10/10/2016 05:43 GMT+7
(lienminhbng.org) - Không ai nghi ngờ khả năng sáng tạo của Pep Guardiola, nhưng thất bại trước Tottenham ở vòng 7 ngoại hạng Anh buộc tất cả phải đặt câu hỏi, vì sao trận thua này lại có thể phơi bày “góc chết” của HLV người Tây Ban Nha?
Thất bại được báo trước
Tất cả những thất bại đó của Pep Guardiola đều có thể chấp nhận được về mặt nào đó, khi đối thủ của họ hoàn hảo hơn ở sự lì lợm, sức chịu đựng, và đạt đến trạng thái cao nhất về phong độ cũng như tinh thần, kết hợp với sự tỏa sáng của những ngôi sao. Ba trong số các câu lạc bộ kể trên những nhà vô địch châu Âu sau khi thắng Pep, đội còn lại Atletico Madrid thì hai lần là nhà á quân trong 3 mùa bóng gần đây.
Nhưng trận thua trắng Tottenham là không thể tha thứ được, ở tất cả các mặt, từ sự chuẩn bị cho đến khả năng ứng phó với tình thế, và cách giải quyết khó khăn về chiến thuật. HLV người Santpedor đã mắc kẹt với chính mình, ông có thể giỏi sáng tạo, và không ngừng tìm tòi những chiến thuật phù hợp với đội bóng. Nhưng dường như, Pep Guardiola lại không thể khắc chế được kiểu chơi từng khiến ông khổ sở từ Tây Ban Nha, đến Champions League, và giờ là ở xứ sở sương mù.
Thua trắng trước Tottenham là điều không thể tha thứ
Pep Guardiola đã nói vài lần rằng, đến một lúc nào đó, Manchester City sẽ thất bại, và người ta đã nhìn thấy điều đó ở White Hart Lane, Tottenham chơi một trận ra trò trước một trong những ứng viên vô địch ở ngoại hạng. Hãy vỗ tay tán thưởng Mauricio Pochettino vì sự hiệu quả về mặt chiến thuật mà ông sử dụng ở trận này, pressing cao ở ngay phần sân của Manchester City, cô lập Aguero, khép chặt trung tuyến với bộ đôi Wanyama – Sissoko, và buộc thủ thành Claudio Bravo phải đưa bóng lên phía trên để hóa giải sức ép, hơn là tìm kiếm sự kết nối với các đồng đội. Đó là chiến thắng quá rõ ràng với Pochettino, và cũng là trận thua xác đáng với Guardiola.
Nhưng với một số ít người, vấn đề không phải vì Tottenham vượt trội đối thủ của họ ở khả năng pressing, phá hủy lối chơi hay tấn công trực diện Manchester City, mà nằm ở chính HLV người Tây Ban Nha, Pep Guardiola là người hiểu rõ hơn ai hết kiểu chơi này, nhưng vẫn thất bại, không chỉ một mà đến ba lần theo hai cách khác nhau. Ông không thể kiểm soát được chính điểm chết trong việc lên các kế hoạch chiến thuật, bất ngờ hơn là không chịu đổi mới khi gặp sự cố, và khá bảo thủ với triết lý chơi bóng của mình.
Hãy bắt đầu từ ngày 5/1, cách đây 6 năm, ở Cúp nhà Vua Tây Ban Nha mùa bóng 2010-2011, sân San Mames đã chứng kiến một trong những trận đấu hay nhất về mặt chiến thuật giữa Athletic Bilbao và Barcelona. HLV Marcelo Bielsa sau chuỗi 3 trận thua liên tiếp trước “môn đồ” Pep Guardiola, đã bày ra một trận thế trận pressing kinh khủng lên nhà vô địch châu Âu. Với 3 hậu vệ theo kèm bộ ba Pedro, Messi và David Villa, khu trung tuyến với Ekiza, Gupergui, Orbaiz, de Marcos dùng toàn bộ sức mạnh thể chất để khiến Xavi, Iniesta và Busquets không thể liên lạc với nhau. Ý tưởng một kèm một của HLV người Argentina khi đó thật sự là một canh bạc, chứa đựng những rủi ro lớn. Nhưng cuối cùng, Bielsa mới là người chiến thắng, dù tỉ số chung cuộc ở trận này là 1-1.
Bielsa (phải) là người chiến thắng sau cùng
Vì sao lại như vậy? Vì đây là Barcelona đã được sửa chữa, nâng cấp sau khi bị Inter đánh bại vào mùa trước. Và Pep Guardiola hoàn toàn lúng túng khi lần đầu tiên phải đối phó với kiểu chơi này. Truyền thông Anh cho rằng, Mauricio Pochettino mới là người đầu tiên khiến HLV 45 tuổi này phải gục ngã vì kiểu pressing ở nửa sân đối thủ. Nhưng sự thật, trận thua của Barcelona trước Espanyol ở mùa bóng 2009 diễn ra sau khi Seydou Keita bị nhận thẻ đỏ ở phút 38, và HLV Pochettino vẫn cho các học trò phòng ngự sâu bên phần sân nhà, chỉ để hai tiền đạo chơi cao ở phía trên chờ cơ hội phản công. Cách chơi của Espanyol ở trận này, giống như cách Celta Vigo đã làm để đánh bại đội bóng xứ Catalunya trong hai mùa liên tiếp ở Balaidos.
Ý tưởng dang dở của Pep Guardiola
Mùa bóng 2014-2015, sau trận bán kết Champions League với Barcelona ở Camp Nou, Pep Guardiola bị chỉ trích nặng nề về sự mạo hiểm chiến thuật khi đối mặt với đội bóng nguy hiểm như vậy. Ông đã quyết định sử dụng bộ ba hậu vệ Boateng, Benatia và Rafinha với hi vọng phong tỏa ba siêu tiền đạo Messi, Neymar và Luis Suarez của đội bóng cũ, và pressing ngay từ nửa sân của Barca.
Đó là phương pháp của Marcelo Bielsa, và sau 4 năm, HLV người Santpedor đột nhiên thử nghiệm ý tưởng này. Nhưng kế hoạch thất bại, hàng phòng ngự của Bayern Munich thủng lỗ chỗ, và chỉ nhờ may mắn họ mới không để thua ngay đầu trận. Pep ngay lập tức phải điều chỉnh lại hàng phòng ngự với 4 người thường trực, lùi sâu đội hình để bảo vệ khung thành Neuer.
Ý tưởng dang dở của Pep Guardiola với Bayern Munich
Lý do thất bại của chiến thuật: Barcelona đã không chơi theo kiểu của Pep Guardiola nữa, họ giải quyết áp lực bằng số lần chạm bóng ít nhất khi tấn công hay phản công, bóng thậm chí không cần qua hàng tiền vệ, mà đưa bóng thẳng tới vị trí của bất kì tiền đạo nào ở phía trên. Một kèm một trong tình huống này trở thành đống rác rưởi với Pep Guardiola, và đó là lí do ông không bao giờ đặt các hậu vệ vào tình thế khó khăn như vậy thêm một lần nào, bất chấp vẫn sử dụng chiến thuật 3-4-3 hay 3-5-2 những mùa bóng gần đây.
Bài học với HLV 45 tuổi này là không mạo hiểm những thứ không thuộc về sở trường, nhưng phải chăng đó là điểm chết về chiến thuật của Pep Guardiola? Khi ông khước từ những giá trị có thể thay đổi kết quả của trận đấu, mang đến nét mới về chiến thuật cho đội bóng. Ở mùa cuối cùng dẫn dắt Bayern Munich, Pep sử dụng bóng bổng nhiều hơn, với những chân chuyền từ cánh như Douglas Costa để khai thác hết những ưu thế về không chiến của hàng tiền đạo.
Nhưng bóng bổng chỉ được thực hiện ở sau vạch giữa sân, khi các cầu thủ ở vào vị trí thuận lợi và các đồng đội của anh ta chiếm được lợi thế về khoảng trống, hoặc trong những tình thế bất khả kháng. Nguyên tắc của ông vẫn là bóng phải phát triển từ vị trí thấp nhất, qua cặp trung vệ hoặc tiền vệ lùi sâu, trước khi hướng đến các mũi nhọn di chuyển ở phía trên, thông qua rất nhiều những đường chuyền ngắn ở khu vực giữa sân. Khác với Barcelona, đội bóng xứ Catalunya thậm chí còn chơi phòng ngự trước những đội bóng kiểu như Leganes hay Sporting Gijon nếu bị pressing dữ dội như vậy.
Pep Guardiola luôn lúng túng nếu bị pressing dữ dộ
Pep Guardiola đã bị Pochettino bẻ gãy về chiến thuật, khi Manchester City không chuyển hóa lối chơi, dù đã bị quây rát đến ngạt thở ở giữa sân. Chấn thương của Kevin De Bruyne không phải là vấn đề, sự vắng mặt của Nolito không khiến Manchester City gặp khó khăn đến như vậy, và sai lầm của Kolarov là đáng được tha thứ. Mà vì Pep chỉ biết duy nhất nguyên tắc bóng phải qua chân David Silva hay Fernandinho, trước khi tìm đến Navas và Sterling ở hai cánh. Nếu trở nên dễ đoán, bạn sẽ thất bại. Nếu không giỏi ứng biến, thất bại sẽ càng cay đắng hơn. Và Pep Guardiola đã lộ ra những điểm chết trong tư duy chiến thuật, cũng như triết lý chơi bóng của mình theo cách như vậy.
Trần Dũng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất