'Ba nghìn thế giới thơm' tái xuất

08/11/2015 19:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Tác phẩm Ba nghìn thế giới thơm xuất bản lần đầu tháng 3/2007, từ đó đến nay đã thành “sách gối đầu giường” của giới làm thơ và nghiên cứu thơ haiku, cùng với quyển Thơ ca Nhật Bản, cũng của Nhật Chiêu. Trong diện mạo mới , với những bổ túc, chỉnh sửa, Ba nghìn thế giới thơm (NXB Văn học, Zenbook) của Nhật Chiêu vừa tái xuất hiện trở lại.

Sách này viết như giỡn, mà uyên thâm, với phần 1 có tên Con đường thơ ca, trải dài từ thi tập đồ sộ Vạn diệp tập (Manyoshu, thế kỷ 8) cho đến Cổ kim tập (Kokinshu), Thập di tập (Shuishu), rồi Tân tục cổ kim tập(Shinhokukokinshu)… Đi từ những thể thơ căn bản của Nhật như waka, tanka cho đến thể thơ lẫy lừng - haiku - mà ngày nay thi sĩ ở rất nhiều nước vẫn thực hành.

Phần Ba nghìn thế giới thơm đi sâu vào thơ haiku, với những liên tưởng, nắm bắt tài tình, văn phong diễm tuyệt. Nói dễ hiểu, nếu muốn nắm được tinh thần và khái lược thơ ca Nhật Bản một cách nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng, đọc sách này là đủ.


Bìa cuốn “Ba nghìn thế giới thơm”

Thơ haiku Nhật không những ngắn nhất thế giới (chỉ 17 âm tiết), mà còn tiên phong về cái nhìn bình đẳng, gần gũi với sinh thái, không có biểu tượng lớn hoặc nhỏ.

Như Issa trong các bài: “Ruồi trên nón ta ơi/ hôm nay vào thành phố/ thành dân Edo rồi”; “Cuộc đời đẹp quá/ con dê rung chuông/ cánh diều bay lả” (trang 228). Hay Bashô: “Bay đến triêu nhan/ những con muỗi nhỏ/ hát như hơi tàn”, “Nở bên đường/ một cành hoa Bụt/ đưa mình ngựa ăn” (trang 325); “Chậm rì, chậm rì/ kìa con ốc nhỏ/ trèo núi Fuji” (Issa, trang 385); “Chống tay trên bờ/ và ngồi trang trọng/ con ếch ngâm thơ” (Sôkan, trang 391)…

Ít có nền thơ ca nào mà viết về ruồi, muỗi, ốc, ếch nhái, hoa dại, hạt sương, đom đóm… nhiều, trang trọng, bình đẳng như thơ Nhật, không hề có sự phân biệt với những biểu tượng như núi Phú Sĩ, Mặt trời, hoa anh đào, Mặt trăng, mưa… Phần 2 của sách vì vậy cũng có những cái tên rất thơ mộng, ví dụ như Một cành hoa bụt, Bướm về nghe pháp, Hòa âm ếch nhái, Hỏi thầm giọt sương, Ôi con ốc nhỏ, Đom đóm đồng không…

Dường như với haiku, ruồi muỗi, ếch nhái, hoa dại… đều là những thế giới hoàn hảo, riêng biệt, nhưng thiết thân với mọi thế giới khác.

Có lẽ vì vậy mà Nhật Chiêu mượn câu thiền ngôn trong trong Thiền lâm cú tập (Zenrinkushu) để làm tựa đề: “Nhất điểm mai hoa nhụy/ Tam thiên thế giới thơm” (Hoa mơ một chút nhụy/ Ba nghìn thế giới thơm). Ba nghìn cũng là cách nói tượng trưng về số nhiều của vũ trụ, nghĩa là con người không phải duy nhất và “toàn quyền sử dụng”.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm