17/05/2017 10:19 GMT+7
(lienminhbng.org) - Những người Argentina có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của Pep Guardiola, nhưng điều đó không có nghĩa ông yêu thích các cầu thủ xứ tango. Một kế hoạch loại trừ họ đã được lập lên...
"Thật tuyệt khi lắng nghe cách họ nói chuyện, nghe những nốt nhạc trong từng từ ngữ của họ", Pep đã nói như thế về người Argentina, về thứ văn hóa đã tác động rất lớn đến sự nghiệp cầm quân của ông, "Ở Argentina, họ rất thích nói về bóng đá và những ý tưởng của mình".
Pep Guardiola từng rất mê Argentina
Triết lý bóng đá của Pep được nuôi dưỡng trong trường học Hà Lan với những ông thầy là Louis van Gaal và Johan Cruyff, nhưng nhà cầm quân người Catalan từng tự gọi mình là một kẻ trộm cắp ý tưởng, và thực tế, ông đã học hỏi rất nhiều từ cách suy nghĩ của những người Argentina.
Sự đam mê với Argentina được Pep Guardiola thể hiện từ hồi còn là cầu thủ, khi ông liên tục nhờ những đồng đội người Argentina dạy các bài hát ở La Bombonera và El Monumental, rồi lẩm nhẩm hát một mình khi đi vòng quanh sân tập. Hồi ở Ý, chính Gabriel Batistuta đã khuyên Pep rằng nên đến gặp Marcelo Bielsa nếu muốn theo nghề huấn luyện.
Năm 2006, quả thật, Pep đã sang Argentina để nói chuyện với những bộ não vĩ đại nhất của thế giới bóng đá. Ông ăn tối với Cesar Luis Menotti, và tán gẫu cả ngày ở trang trại của Bielsa. Đó là hai trong số những HLV nổi tiếng nhất thế giới về trường phái bóng đá tấn công đẹp mắt. Mà ở Argentina, những cuộc tranh luận về hai trường phái trình diễn và thực dụng vốn đã kéo dài từ rất lâu.
Pep Guardiola dĩ nhiên, cùng ý tưởng về thứ bóng đá đẹp ấy. Tại World Cup 1994, ông từng gọi cho Angel Cappa, trợ lý của Jorge Valdano tại Tenerife và Real Madrid, chỉ để nói về bóng đá, và than phiền về triết lý của HLV tuyển TBN Javier Clemente, người mà ông cho rằng giống Carlos Bilardo hơn là Menotti. Ngày ấy, ông mới 23 tuổi.
Đoạn tuyệt với người Argentina ở Etihad?
Thành công của Man City trong kỷ nguyên của các ông chủ Ả rập cũng gắn liền với các ngôi sao Argentina. Chắc chắn nhiều người chưa quên màn ngược dòng vĩ đại ở cuối mùa giải 2011-12, khi Sergio Aguero ghi bàn thắng ở phút bù giờ cuối cùng vào lưới QPR giúp Man City thắng 3-2 (chưa kể Zabaleta mở tỷ số ở trận đó). Cũng ở mùa ấy, Carlos Tevez cãi vã với Roberto Mancini và bỏ về quê nhà Argentina, nhưng khi trở lại, anh cũng đóng góp lớn vào chức vô địch. Pha ăn mừng kiểu... đánh golf của Tevez sau khi anh lập hat-trick vào lưới Norwich là một minh chứng cho tài năng và tính cách ngang tàng. Dòng chảy Argentina tại Etihad sau đó còn có Martin Demichellis, Willy Caballero, Bruno Zuculini, và mới nhất là Nicolas Otamendi.
Nhưng người gắn bó lâu đời nhất chính là Pablo Zabaleta, cầu thủ sẽ ra đi sau khi hết hạn hợp đồng vào mùa giải này. Zabaleta đã ở Etihad 9 mùa giải, thi đấu 332 trận, ghi 11 bàn. Và Pep Guardiola cũng không hề có ý định giữ anh ở lại. Caballero cũng sẽ ra đi vào mùa hè này, dù ban huấn luyện khá có cảm tình với anh, nhờ những màn trình diễn ổn định suốt 14 tháng qua. Một ngôi sao nữa cũng đang bất ổn về tương lai là Sergio Aguero, đặc biệt là kể từ khi Pep đưa Gabriel Jesus về Etihad. Như vậy, trong số 4 cầu thủ Argentina ở Man City, chỉ Nicolas Otamendi là có vẻ chắc chân nhất nhờ sự tiến bộ của mình, dù Real Madrid đang dõi theo anh.
Pep đã dành cho Pablo Zabaleta những lời có cánh, rằng "anh là một trong những cầu thủ quan trọng nhất trong lịch sử Man City". Ông cũng khen ngợi những người Argentina rằng "Họ có nhân cách tốt, là những chiến binh, và Pablo là sự thể hiện tốt nhất". Song những lời lẽ ngọt ngào đó giống như sự tri ân cho những đóng góp của Zabaleta, hơn là mong muốn giữ anh ở lại. Trong kế hoạch của Pep, Zabaleta không hề có tên.
Có lẽ Zabaleta mới là cái tên đầu tiên rời Etihad trong vài tháng tới, và trong cuộc cách mạng của Pep ở mùa hè này, dường như ông sẵn sàng đoạn tuyệt với những vũ điệu tango.
Tuấn Cương (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất