Áo dài Việt Nam, một thế kỷ cách tân (kỳ 3 & hết): Những bước ngoặt trong thời hội nhập
(lienminhbng.org) - Thời kỳ Đổi mới từ 1986 đã mở ra những thay đổi quan trọng tới con người và văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hội nhập, để rồi từ đó bắt đầu đợt cải biến thứ 3 của trang phục áo dài.
- Áo dài Việt Nam, một thế kỷ cách tân Kỳ 1 xem TẠI ĐÂY
- Áo dài Việt Nam, một thế kỷ cách tân Kỳ 2 xem TẠI ĐÂY
1. Thống kê của TS Dương Thị Kim Đức (Viện Dệt May - Da giầy và Thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết: Năm 1989, cuộc thi hoa hậu áo dài của báo Phụ nữ TP.HCM lần đầu được tổ chức, đánh dấu việc áo dài vượt khỏi ý nghĩa của một trang phục thông thường để trở thành đại diện cho vẻ đẹp về văn hóa và truyền thống của người Việt.
Tới đầu những năm 90, thời trang Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể với sự xuất hiện của những nhà thiết kế Ngân An tại Hà Nội và Minh Hạnh, Sĩ Hoàng tại TP.HCM. Họ chính là những gương mặt mở ra trào lưu cách tân áo dài lần 3.
Không có những cách tân mới lạ, nhưng nhà thiết kế Ngân An đã sớm có những thành công nhất định với những mẫu thiết kế áo dài mang phong cách Hà Nội của mình. Bà từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước, tổ chức trình diễn Áo dài và trang phục dân tộc tại nước ngoài và còn hợp tác với nhà tạo mẫu nổi tiếng Nhật Bản Kansai trong chương trình biểu diễn thời trang hoành tráng tại Hà Nội mang tên Hello VietNam. Đặc biệt, bộ áo dài gấm trúc xanh Trương Quỳnh Mai mặc do bà thiết kế đã tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế vào năm 1995 tại Nhật Bản đã đoạt giải Trang phục dân tộc đẹp nhất, và là bước đi quan trọng trong việc vinh danh áo dài Việt trên thế giới.
Trong khi đó, nhà thiết kế Minh Hạnh đặc biệt thành công ở lĩnh vực áo dài biểu diễn. Bà là người mở đầu cho xu kết hợp chất liệu và họa tiết trong trang phục các dân tộc (chủ yếu là thổ cẩm các dân tộc miền núi phía Bắc) để đưa vào áo dài, nhằm biểu hiện cho vẻ đẹp thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Còn lại, Sĩ Hoàng bắt đầu sự nghiệp vào năm 1989. Bộ sưu tập áo dài đầu tiên Hoa văn dân tộc đã mở đầu triết lý tạo mẫu của anh: Đưa nghệ thuật hội họa vào trang phục truyền thống và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo từ kho tàng văn hóa dân tộc. Các mẫu áo dài của anh xuất hiện nhiều lần tại các chương trình lễ hội lớn, tiếp đó là trong các buổi trình diễn thời trang tại Bỉ (2001), Đức (2003), Thụy Điển (2004), Pháp (2005), Mỹ (2006). Nhìn chung anh được coi là mở ra một phương hướng cách tân áo dài phụ nữ Việt Nam mang tính hội họa, trang trí cao.
2. Cũng theo TS Kim Đức, song hành với các cuộc cách tân áo dài giai đoạn này, đầu những năm 90, các màn trình diễn thời trang chỉ là nội dung xen kẽ trong các chương trình ca nhạc. Tuy nhiên, năm 1994, trình diễn áo dài có một bước tiến mới với sự xuất hiện của chương trình Duyên dáng Việt Nam - một chương trình biểu diễn ca nhạc thời trang quy mô và hiện đại, tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam, và đặc biệt là tà áo dài Việt Nam. Những tiết mục biểu diễn thời trang áo dài trong chuỗi chương trình đều do các nhà thiết kế danh tiếng đảm nhận và ngày càng được nâng lên một tầm cao hơn, đậm tính nghệ thuật và có chỗ đứng nhất định trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp xuyên suốt.
Tiếp đó, năm 1995 là năm đánh dấu các màn biểu diễn thời trang áo dài được thiết kế theo ý tưởng, như trường hợp Sĩ Hoàng đưa ra các bộ sưu tập áo Hoa văn dân tộc và Kính vạn hoa tại cuộc thi Hoa hậu Áo dài 1995 và Duyên dáng Việt Nam 04. Trong thời điểm những năm 90, những cuộc trình diễn này đã đem lại những mường tượng khác nhau về một nền văn hóa phong phú và đặc sắc của Việt Nam dưới góc độ thời trang áo dài.
Đặc biệt, tháng 9/1997, hai chiếc áo dài chất liệu thổ cẩm của Minh Hạnh đã đoạt giải thưởng New Designer Award tại cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix tại Nhật. Từ giải thưởng này, nhà tổ chức đã mời chị trở thành NTK nước ngoài đầu tiên giới thiệu 100 mẫu thiết kế thời trang trong bộ sưu tập áo dài Việt Nam - Truyền thống và tương lai tại đền Kiyomizu- Dera. Sự kiện này đã mở ra xu hướng trình diễn văn hóa thời trang áo dài đầu thế kỷ 21.
3. Cũng từ năm 2000, sự giao lưu và hợp tác quốc tế của Việt Nam trong mọi lĩnh vực được đẩy mạnh… Từ một hình thức biểu diễn thời trang gắn liền với ca nhạc,việc biểu diễn áo dài đã dần tách ra và trở nên ngày một chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, sau khi Festival Huế được tổ chức tại Việt Nam, từ năm 2004, biểu diễn thời trang áo dài đã phát triển thành lễ hội áo dài với các chủ đề thay đổi theo những lần tổ chức sự kiện này. Bên cạnh đó, áo dài cũng dần trở thành một chủ thể độc lập trong các buổi biểu diễn lớn khác như Chương trình biểu diễn thời trang Áo dài ngày 24/3/2005 trong khuôn khổ lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản, chương trình Nhịp điệu Áo dài vào tối 1/5/2005 với 800 bộ áo dài được trình diễn trước Nhà hát TP.HCM.
Cũng từ năm 2000, trình diễn áo dài xuất hiện như trung tâm của các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước, rất nhiều nhà tạo mẫu có tiếng ở Việt Nam mang các bộ sưu tập áo dài của mình đi tham dự trên thế giới. Đặc biệt, khi các cuộc thi hoa hậu, nhan sắc từ cấp quốc gia cho tới cấp khu vực, cấp thế giới được tổ chức thường xuyên, trình diễn áo dài đã trở thành một phần không thể thiếu.
Trong 10 năm gần nhất, kể từ sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, những kỷ lục về trình diễn áo dài liên tiếp được ghi nhận. Đó cũng là những tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển bề sâu của hình thức biểu diễn trang phục, thời trang đặc biệt này trên hành trình trở thành Di sản văn hóa cấp Quốc gia và Thế giới...
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất