11/01/2017 06:03 GMT+7
(lienminhbng.org) - Việc Memphis Depay thất bại và bị chối từ ở Old Trafford chưa chắc đã là điều dở với cầu thủ người Hà Lan, và câu chuyện của Depay cũng gợi nên nhiều suy nghĩ về cách các cầu thủ trẻ được, hay bị, đối xử ngày nay.
Depay vẫn còn quá trẻ để bị coi là một món hàng đã hỏng, và những sa sút của anh ở Man United có thể đơn giản là do anh chưa thích nghi kịp với sự thay đổi từ Eredivisie sang Premier League.
Thời đại đã thay đổi
Nhưng cũng phải thấy rằng cách các CLB hiện đại đã thay đổi cách đối xử với cầu thủ trẻ. Ngày nay họ được nâng niu và bảo vệ nhiều hơn. Lương bổng cao hơn so với quá khứ, nhưng các HLV và cả đội bóng quan tâm chăm sóc họ hơn nhiều, hạn chế những trò ngổ ngáo, chi tiêu quá trớn, tiệc tùng thác loạn. Quá trình tuyển lựa từ đội trẻ rất ngặt nghèo về mặt chuyên môn, nhưng mọi chuyện đều đã có tiêu chuẩn và quy trình rõ ràng.
Nhưng không hẳn tất cả những đổi thay đó là tích cực. Trong các cuộc phỏng vấn vào năm 2016, Phil Neville và Steve McManaman đã nói về trải nghiệm của họ ở các đội trẻ Man United và Liverpool. Họ nói vấn đề chuyên môn đương nhiên là quan trọng, nhưng việc bị đối xử khắc nghiệt hơn cũng đã giúp họ trưởng thành nhanh hơn về cảm xúc. Một số trường hợp cực đoan có thể gây ra tác dụng ngược, nhưng cách làm cũ đã chuẩn bị cho các cầu thủ đối mặt tốt hơn với thế giới chuyên nghiệp còn khắc nghiệt hơn thế. Năm 2016, những mẫu Roy Keane ngày càng ít. Các cầu thủ hiện đại phải là kiểu người mềm mỏng hơn, chấp nhận bị chỉ trích và chan hòa với mọi người.
Những cầu thủ trẻ ngày nay vươn lên đỉnh cao nhanh chóng nổi danh. Lukaku, De Bruyne và Depay đều nổi bật từ khi còn rất trẻ và chuyển tới các CLB lớn với giá chuyển nhượng cao. Chướng ngại trên hành trình của họ là lần đầu tiên họ đối mặt với nỗi thất vọng. Ngoài những nỗi buồn khác thời thơ ấu trên sân tập và phải sống xa nhà, đó có lẽ là lần đầu tiên họ thấy rằng bóng đá có thể tàn nhẫn ra sao.
Những lý do để ra đi
Theo báo chí Anh, một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa Lukaku và Mourinho liên quan tới phương pháp huấn luyện. Rất giàu tham vọng, tiền đạo người Bỉ noi gương những tay săn bàn anh ngưỡng mộ và hy vọng sẽ làm được như họ. Mourinho, dù đúng dù sai, yêu cầu các cầu thủ tuân theo chiến thuật của ông tùy theo đối thủ. Ông không phải mẫu HLV dung dưỡng cho cầu thủ trẻ và không chấp nhận sự phản ứng.
Thành tích ghi bàn của Lukaku là ấn tượng, nhưng khả năng kết nối lối chơi và hỗ trợ phòng ngự của anh là vấn đề. Trong khi vẫn còn nhiều điều phải nỗ lực, không phải vô cớ mà Lukaku tiến bộ hơn trên nhiều phương diện sau khi được tiếp xúc với các phong cách huấn luyện khác nhau. Mourinho, trong khi đó, không nhượng bộ cầu thủ, và không phải là mẫu HLV lý tưởng cho một tiền đạo trẻ giàu tham vọng muốn làm theo ý mình, dù anh ta tài năng đến đâu. Ngược lại, ở Everton, Roberto Martinez là một tính cách thích sự hòa hợp hơn. Chính HLV người TBN đã cho Lukaku cơ hội ra sân thường xuyên, tỏa sáng, và chơi ngày càng toàn diện.
De Bruyne, được đưa về Chelsea năm 2012 và mang cho mượn đến năm 2014, cũng tới London với thái độ tương tự. Rất thành công ở Bundesliga trong màu áo Werder Bremen, anh cập bến Stamford Bridge đầy tham vọng. Dù cả De Bruyne và Mourinho đều phủ nhận, các nguồn tin từ Chelsea nói tiền vệ người Bỉ không mặn mà với việc tuân theo những đòi hỏi chiến thuật của Mourinho, thường là rất cứng nhắc và ngặt nghèo. Anh bị bán sang Wolfsburg tháng 1/2015 sau chỉ 9 trận ra sân cho Chelsea.
De Bruyne là mẫu cầu thủ trẻ hiện đại điển hình. Chelsea đã và đang là một CLB hàng đầu châu Âu, và thành tích của Mourinho thì khỏi phải bàn. Thật khó tưởng tượng một cầu thủ xấp xỉ tuổi 20 vào những năm 1980, hay thậm chí là 1990 ở Man United, dám có lập trường như thế với Sir Alex Ferguson, chẳng hạn. Xã hội ngày càng trở nên dân chủ và cởi mở, và điều đó được phản ánh vào trong bóng đá. Trong vòng 6 tháng, De Bruyne đã quyết định anh chẳng cần phải ở lại Chelsea.
Không thể kiên nhẫn hơn
Vào lúc anh rời Stamford Bridge, De Bruyne đang phải cạnh tranh cho một vị trí trong đội hình xuất phát với Eden Hazard, Juan Mata, Andre Schuerrle và Willian, nên lý do ra đi của anh còn là bởi sự thiếu kiên nhẫn (hợp lý). Cũng phải nhắc rằng khi đó Mourinho không bán một De Bruyne phiên bản đã hoàn chỉnh mà Man City sau này mua lại với giá 50 triệu bảng, mà chỉ là một tuyển thủ Bỉ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, phải nỗ lực nhiều hơn.
Thật ra, quyết định đó tỏ ra có lợi nhất cho chính De Bruyne. Tài năng của anh là không thể bàn cãi, nhưng những năm tháng bước đầu định hình sự nghiệp của tuyển thủ Bỉ có lẽ không nên gắn với một đội bóng lớn ở đỉnh cao như Chelsea. Wolfsburg không phải là đội nhỏ, nhưng sự cạnh tranh ít hơn ở sân Volkswagen Arena giúp anh có ngay một vị trí trong đội hình xuất phát, và sự tiến bộ kéo theo đó trở thành tất yếu.
Tất nhiên, một ví dụ không thể lấy ra làm điển hình cho tất cả mọi trường hợp. Nếu Depay thành công sau khi rời Old Trafford, anh vẫn sẽ khác De Bruyne, và giống như với đội ngũ huấn luyện của Chelsea trước kia, điều đó không nói lên rằng ban huấn luyện Man United thiếu tầm nhìn. Họ đơn giản là sở hữu một cầu thủ nhiều tiềm năng, nhưng không đúng thời điểm.
Những cầu thủ trẻ hiện đại, lớn lên trong một môi trường rộng mở, bình đẳng, và cả nhẹ nhàng hơn nhiều so với quá khứ, định hình tính cách cũng khác. Họ can đảm hơn, tự tin hơn, và thiếu kiên nhẫn hơn. Lukaku và De Bruyne đều không ngần ngại nói thẳng với báo chí về sự không hài lòng của mình. Depay thì chưa, nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra trong mấy tuần nữa, khi kỳ chuyển nhượng đã khép lại, và anh đã yên vị ở một chỗ nào đó không phải là Old Trafford.
Trần Trọng (Theo FourfourTwo)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất