23/01/2015 07:26 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Khi Palestine đụng độ Jordan ở lượt trận thứ 2 vòng bảng Asian Cup 2015, người ta đã đề cập đến mối quan hệ chính trị phức tạp giữa 2 quốc gia này, đặc biệt là những rắc rối liên quan đến khu Bờ Tây.
Nhưng rốt cuộc, cuộc đối đầu giữa 2 đội vẫn diễn ra đúng với tinh thần thể thao cao thượng. Và rất có thể trận đấu giữa Iran và Iraq ở vòng tứ kết Asian Cup 2015 chiều nay sẽ là một cơ hội để khẳng định: Bóng đá không liên quan đến chính trị.
Iran và Iraq là 2 quốc gia láng giềng. Hai đất nước này có một lịch sử khá phức tạp, mà vụ việc gần nhất chính là cuộc chiến tranh vào năm 1980. Chính vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên, khi Iran và Iraq chạm trán nhau ở tứ kết, cặp đấu này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Iran và Iraq bắt đầu từ những năm 1950 và nó kéo dài sang tận thiên niên kỷ mới. Trong khoảng thời gian ấy, bóng đá 2 nước đã bị tác động không nhỏ bởi yếu tố chính trị. Phải đến năm 1962, giữa Iran và Iraq mới có trận thi đấu giao hữu bóng đá đầu tiên. Trận đấu lịch sử ấy được tổ chức vào ngày 1/6/1962 tại thủ đô Teheran của Iran.
Không dừng lại ở đó, trong suốt 25 năm từ năm 1975 cho đến năm 2000, đội tuyển quốc gia của Iraq và Iran cũng chỉ chạm trán nhau vỏn vẹn có 6 lần. Trong đó, có tới 3 trận là thuộc các VCK Asian Cup. Điều đó có nghĩa là gần như không có hoạt động giao lưu bóng đá giữa Iran và Iraq.
Trái ngược với giai đoạn đóng băng trước đó thì cuộc đọ sức tại tứ kết Asian Cup chiều nay đã là lần thứ 12 mà Iraq và Iran chạm trán nhau, chỉ tính trong 15 năm gần nhất. Đây là bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa Iraq và Iran ít nhất là trong lĩnh vực bóng đá đã được cải thiện rõ rệt.
Vì thế, có thể tin rằng trận đấu giữa 2 đội lần này sẽ hoàn toàn mang tính chuyên môn thuần túy. Tại Canberra, Iran có thể tiếp tục chơi lấn lướt hơn. Trong 24 trận đối đầu trên mọi mặt trận, Iran đã thắng đến 14 trận và chỉ thua 4 lần. Thất bại gần nhất của Iran trước Iraq là vào năm 2003. Từ đó đến nay, Iran đã hoàn toàn bất bại trước đội bóng láng giềng này, với 6 trận thắng và 1 trận hòa, bao gồm cả chiến thắng 2-1 ở vòng bảng Asian Cup 2011. Nếu chỉ tính riêng ở Asian Cup, thì Iraq cũng mới chỉ có 1 lần duy nhất hạ được Iran trong 5 cuộc đụng độ trước đây (tại Asian Cup năm 1996).
HLV Radhi Shenishil của Iraq đã kêu gọi Ban tổ chức có kế hoạch tách riêng khu vực ngồi của CĐV 2 đội trong trận tứ kết này. Đấy là một đề xuất hợp lý. Nhưng hãy tin rằng, người Iran và Iraq sẽ đến sân để thưởng thức bóng đá, chứ không phải gây hấn.
Hàn Quốc và Australia vào bán kết Đã không có bất ngờ xảy ra trong 2 trận tứ kết đầu tiên của VCK Asian Cup 2015, khi lần lượt Hàn Quốc và đội chủ nhà Australia đã giành vé vào bán kết sau những trận thắng với cùng tỉ số 2-0 trước Uzbekistan và Trung Quốc. Tuy nhiên, cách có được chiến thắng của Hàn Quốc và Australia là tương đối khác biệt. Hàn Quốc phải chờ đến hiệp phụ với sự tỏa sáng của ngôi sao Son Heung-Min với một cú đúp, mới khai thông được bế tắc trước Uzbekistan. Trong khi đó, Australia dưới sự cổ vũ của khán giả nhà đã tạo dựng được một thế trận trên cơ trước Trung Quốc. Người giúp Socceroos có được niềm vui thắng trận không phải ai khác chính là ngôi sao gạo cội Tim Cahill với 2 pha lập công ở những phút 49 và 65. |
Phan Đức
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất