Xã hội hóa bóng đá Việt Nam như thế nào?

12/11/2014 10:16 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Chúng ta đã và đang hô khẩu hiệu xã hội hoá thể thao, hiểu một cách nôm na là thể thao thuộc về xã hội và nên để cả xã hội chung tay vào, thay vì duy trì cơ chế thuần bao cấp vốn đã lạc hậu từ nhiều năm nay.

Mô hình bóng đá doanh nghiệp kết hợp địa phương ra đời như một đòi hỏi cấp bách. Mặc dù vậy, vai trò của cơ quan quản lý cấp Nhà nước vẫn không thể tách rời, thậm chí phải luôn giữ tính chủ đạo.

“Đừng nghĩ các doanh nghiệp, các ông bầu có thể độc lập đưa nền bóng đá lên một tầm cao mới, khi bóng đá vẫn chưa thể nuôi được tự bản thân nó! Họ nhiều tiền đến đâu và có nhiều tiền bằng... Nhà nước không”, HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ. Quả thật, bóng đá Việt Nam đã từng chứng kiến rất nhiều các cuộc bể dâu từ các đội bóng tư nhân (hoặc bán tư nhân) trong lịch sử hơn 10 năm lên chuyên.

Để lập luận của mình trở nên thuyết phục hơn, HLV Hoàng Anh Tuấn lấy kinh nghiệm từ bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản. Theo đó, bóng đá Nhật hiện vẫn chịu sự tác động trực tiếp từ bàn tay của Nhà nước, của Chính phủ Nhật.

“Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp, tập đoàn và nghiệp đoàn kinh tế lớn chung tay vì sự phát triển của bóng đá, của thể thao. Đấy là một cách xã hội hoá chứ còn gì nữa”, ông Tuấn nói thêm.

Trở lại với V-League, với bóng đá Việt Nam. Mặc cho mô hình bóng đá doanh nghiệp kết hợp địa phương (tức Nhà nước và tư nhân cùng làm) đã là hình mẫu lý tưởng, nhưng chúng ta vẫn thất bại (hoặc ít nhất chưa thành công) là bởi áp dụng chưa đúng cách.

Doanh nghiệp bỏ phần lớn tiền đầu tư cho đội bóng, họ xứng đáng được đáp trả với cơ chế thông thoáng cho các dự án đầu tư, thay vì luôn bị “dè bỉu” về động cơ.

Thực tế là không ít các ông bầu đã tỏ ra chán nản không hẳn vì cung cách điều hành nền bóng đá, cũng như các giải đấu, mà bởi họ luôn phải mang điều tiếng và nó ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh.

Lấy ví dụ như bầu Thuỵ ở XMXT.Sài Gòn, bầu Trường và V.Ninh Bình, N.Sài Gòn hay bầu Hiển với QNK.Quảng Nam chẳng hạn. Họ đáng được nhắc tên như những người có đóng góp cho bóng đá chứ?!

Chỉ khi nào, quyền lợi và nghĩa vụ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý cấp Nhà nước được cân đối, chúng ta mới hy vọng việc xã hội hoá thể thao đạt hiệu quả. Bằng không...

CCKM
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm