13/01/2014 12:59 GMT+7 | Tennis
(lienminhbng.org) - Liên đoàn quần vợt thế giới liệu có chấp nhận một sự thay đổi mang tính lịch sử trong làng banh nỉ, đổi Australian Open thành Grand Slam thứ 2 trong năm? Nghe như chuyện đùa nhưng đó là mong ước có thật của những người trong cuộc.
Cụ thể, đó chính là ý kiến của tay vợt đang giữ ngôi số 1 thế giới, Rafael Nadal, một ngày trước khi Australian Open 2014 khởi tranh.
Nắng nóng- kẻ thù muôn kiếp
Nadal cho rằng giải Australian Open không nên được tổ chức ngay đầu mùa bởi các tay vợt tham dự có rất ít thời gian để kịp thích nghi với tình hình thời tiết ở quốc gia chủ nhà. Tay vợt người Tây Ban Nha không phải vô cớ khi đưa ra quan điểm như vậy. Hồi giữa tuần qua, cơ quan khí tượng Australia đã đưa ra cảnh báo về một tuần nóng nực tại quốc gia này. Nhiệt độ được dự báo sẽ vào khoảng 42 độ C và sẽ kéo dài ít nhất tới cuối tuần này.
Không chỉ Nadal, tay vợt nữ số 3 thế giới Maria Sharapova cũng tỏ ra e ngại trước khi bước vào trận chiến đầu tiên. “Tôi không nghĩ rằng tay vợt nào cũng có sự chuẩn bị cho điều kiện thời tiết nắng nóng như thế này. Với tôi, thật khó khăn khi tập luyện với cường độ cao dưới cái nóng thiêu đốt. Khi bạn đã dốc hết sức thì lại khó để duy trì trong thời gian dài”- tay vợt người Nga nói.
Sharapova vẫn còn rầu rĩ khi nhớ lại mùa giải 2007, trận đấu với đối thủ người Pháp, Camille Pin. Sau trận, cô gọi thời tiết Australia lúc đó là “vô nhân đạo”. “Làm sao tôi có thể quên được. Kể cả sau trận, tôi vẫn còn cảm thấy khó chịu. Bạn phải thực sự cố gắng để giữ sự tập trung. Rõ ràng, trận đấu càng kéo dài, sẽ càng tồi tệ cho cả hai”.
Novak Djokovic từng lặng lẽ trở về từ Melbourne khi gác vợt trước Andy Roddick tại tứ kết năm 2009. Nguyên nhân khiến anh không thể bảo vệ được danh hiệu của mình là do kiệt sức vì nóng. Còn Andy Murray nhớ như in cảnh anh “ốp trứng” trên sân tập ở nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C.
Năm nay, Murray trở lại sau thời gian điều trị chấn thương lưng. Dù trải qua thời gian dài tập luyện tại Florida (Mỹ) nhưng tay vợt người Anh thừa nhận chẳng thể so sánh với nhiệt độ tại Australia. “Việc tập luyện ở Florida chút ít giúp tôi quen thi đấu dưới nắng nóng. Nhưng ở đó, nhiệt độ vào khoảng 32 độ C còn ở Australia là trên 40 độ C. Tôi cảm nhận được sự khác biệt ngay khi bước vào sân. Mặt sân quá nóng và không khí cũng chẳng khá hơn”.
Công nghệ chịu thua thời tiết
Thời tiết nắng nóng, sân tập có hạn và được sắp xếp theo giờ khiến nhiều tay vợt phải tập luyện vào giữa trưa, thời điểm nhiệt độ trong ngày lên tới mức cao nhất.
Bởi thế, Australian Open luôn là thử thách khắc nghiệt với các tay vợt. Rất nhiều tay vợt đã bị mất nước, bị choáng, say nắng và cần sự trợ giúp y tế. Nước đá và quạt máy được bố trí ở vị trí họ nghỉ ngơi nhưng không giúp ích nhiều.
Để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt, kể từ năm 1998, Australian đã đưa ra Chính sách nhiệt (EHP) dựa trên ý kiến của nhiều tay vợt. EHP liên quan tới tính phức tạp của nhiệt độ, độ ẩm, gió và cả điều kiện y tế; được thực thi theo quyết định của trọng tài. Nó được triển khai bằng cách đóng mái vòm SVĐ hay dừng trận đấu.
Thực tế, EHP chỉ được áp dụng trong những trường hợp hy hữu và là biện pháp “cực chẳng đã” của trọng tài. Hệ thống mái của hai sân Rod Laver và Hisense bình thường vẫn để mở để điều hòa không khí và độ ẩm. Các tay vợt vẫn phải tự thích nghi với thời tiết.
Các CĐV cũng chung cảnh ngộ. Họ được khuyến cáo nên tới sân với mũ rộng vành, kính đen, kem chống nắng và đặc biệt phải mang theo nhiều nước để bảo vệ mình dưới cái nắng gay gắt.
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất