19/08/2016 05:53 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tờ Guardian hôm qua đưa ra một nhận định rằng, rất có thể Mourinho sẽ chấm hết mọi cơ hội của những niềm hi vọng trẻ tuổi mà Louis Van Gaal đã từng trao cơ hội cho họ được ra sân lần đầu trong đội hình 1 của Man United.
Cũng trên tờ báo ấy, tuyên bố “Ký hợp đồng với Man United là khoảnh khắc đẹp nhất đời tôi, nhưng rồi sau đó mọi thứ trở nên tồi tệ tận cùng” của Nani lại càng cứa vào lòng người hâm mộ hơn.
Nani, người vừa đầu quân cho Valencia, nhớ lại những ngày đẹp nhất và u ám nhất của anh ở Man United. “Với tôi, Fergie như một người cha”, Nani kể lại điều đó trước khi thổ lộ về nỗi thất vọng lúc Ronaldo ra đi, và sự bế tắc khi David Moyes đến, để anh không bao giờ còn cơ hội ở Old Trafford nữa.
2. Mourinho được nhiều cầu thủ yêu mến, đặc biệt là Materazzi và Ibrahimovic thời ở Inter, nhưng chưa một cầu thủ nào coi Mourinho như “người cha” cả. Dễ hiểu, có hai lý do cơ bản nhất.
Đầu tiên, Mourinho chưa đủ già để làm một người cha tinh thần của cầu thủ. Thứ hai, ông không có thói quen đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ, và bởi thế, những người ở vào tuổi có thể gọi ông bằng cha không bao giờ gọi ông như cách Nani gọi Fergie. Niềm tin không có, anh em còn không nổi, cha con gì?
Chắc chúng ta chưa quên ngày Mourinho trở lại Chelsea, với chuyến tập huấn ở châu Á chuẩn bị cho mùa giải 2013-14. Ghi 4 bàn trong 4 trận giao hữu, Lukaku được xem như Drogba của tương lai. Ấy vậy mà Mourinho vẫn mang anh cho Everton mượn, rồi sau đó 1 năm bán đứt anh trong khi đó lại mua về một người kém hơn nhưng già dặn hơn là Remy.
Mourinho hành xử không như một người cha với cầu thủ trẻ, vì ông không xây dựng đội bóng của mình như một gia đình. Với ông, đội bóng có thể gọi nôm na là một “băng đảng” mà ở đó, ông là đại ca, là ông trùm.
Thế nên, chuyện 12 tiềm năng trẻ của Man United bây giờ nơm nớp lo sợ mình sẽ phải bán xới khỏi Old Trafford cũng là chuyện dễ hiểu. Đôi mắt của Mourinho không bao giờ hướng đến họ, dù cho CĐV có chỉ trích ông đi nữa.
3. Sẽ có người cho rằng Mourinho tàn nhẫn quá, khắc nghiệt quá và mang Ferguson ra để so sánh. Mourinho rất trân trọng Ferguson, nhưng ông không làm việc kiểu Ferguson. Và sự so sánh ấy cũng là khập khiễng mà thôi. Với Ferguson, cũng có người coi ông như cha (giống trường hợp Nani) nhưng cũng có người thì không bao giờ. Điển hình là Paul Pogba, người chưa bao giờ coi Ferguson là một người cha tinh thần.
Hãy đặt câu hỏi: “Ferguson có khắc nghiệt không, khi không cho Pogba cơ hội ở ngày ấy?”. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu bản chất của cuộc chơi. Ferguson không thể thỏa hiệp với Pogba được, khi đội bóng cũng đang đầy những yêu sách từ những người như Rooney. Thỏa hiệp với Pogba, ông sẽ phải thỏa hiệp tất cả. Nên ông để anh ra đi và mình mang lấy tiếng khắc nghiệt cũng có lý do của nó.
Song, Pogba khác người ở chỗ, trước khi đi, anh tâm sự với Ferdinand rằng “tôi đi để trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”. Giờ anh đã trở lại Man United, ở một tư thế khác, trở lại và lợi hại hơn xưa.
Thế mới thấy, sự khắc nghiệt ấy là có lợi. Nó như lửa thử vàng vậy thôi. Những người trẻ ở Man United hôm nay có thể nhìn vào cách quay lại của Pogba để hiểu rằng mình có thể làm gì. Nếu họ sở hữu tài năng và tự tin vào tài năng ấy, sự khắc nghiệt của Mourinho có khi lại là bài học đầu đời hữu dụng nhất.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất