11/06/2014 10:29 GMT+7 | Bảng F
(lienminhbng.org) - Lionel Messi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, là người viết lịch sử với 4 Quả bóng vàng liên tiếp. Nhưng ở Argentina, Messi lại không phải cái tên được yêu thích. Vì sao?
Nhật báo The New York Times đã sang Buenos Aires, và đến quê hương Rosario của Messi để tìm câu trả lời.
Món quà không được thừa nhận
Lionel Messi giống như một món quà mà Thượng đế ban tặng cho bóng đá thế giới. Người ta thường gọi anh là thiên tài, một người đến từ hành tinh khác. Nhưng món quà vĩ đại ấy lại không được đón nhận tại chính mảnh đất quê hương Argentina. Phần đông người Argentina chưa bao giờ xem Messi là vĩ đại, mặc dù anh ẵm 4 QBV, cùng Barca giành 3 Champions League, 6 La Liga và sẽ đầy trang báo nếu liệt kê những giải thưởng khác.
Họ, những người Argentina, không thích Messi, bởi vì anh có quá ít “chất Argentina” trong cơ thể.
Phóng viên của The New York Times đã tiếp túc với rất nhiều tầng lớp ở Buenos Aires và Rosario, từ HLV bóng đá, BLV chuyên nghiệp, đến cánh tài xế taxi… Có thể tóm tắt các vấn đề của Messi là thế này:
1) Anh rời Argentina quá sớm để chơi bóng ở nước ngoài.
2) Anh không hát quốc ca như các đồng đội khác
3) Thiếu đam mê
4) Thiếu cá tính
5) Không cảm nhận hết vinh dự của chiếc áo ĐTQG như các cầu thủ khác.
Điều duy nhất đã cứu Messi không bị xem thường ngay trên quê hương là anh vẫn nói tiếng mẹ đẻ, theo nhận xét của Martin Mazur, một nhà báo bóng đá nổi tiếng ở Argentina. “Món quà lớn nhất của Messi trong nhiều năm qua, là anh ấy không bao giờ đánh mất giọng nói Argentina. Bạn không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng, nếu không có nó, người ta có thể giết chết anh ấy”.
Dario Torrisi, một tài xế taxi, cho biết: “Chúng tôi luôn thích cách Messi chơi bóng, nhưng chẳng biết anh ta là ai”.
Trong mắt người Argentina, Diego Maradona và Messi là một trời một mực. Pablo Rodriguez, một CĐV địa phương, giải thích cho vấn đề này. “Maradona phát triển tài năng trong bùn lầy. Tôi không thấy điều đó nơi Messi. Anh ấy được sinh ra trong môi trường tốt hơn nhiều”. Maradona đi lên trong nghèo đói, còn Messi lớn lên ở khu phố dành cho những người trung lưu.
Vấn đề từ chính người Argentina
Có một vấn đề với Messi: Ngay khi anh khoác lên chiếc áo xanh – trắng truyền thống, cũng là lúc phải chịu áp lực từ hơn 40 triệu người Argentina (chưa tính các CĐV Argentina nước ngoài). Sau tháng ngày khát danh hiệu World Cup, người ta mặc nhiên đòi hỏi Messi phải mang về chiếc cúp vàng, như huyền thoại Maradona từng làm năm 1986.
Khi Messi nhận chiếc áo số 10 danh giá, gánh nặng càng tăng gấp bội. Có mấy ai ủng hộ và động viên Leo trước các giải đấu lớn, hay tất cả đều tạo áp lực về tinh thần lên đôi vai nhỏ bé ấy? Bóng đá hiện đại đã hết chỗ cho những cá nhân một mình làm thay công việc của cả đội. Chiến thắng chỉ đến từ tập thể gắn kết. Đức ở Italy 1990, Brazil các năm 1994 và 2002, Pháp trên sân nhà 1998, Italy ở Đức 2006, hay 4 năm trước là Tây Ban Nha, họ cùng chiến thắng nhờ khai thác sức mạnh tập thể. Những cá nhân tạo đột biến thực tế chỉ nhỉnh hơn đồng đội khác đôi chút.
Ngay chính các quan chức bóng đá Argentina cũng tạo sức ép cho Messi và các đồng đội. Khi Argentina vừa đến Belo Horizonte, nơi họ đóng quân trong thời gian tranh tài ở Brazil, một quan chức đã cho treo khẩu hiệu chào đón với dòng chữ, “chào mừng nhà vô địch tương lai”. Trong trận giao hữu với Slovenia, một phóng viên truyền hình địa phương không ngần ngại nói “Argentina campeon” (Argentina vô địch).
Người Argentina nghĩ rằng, giành chức VĐTG cũng dễ dàng như khi nói chuyện, và họ yêu cầu Messi phải làm được như thế.
Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất