Man United - Arsenal: Mourinho có danh hiệu, Wenger có tình yêu

18/11/2016 17:55 GMT+7

(lienminhbng.org) - Kể từ năm 2004 tới nay, Arsene Wenger có thể không giành được nhiều danh hiệu như Jose Mourinho. Thế nhưng, “Giáo sư” lại luôn có một điều mà “Người đặc biệt” rất muốn có. Đó là lòng tin của các học trò.
Sau khi Man United đánh bại Swansea 3-1, Jose Mourinho đã gửi một thông điệp tới Luke Shaw: “Để cạnh tranh, bạn phải đẩy bản thân tới giới hạn”. Đây không phải lần đầu tiên Mourinho công khai chỉ trích Luke Shaw hay học trò của ông. Cristiano Ronaldo, Mario Balotelli hay cả Iker Casillas cũng từng chịu chung tình cảnh.

Chỉ trích và sự phản bội

Không phải ngẫu nhiên “Người đặc biệt” lại thường chỉ trích các học trò của mình như vậy. Đây là phương pháp huấn luyện mà ông gọi là “lãnh đạo đối đầu”, một thứ “nghệ thuật hắc ám”. Giải thích về phương pháp này, Mourinho chia sẻ: “Đó là khi bạn sẵn sàng khiêu khích các cầu thủ của mình, cố gắng tạo ra xung đột với ý định để họ phát huy hết năng lực của bản thân”. Với thứ “nghệ thuật” này, “Người đặc biệt” đã giành được rất nhiều thành công. Tuy nhiên, không phải lúc nào phương pháp này của Mourinho cũng phát huy hiệu quả.


Mourinho không ít lần chỉ trích Luke Shaw


“Lãnh đạo đối đầu” đem lại nhiều thành công khi Mourinho ở Porto, Chelsea (nhiệm kỳ đầu) và Inter Milan. Ông từng biến những cầu thủ vô danh như Vitor Baia của Porto trở thành thủ thành số một của đội tuyển Bồ Đào Nha hay Sulley Muntari của Inter Milan thành nhà vô địch Champions League. Tuy nhiên, nhìn lại có thể nhận thấy ở giai đoạn này, hầu hết các HLV đều là người làm chủ phòng thay đồ. Nghĩa là, ý muốn hay lời nói của HLV là điều không thể phản kháng. Khi đó, các cầu thủ không còn cách nào khác ngoài cố gắng hết mình để được thi đấu. Do vậy, phương pháp của Mourinho dễ dàng phát huy hiệu quả.

Thế nhưng, thứ “nghệ thuật hắc ám” của Mourinho bị phản tác dụng với những cầu thủ ở thời hiện đại. Có thể nhận rõ điều này khi nhìn vào những ngày tháng của HLV người Bồ Đào Nha ở Real Madrid và Chelsea (nhiệm kỳ hai). Với cá tính mạnh, những thế hệ cầu thủ sau này không ngần ngại bày tỏ quan điểm hay đối đầu trực tiếp với các HLV. Mourinho cũng chẳng phải ngoại lệ. Balotelli hay Cristiano Ronaldo là những minh chứng cụ thể cho điều này. Dần dần, “Người đặc biệt” đánh mất cái uy của mình trong phòng thay đồ.


Mourinho có cả lịch sử gây chiến với học trò

Mùa giải trước khi còn dẫn dắt Chelsea, Mourinho từng nói rằng ông bị các cầu thủ phản bội. So với màn trình diễn hiện giờ và trước đây của các ngôi sao ở Chelsea, có lẽ điều “Người đặc biệt” nói là đúng. Những Hazard, Diego Costa hay Matic vẫn thi đấu vật vờ như những bóng ma trên sân dù đã “được” Mourinho chỉ trích công khai. Trong khi ở thời điểm này, những cái tên đó lại thi đấu thăng hoa, bùng nổ với ngọn lửa mà Antonio Conte đem đến.

Có lẽ dưới thời Mourinho, các cầu thủ Chelsea đã quá mệt mỏi với “nghệ thuật hắc ám” nên họ “đồng lòng” sa sút phong độ. Càng chỉ trích họ càng thi đấu tồi tệ. Còn với Conte, họ được truyền lửa thay vì bị chỉ trích. Vì thế, các cầu thủ Chelsea thi đấu nỗ lực và cố gắng hơn.

Giá trị của lòng tin

Nhắc đến Mourinho thì ông có khá nhiều địch thủ trên băng ghế huấn luyện như Arsene Wenger, Pep Guardiola, Juergen Klopp,...Tuy nhiên, nổi trội và xuyên suốt có lẽ chỉ là Wenger. Cả hai gây chiến với nhau ngay từ những ngày đầu HLV người Bồ Đào Nha mới đặt chân tới nước Anh. Nguyên nhân phần nhiều do suy nghĩ và quan điểm huấn luyện của Wenger và Mourinho khá khác nhau.

Thủ thành Petr Cech từng nói rằng điểm chung của hai vị HLV này là không thích thật bại. Nhưng khi thất bại, cách hành xử của cả hai rất khác nhau. Mourinho thì luôn tìm một cách nào đó để bào chữa cho thất bại của mình. Thậm chí, ông sẵn sàng công khai chỉ trích học trò để làm bia đỡ đạn cho mình. Trong khi đó, HLV Wenger thì lại khác. Ông lại thường cố bảo vệ học trò mình hơn là khiến họ cảm thấy xấu hổ.


Wenger luôn vui vẻ với các học trò

Nói vậy nhưng cũng cần khẳng định rằng không phải không có những lúc Wenger thất vọng về màn trình diễn của các cầu thủ. Sau trận hòa 1-1 với Tottenham hôm 6/11, HLV người Pháp đã tỏ một chút thái độ không hài lòng với các học trò khi họ thi đấu bế tắc kể từ lúc bị gỡ hòa.

“Khi bị gỡ hòa, tôi không biết có phải các cầu thủ đã gặp một chút ảnh hưởng về mặt tâm lý hay không nữa. Nhưng nhìn chung, tôi không thể giải thích được về màn trình diễn của các học trò trong 30 phút cuối trận. Đội bóng đã không thể đưa ra một câu trả lời đủ tốt để giành chiến thắng”, HLV Wenger chia sẻ.

Cách đối xử nhẹ nhàng của Wenger khiến cho phòng thay đồ của Arsenal luôn được bình yên. Thực tế, người ta hiếm bao giờ phải thắc mắc rằng mối quan hệ của “Giáo sư” với các học trò có mâu thuẫn gì không. Đây cũng là lý do phần nào HLV Wenger được ban lãnh đạo đội bóng tin tưởng tới giờ phút này. HLV người Pháp không đem lại nhiều danh hiệu nhưng ông xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho “Pháo thủ”. Nhờ thế, đội bóng luôn chiếm được cảm tình của người hâm mộ trên toàn thế giới.

Wenger cũng là HLV thuộc thế hệ thường làm chủ phòng thay đồ. Tuy nhiên, với HLV người Pháp, ông giống như một người “bố” của các cầu thủ hơn là một người quản lý phòng thay đồ. Và với cách huấn luyện như vậy, Arsenal của ông từng vô địch Premier League với thành tích bất bại ở mùa giải 2003-04. “Giáo sư” có thể thua kém Mourinho về danh hiệu nhưng thành tích này sẽ là niềm tự hào của ông.


Wenger đã tạo nên kỳ tích với Arsenal ở mùa giải 2003-2004

Mourinho luôn tự hào về thành tích của mình. Ông đi đến đâu là giành danh hiệu đến đó. Thế nhưng, sau những ánh hào quang và nụ cười chiến thắng là những bãi chiến trường, đống đổ nát ông để lại trước khi rời một CLB nào đó. Xét về giá trị truyền thống thì Mourinho quả thực chưa thể so sánh được với Wenger.

Trong ba mùa giải gần đây, các cầu thủ Man United thường bày tỏ quan điểm cá nhân về HLV. Điều này không diễn ra khi Sir Alex còn tại vị. Cựu thủ môn David James từng chia sẻ về cách các cầu thủ xử sự khi HLV người Scotland còn nắm quyền như này: “Nếu ông ấy yêu cầu im lặng, các cầu thủ của Ferguson buộc phải tuân theo. Mặc dù là bạn bè với Rio Ferdinand và Wayne Rooney, cùng nhiều cầu thủ khác, nhưng tôi chưa bao giờ nghe họ nói gì về Ferguson”. Rõ ràng, Mourinho vẫn cần phải học rất nhiều từ Sir Alex nếu muốn vĩ đại được như ông. Còn với Wenger, HLV người Pháp có thể không vĩ đại nhưng ít nhất ông luôn có hình ảnh đẹp trong lòng các học trò và người hâm mộ.


Tình huống "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" giữa Mourinho và Wenger

Thành tích của Mourinho và Wenger kể từ năm 2004 tới nay

Mourinho: Premier League (2004-05, 2005-6, 2014-15), FA Cup (2006-07), Cúp Liên đoàn Anh (2004-05, 2006-07, 2014-15), Community Shield (2005, 2016), Serie A (2008-09, 2009-10), Coppa Italia (2009-10), Siêu cúp Italia (2008), Champions League (2009-10), La Liga (2011-12), Cúp Nhà vua Tây Ban Nha (2010-11), Siêu cúp Tây Ban Nha (2012)

Wenger: FA Cup (2004-05, 2013-14, 2014-15),  Community Shield (2004, 2014, 2015)

Hiệp Hoàng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm