10/08/2020 07:44 GMT+7
(lienminhbng.org) - Quyết định sa thải 55 nhân viên của Arsenal khiến nhiều cầu thủ và CĐV cảm thấy không hài lòng vì nó đồng nghĩa sẽ đẩy cuộc sống của 55 gia đình vào tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nếu “Pháo thủ” không làm vậy, vấn đề tài chính của CLB sẽ rất căng thẳng.
Hồi tháng 4/2020, các cầu thủ và nhân viên của Arsenal đồng ý cắt giảm 12,5% lương như một cách để hỗ trợ CLB trong tình hình khó khăn chung của thế giới. Các cầu thủ tin quyết định giảm lương tự nguyện của họ sẽ giúp các nhân viên của CLB không bị mất việc.
Không còn đường lui
Trước khi đồng ý giảm lương 12,5%, một số cầu thủ Arsenal trong đó có Ozil còn từ chối làm việc đó khi CLB không nói rõ ràng là khoản lương bị giảm trừ của họ sẽ được sử dụng vào việc gì. Sau khi Arsenal đoạt Cúp FA và giành quyền dự Europa League, các cầu thủ của họ đã nhận lại một phần tiền. Đây là điều kiện được thỏa thuận trước khi các cầu thủ đồng ý giảm lương. Bây giờ các cầu thủ Arsenal muốn nói chuyện với ban lãnh đạo CLB do cảm thấy họ bị phản bội sau quyết định gây tranh cãi mới nhất.
Tuy nhiên, quyết định của Ban lãnh đạo Arsenal phần nào cũng dễ hiểu với tình trạng chung của thế giới hiện tại. Mùa giải trước, tổng số tiền thu được sau mỗi trận đấu của “Pháo thủ” là 96 triệu bảng. Nguồn thu này hiện nay không có do buộc phải thi đấu ở sân không khán giả. Hơn nữa, không ai biết chắc tình trạng này sẽ kéo dài tới bao lâu.
Phương án sa thải nhân viên về mặt tình cảm dĩ nhiên không nhận được nhiều sự đồng thuận. Tìm kiếm việc làm tại Anh vốn đã rất khắc nghiệt thì ở thời điểm này mọi thứ càng tồi tệ hơn. Thế nhưng, Arsenal vẫn phải “sống”, vẫn phải hoạt động. Nếu vì tình cảm mà không sa thải nhân viên thì quả thực cũng không rõ Arsenal có thể trụ vững được không.
Hệ quả từ thành tích thi đấu
Năm 2013, Arsenal chiêu mộ được Ozil từ Real Madrid. Giám đốc điều hành Ivan Gazidis của “Pháo thủ” khi đó đã mạnh mẽ phát biểu: “Nền tảng doanh thu ổn định đang giúp CLB có sức mạnh tài chính cần thiết cho những cuộc cạnh tranh cầu thủ hàng đầu thế giới”. Tiếp sau đó, đội chủ sân Emirates còn đưa về cả Alexis Sanchez như thêm một lần khẳng định về sức mạnh tài chính của CLB.
Mùa Hè 2019, Arsenal đã lập kỷ lục chuyển nhượng CLB với 72 triệu bảng để có Nicolas Pepe. Rồi họ chấp nhận đãi ngộ David Luiz mức lương 120 nghìn bảng/tuần. Sắp tới, Willian cũng chuẩn bị gia nhập Emirates mức lương 100 nghìn bảng/tuần. Cùng với đó, họ nhiều khả năng sẽ phải tăng gấp đôi mức lương của Aubameyang để giữ chân cầu thủ này.
Những cầu thủ kể trên, đóng góp rất nhiều vào thành tích chung của Arsenal, nhưng những điều tốt nhất của họ không giúp Arsenal giành nhiều danh hiệu danh giá. Đồng nghĩa, nguồn thu nhập từ các danh hiệu của “Pháo thủ” không mang lại nhiều ý nghĩa. Mức doanh thu của Arsenal có thể ổn định, nhưng nó không phải ở mức cao.
Arsenal thời gian qua thực tế luôn chi tiêu ở mức Champions League, nhưng doanh thu lại chỉ đạt mức Europa League. Tác động của Covid-19 như một đòn đánh chí mạng khiến CLB nước Anh không thể gồng mình thêm nữa. Cắt giảm nhân sự là một hệ quả từ chính thành tích thi đấu bết bát kéo dài trong nhiều năm.
Thương hiệu Arsenal giảm mạnh vì Covid-19 Theo thống kê của Brand Finance Football, Arsenal là CLB tại Premier League có mức giảm mạnh mẽ nhất so với năm 2019 trong nhóm Big Six. Trong năm 2020, giá trị thương mại của họ chỉ đạt 719 triệu euro, giảm 18,8%. Cùng cảnh ngộ với họ còn có MU (1,3 tỷ euro, -10,7%), Man City (1,1 tỷ euro, -10,4%) và Chelsea (949 triệu euro, -1,9%). Trong khi đó, giá trị thương hiệu của Liverpool (1,26 tỷ euro) và Tottenham (784 triệu euro) đồng loạt tăng nhẹ với mức lần lượt là 6% và 3,3%. |
Quý Dậu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất