07/06/2011 11:55 GMT+7 | Đức
(TT&VH) - Đức sẽ mất thêm hai trụ cột ở tuyến tiền vệ là Sami Khedira và Simon Rolfes (đều chấn thương) trong trận gặp Azerbaijan, nhưng những sự thiếu vắng ấy cũng sẽ không khiến HLV Joachim Loew phải quá băn khoăn. Ngược lại, đó là cơ hội để ông được nhìn thấy “thế hệ tiền vệ thứ ba” của đội Đức bắt đầu bước vào vũ đài thế giới, bằng cách vượt qua một thách thức nhỏ trước mắt.
Holty(trái) và Rudy(phải) đang lắng nghe chỉ đạo của HLV Joachim Loew - Ảnh Getty |
HLV Loew đã quyết định cho Khedira được nghỉ ngơi để hồi phục hoàn toàn chấn thương lưng mắc phải trước trận gặp Áo (anh đã gắng gượng ra sân), còn Rolfes cũng buộc phải vắng mặt vì vết đau cơ khép. Trước đó, Bastian Schweinsteiger, Christian Traesch, Sven Bender, Marco Reus, đều là các tiền vệ, cũng buộc phải rút khỏi danh sách tuyển Đức vì các chấn thương mức độ khác nhau. Hai sự bổ sung duy nhất là Lewis Holtby của Schalke và Sebastian Rudy của Hoffenheim. Họ cón rất trẻ (sinh năm 1990), và đều là những người mới toanh (Holtby mới ra sân một trận cho ĐTQG, còn Rudy chỉ mới chơi ở các lứa U).
Holtby và Rudy đã được bổ sung khẩn cấp từ đội U-21 Đức mà cách đây một tuần, đã thất thủ 2-4 trước U-21 BĐN. Ông Loew triệu tập họ với hy vọng rằn nhịp độ thi đấu vẫn đang được duy trì sẽ giảm tải cho cả hai những áp lực và sự bỡ ngỡ trong màu áo ĐTQG Đức. Azerbaijan, đội hiện đứng áp chót bảng A vòng loại EURO 2012, cũng là một lý do để các tiền vệ trẻ của ông Loew có thể chơi bóng mà không quá bị cắng cứng, nhất là khi áp lực thành tích là không đáng kể (Đức đã hơn đội nhì bảng Bỉ đến 7 điểm, trong khi đá ít hơn một trận).
Và thế là Azerbaijan có thể đối tượng “thí nghiệm” đầu tiên cho một tuyến tiền vệ gồm toàn những gương mặt lạ lẫm của đội Đức. Họ đều là “măng non” (cả Rudy, Holtby, Toni Kroos đều sinh năm 1990, trong khi Mario Goetze sinh năm 1992), và đều thiên về tấn công. Không phải là kiểu tiền vệ con thoi tham gia tấn công theo thời điểm, mà tất cả đều có xu hướng chơi như một hộ công thực sự.
Có thể coi đó là “Thế hệ tiền vệ thứ Ba” của đội Đức, trong sự đổi thay vũ bão về triết lý bóng đá và cách xây dựng bản sắc của họ trong nửa thập kỷ qua. Thế hệ đầu tiên đại diện cho kỷ nguyên mà bóng đá Đức vang danh trên thế giới nhờ tính kỷ luật và sức mạnh tinh thần bất phàm, những phẩm chất được kết tinh trong các thủ lĩnh huyền thoại của đội Đức trước đây như Franz Beckenbauer Lothar Matthaeus, Stefan Effenberg…, và thời kỳ đương đại là Michael Ballack. Thế hệ thứ hai xuất hiện sau cuộc cách mạng của Klinsmann ở World Cup 2006, với các đại diện tiêu biểu là Schweinsteiger và Khedira, những người không hẳn là thủ lĩnh, nhưng có khả năng đem đến sự cân bằng và thanh thoát trong lối chơi ít chạm hiện tại. Còn thế hệ thứ Ba, nếu có trưởng thành, sẽ đánh dấu một bước đột phá lớn hơn nữa: Người Đức sẽ tạo được đột biến ngay từ vòng tròn trung tâm, với những mẫu tiền vệ lắt léo, sáng tạo, và rất mạnh về tấn công.
Tất nhiên, đi kèm với đó là một thách thức khác: Làm sao để đảm bảo tính cân bằng cho cả hệ thống chiến thuật? Nhưng nên nhớ, người Đức đã chuyển từ một mô hình đặc trưng cho thứ bóng đá kỷ luật sang mô hình linh hoạt một cách hoàn hảo trong nửa thập kỷ qua, và nếu họ thành công hơn nữa với những tiền vệ 9x này, thì có lẽ trong tương lai, trận gặp Azerbaijan sẽ được đề cập như một trận đấu cột mốc…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất