14/01/2021 10:59 GMT+7 | Thế giới Sao
(lienminhbng.org) - 48 ngày sau khi Diego Maradona qua đời, thế giới vẫn chưa thôi bàng hoàng trước sự ra đi của huyền thoại bóng đá. Nhưng ngoài những hành động tôn vinh ông ở mọi nơi trên hành tinh, vẫn có hai câu chuyện song song diễn ra liên quan tới người thân và những ai gần Maradona trước khi ông giã từ cõi đời.
Đầu tiên là cuộc điều tra tư pháp liên quan tới cái chết của ông. Thứ hai là cuộc chiến tranh giành quyền thừa kế khối tài sản Maradona để lại khi 5 người con là Dalma, Gianina, Jana, Diego Junior và Dieguito Fernando đã ủy thác cho luật sư chính thức tham gia vào vụ kiện.
Khối tài sản ở Cuba
Tháng 12/2020, thời điểm cuộc chiến giành tài sản của Maradona chính thức bắt đầu, một nguồn tin từ Buenos Aires tiết lộ với tờ The Sun (Anh): “Cuộc chiến giành tiền bạc của Maradona không chỉ là tranh giành bình thường. Đó sẽ là một kỳ World Cup, kéo dài và kịch tính”.
Dự cảm đó đang đúng với thực tại. Không chỉ rắc rối trong việc xác định số người được thừa kế, khối tài sản mà Maradona nắm giữ cũng gây đau đầu không kém cho giới chức tư pháp tại Argentina.
Cách đây ít ngày, Mauricio D’Alessandro, luật sư Matias Morla - người từng là luật sư của Maradona cho tới khi ông qua đời, đã tiết lộ tình tiết đầy bất ngờ liên quan tới cuộc chiến giành tài sản này. Theo Mauricio D’Alessandro, Morla đã nhận được một cuộc gọi từ Cuba. “Ai đó từ Cuba đã gọi điện. Chính xác là con trai của Fidel Castro đã gọi điện cho Morla để nhắc anh ấy rằng Maradona có một ngôi nhà ở Cuba do Fidel tặng”, D'Alessandro thú nhận trên chương trình Los Angeles de la Mañana.
Đây là căn nhà mà Maradona đã sống ở Cuba trong giai đoạn tới đây để cai nghiện, nằm ở một trong những khu phố đẹp nhất tại Havana. “Có một ông già tên Canero, đang trông coi ngôi nhà đó, theo những gì con trai của Fidel nói với Morla. Ông ấy cũng nhắn với Morla rằng có hàng tá kỷ vật trên gác mái của ngôi nhà đó. ‘Đó là để làm một bảo tàng’, con trai của Fidel đã nói như vậy”, luật sư D'Alessandro tiết lộ thêm.
Những đồ vật còn lưu giữ trong căn nhà Fidel tặng Maradona là gì? “Có ảnh, thư, thư của các lãnh đạo thế giới. Ngôi nhà còn nguyên vẹn với những kỷ vật quý giá đó”, D'Alessandro nói.
Hiện chưa rõ cơ quan tư pháp Argentina có chú ý tới tình tiết này và tiến hành điều tra để thêm căn nhà vào danh sách tài sản được xem xét trong vụ tranh chấp vốn đã rất phức tạp hay không.
Khối tài sản của Maradona được miêu tả là “một kho báu với đủ chủng loại”. Từ bất động sản ở Argentina, Dubai tới những chiếc xe hiệu BMW tới những kỷ vật vô giá như quả bóng bạch kim FIFA tặng cho ông, cây đàn guitar của danh ca Andrés Calamaro, bức thư của Fidel Castro và cả bộ sưu tập những chiếc áo đấu đáng nhớ trong sự nghiệp cầu thủ lẫn huấn luyện viên của ông…
Khoản nợ kếch xù
Theo tờ AS, một phiên tòa phân định quyền thừa kế phức tạp chắc chắn sẽ diễn ra. Tuy nhiên, liệu vợ cũ và các con của Maradona có nhận được đồng nào trong khối tài sản này hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.
D’Alessandro cho biết những người thừa kế của Maradona đang đối mặt với một khoản nợ kếch xù, cụ thể là khoản nợ thuế của “Cậu bé Vàng” ở Italy lên tới 44 triệu USD.
“Vấn đề mà những người thừa kế phải giải quyết là gì? Trước khi qua đời, Maradona không nói tiền ở đâu, ông kiếm được bao nhiêu từ khi còn sống và tiêu tán hết bao nhiêu trong khi ông ấy còn khoản nợ thuế ở Italy. Hiện tại, toàn bộ những tài sản được xem xét để phân chia quyền thừa kế đều được công khai minh bạch và chúng tôi biết rằng điều này sẽ đem lại vấn đề”, D’Alessandro cho biết.
Theo vị luật sư này, nếu tính toán giá trị của khối tài sản Maradona để lại cùng với khoản nợ thuế của ông thì “nếu tiền thừa kế được chi trả cho từng người thì cũng chẳng còn lại bao nhiêu”.
Song, những người thừa kế tài sản của Maradona có thể quyết định không trả tiền nếu như họ có sự hỗ trợ của phía cơ quan tư pháp Argentina. Thẩm phán phân xử vụ án sẽ có quyền quyết định số tiền được phân chia có phải dùng để nộp thuế hay không.
“Họ có thể nói rằng hãy giấu tiền đi, hãy cứ kệ người Italy cũng chẳng thành vấn đề. Nên nhớ, khoản nợ trong giai đoạn 1985-1991, hãy đếm xem họ đã mất bao nhiêu năm để tìm cách thu lấy tiền”, D’Alessandro phân tích.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất