Ông Lê Hùng Dũng: “Mời một đội bóng như Arsenal phức tạp lắm”

08/03/2013 05:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Bầu Đức là người khởi xướng ý tưởng đưa CLB Arsenal sang Việt Nam thi đấu giao hữu, nhưng nếu không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, đồng nghiệp của bầu Đức trong ban lãnh đạo VPF, và đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank, thì có thể ý tưởng của bầu Đức sẽ rất khó để trở thành hiện thực.

Sẽ rất khó để đưa Arsenal sang Việt Nam vào hè năm nay nếu không có vai trò của bầu Đức (trái) và ông Dũng (giữa). Ảnh: VSI

Trong cuộc trò chuyện với TT&VH vào hôm qua, ông Dũng đã lần đầu tiên bật mí những chi tiết thú vị xung quanh sự kiện làm xôn xao bóng đá Việt Nam trong mấy ngày vừa qua.

* Thưa ông, trong vụ hợp tác mời Arsenal sang Việt Nam, Eximbank chỉ đứng ra bảo đảm về mặt tài chính hay tham gia thương thảo cùng ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch tập đoàn HA.GL-PV)?

- HA.GL và Eximbank là 2 nhà tài trợ chính cho chuyến đi sang Việt Nam của Arsenal. Như tôi đã nói thì ý tưởng mời Arsenal sang Việt Nam do anh Đức ấp ủ từ lâu, còn tôi tham gia với tư cách nhà tài trợ.

* Năm ngoái Eximbank từng mời Fabio Cannavaro và Vincent Kompany sang Việt Nam. Vậy khi so với lúc mời 2 danh thủ này thì mời Arsenal có khó hơn nhiều, có khác nhiều không thưa ông?

- Khác chứ, khác rất nhiều, một đội bóng thì phức tạp hơn nhiều so với một cầu thủ. Nếu mời một cầu thủ thì đơn giản hơn nhiều, chỉ cần thoả thuận được số tiền, thương quyền và thời gian thực hiện là xong. Còn mời một đội bóng như Arsenal thì phức tạp lắm, nhiều chi tiết vô cùng, riêng hợp đồng bằng tiếng Anh cũng dài tới hơn 50 trang.

* Thành công của các thương vụ Cannavaro và Kompany có phải là điều kiện để lần này ông làm việc với Arsenal thuận lợi hơn không?

- Thực ra không có gì liên quan, bởi đây là 2 việc hoàn toàn khác nhau.

* Không phải sau khi mời Cannavaro và Kompany thì ông có thêm kinh nghiệm với các nhà môi giới hoặc những công ty chuyên tổ chức sự kiện của nước ngoài?

- Thì đúng là mình có kinh nghiệm hơn, nhưng dù sao thì mời cá  nhân cầu thủ và mời đội bóng vẫn khác nhau hoàn toàn.

* Thưa ông, lần trước khi mời Cannavaro và Kompany sang Việt Nam thì Eximbank trực tiếp đứng ra làm việc hay giao cho một công ty thứ 3 thực hiện?

- 2 lần ấy thì đơn giản là chúng tôi giao cho một đơn vị làm thôi, còn việc mời Arsenal sang Việt Nam nó lớn tiền nên phải ngồi mà lựa chọn thời điểm, đối tác rồi điều kiện, nên mới tính được, còn như mời cá nhân cầu thủ thì đơn giản.

* Ông Đức nói là thời điểm này mới là chín muồi để mời Arsenal sang Việt Nam, vậy cái gọi là “chín muồi” ở đây có phải là sự hỗ trợ về mặt tài chính của Eximbank?

- Cách đây khoảng một tuần thì anh Đức có mời tôi tham gia. Sau khi tôi được xem nội dung sơ bộ của bản hợp đồng mời Arsenal sang Việt Nam mà anh Đức chuyển qua thì tôi nhất trí luôn thôi. Chỉ còn vướng mắc một số chi tiết kỹ thuật thì mình phải qua đàm phán với Arsenal.

Thế nên mới có cuộc làm việc trực tiếp diễn ra vào ngày 5/3 vừa qua để nói thẳng với nhau điểm A, điểm B, điểm C, điểm D còn vướng trong dự thảo hợp đồng của họ. Nói chung trong mấy tiếng đồng hồ thì tháo gỡ hết từng điểm một, thế là xong thôi.

* Ông “nhất trí luôn thôi” là trên tư cách của một CĐV hâm mộ bóng đá hay một nhà đầu tư?

- Trước hết là một nhà đầu tư, vì chuyện này liên quan đến tiền, còn bóng đá thì ai mà chẳng yêu, nhưng với một chuyện lớn thì phải khác. Giống như một chiếc xe siêu sang ấy, thích thì ai cũng thích, nhưng không phải ai cũng đủ tiền mua. Song cũng với chiếc xe siêu sang ấy mà người ta đại hạ giá, hoặc đưa ra mức giá cùng một số điều kiện nào đấy mà mình có thể giải quyết được thì không còn là mơ ước nữa mà sẽ trở thành hiện thực.

Nói thật là chúng tôi không phải không có khả năng nhưng không thể bỏ một số tiền quá lớn để đưa đội bóng sang. Nguyên tắc của tôi là không đưa đội bóng danh giá sang Việt Nam với bất cứ giá nào, mà tôi chỉ đưa đội bóng sang với một mức giá hợp lý, bởi tôi không muốn trút gánh nặng đó cho người hâm mộ, hoặc là không muốn trút gánh nặng cho doanh nghiệp mà mình đang làm việc ở đấy. Dù yêu bóng đá thật sự thì cũng phải dựa trên lý trí bình thường chứ không thể mù quáng được.

* Là người nhận trách nhiệm thương thảo tài chính với các HLV ngoại của ĐTQG trong nhiều năm qua, nên ông hẳn đã đàm phán với rất nhiều đối tác nước ngoài trong lĩnh vực bóng đá. Vậy lần đàm phán với Arsenal này có gì đặc biệt hay có ấn tượng nào khiến ông phải nhớ không?

- Nói chung thì mỗi người đều có một vẻ. Ở đây thì Arsenal có đưa một cái dự thảo hợp đồng qua rồi và tôi có xem rất kỹ. Cơ bản thì hợp đồng với Arsenal cũng như các hợp đồng khác, và chỉ có một vài điểm khác nhưng khác là gì thì tôi không thể công bố ở đây.

Mình cứ xoáy vào các điểm đó thôi và khi đàm phán với họ thì tôi nói có những điểm A, điểm B, điểm C, điểm D cần làm rõ, hoặc bất đồng giữa 2 bên còn lớn thì bàn cách giải quyết. Hợp đồng thì thường có những nguyên tắc chung nhưng cũng có những nguyên tắc riêng, chẳng hạn như ở đây là chuyện thương quyền của HLV.

Chẳng hạn như khi Cannavaro hay Kompany sang Việt Nam thì đi với tư cách cá nhân nên không có thương quyền gì, còn ở đây thì rất khác, bản quyền truyền hình, trật tự an ninh cho đoàn, y tế, bảo hiểm…, nói chung là rất nhiều điều khoản.

Nếu tôi không có nền tảng là quen thẩm định các dự án lớn của Eximbank hàng ngày thì cũng sẽ rất khó nhai với hợp đồng của Arsenal, có khi phải mất vài tháng, vì phải hỏi luật sư, phải xin tư vấn nọ kia đủ cả.

* Thưa ông trong quá trình làm việc với Arsenal có lúc nào ông phải trình bày rằng điều kiện Việt Nam chỉ có như thế này và mong đối tác thông cảm mà chấp nhận hay không?

- Không, không bao giờ có chuyện như thế. Đây là chuyện làm ăn nên không có chỗ cho sự thông cảm. Trong chuyện thương mại thì không thể nói tới thông cảm, đấy là khái niệm dành cho các hoạt động xã hội từ thiện mà thôi. Tất cả đều phải được giải quyết thông qua luật chơi và mình phải là người rất hiểu luật chơi và có kỹ năng đàm phán với họ.

* Với kinh nghiệm từ vụ việc hợp tác với Arsenal thì ông có tự tin rằng năm nào cũng sẽ mời được một đội bóng nổi tiếng tới Việt Nam thi đấu hay không?

- Tại sao lại không nếu mình đàm phán được với những đối tác đưa ra giá cả hợp lý trên nguyên tắc thuận mua vừa bán. Vậy thôi còn tôi vẫn bảo lưu quan điểm là không tìm cách đưa một cầu thủ hoặc một đội bóng nước ngoài sang Việt Nam với bất cứ giá nào, hoặc thậm chí có thể thua lỗ nặng, bởi đã làm nghề kinh doanh thì chẳng ai hành động như vậy cả. Tôi tin là với kinh nghiệm như thế này thì các năm sau mình sẽ làm tốt hơn, còn hiện tại thì không thể nói trước bất cứ chuyện gì.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Mai An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Tôi đang làm việc ở một ngân hàng và lại giữ chức Chủ tịch HĐ tín dụng trung ương của ngân hàng ấy nên hàng ngày hàng tuần tôi thẩm định rất nhiều dự án, có những dự án vài chục triệu USD hoặc năm trăm tỷ, một ngàn tỷ nên tôi đã quen với các điều khoản đó rồi nên liếc qua cái là tôi biết cái nào cho qua được còn cái nào phải đánh dấu.

Còn nếu không có kinh nghiệm như thế thì chắc phải ngồi lâu lắm với bản hợp đồng của Arsenal. Sở dĩ việc đàm phán diễn ra nhanh là vì tôi có cái nền trải qua bao nhiêu hợp đồng có giá trị lớn rồi, nên khi nhìn vào dự thảo hợp đồng của Arsenal là tôi phát hiện ngay được cái nào cần giải quyết, còn những chi tiết khác thì nhất trí hết.

Thế nên chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nếu không có khi chỉ riêng khía cạnh bảo hiểm của hợp đồng cũng phải mất cả tháng, chẳng hạn như bảo hiểm cái gì, tỷ lệ bao nhiêu, hãng nào, nước nào… ôi chuyện đó thì ghê gớm lắm.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm