi ấy mà Wenger đã phải dùng Sanchez trong tình trạng quá tải. Bây giờ, HLV người Pháp chỉ mong mọi thứ đừng xui rủi hơn nữa, đặc biệt là với Oezil bởi nếu Oezil dính chấn thương thì coi như Arsenal cũng đánh mất tất cả và trở thành một đội bóng vô cùng tầm thường.

Man City là đội bóng duy nhất cho thấy họ có sức mạnh đồng đều nhưng Pellegrini không cho thấy ông đang tạo dựng được một nền tảng giàu sức sống với chính đội bóng nhiều sức mạnh ấy. Ngay cả khi có Aguero, tay săn bàn khét tiếng đi nữa, Man City vẫn không bứt phá ngoạn mục ở hoàn cảnh các đối thủ đều trì trệ bất ngờ. Giả sử Chelsea, Arsenal, Man Utd chơi với sức mạnh ở thời đỉnh cao của mình, có lẽ giờ này Man City chưa chắc đã có chân trong nhóm đầu bảng…

Đúng lúc ấy, Liverpool đã giải cứu danh dự cho những đại gia bằng thay đổi kịp thời ở vị trí thuyền trưởng. Jurgen Klopp xuất hiện, tạo ra một sinh khí hoàn toàn khác, với lối chơi bóng theo kiểu ‘Cục diện chớp nhoáng’ (Blitz Condition), dựa trên nền tảng của pressing toàn diện, pressing ngay khi đối phương vừa tiếp nhận bóng; di chuyển liên tục và đa dạng; tận dụng chớp nhoáng mọi thời cơ dựa trên cục diện liên tục biến đổi của cuộc chơi. Và nhờ vào đó, họ đã có được những chiến thắng giàu cảm xúc, đặc biệt là trận xé nát Man City. Nói không ngoa, nếu duy trì được hưng phấn này, có thể Liverpool mới là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất và trong tương lai, họ sẽ là đội bóng đáng xem nhất giải ngoại hạng Anh.

Nhưng tín hiệu mừng mà Klopp đem lại cũng chỉ là một điểm xuyết nhỏ, mang màu sắc hi vọng mà thôi. Bóng đá có thể hấp dẫn nhờ những khía cạnh đa dạng khác nhau nhưng vẫn cần nhất sự hấp dẫn từ những pha làm bàn. Và trong khi bộ 3 Messi-Neymar-Suarez của Barca đã ghi được 125 bàn kể từ đầu năm 2015 tới nay, hơn hẳn tổng số bàn thắng của bất kỳ CLB châu Âu nào thì rất đáng buồn là không CLB Premier League nào có nổi trên 100 bàn thắng trong cùng thời gian đó. Đội ghi bàn nhiều nhất là Man City, với 89 bàn, một con số quá hẻo nếu so sánh chỉ với Dortmund hay PSG, những đội bóng chẳng được đánh giá cao hơn tốp nhà giàu Premier League.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm