06/06/2020 15:00 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Với mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 6/6, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 với điểm cầu chính tại Bắc Giang, 61 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước và 4 điểm cầu tại các tỉnh của Trung Quốc. Sự kiện đã thu hút sự tham dự của trên 2.300 đại biểu tại các điểm cầu.
Như báo điện tử Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã thông tin, dự tại điểm cầu chính Bắc Giang có đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Bắc Giang, Hà Nội; đại diện Tham tán kinh tế thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ vải thiều trong và ngoài tỉnh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Bắc Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ cắt băng xuất hành những xe vải đầu tiên đi tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.
Trong bài phát biểu chiêu thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn cho biết, hiện nay Bắc Giang được coi là “thủ phủ” trái cây ở miền Bắc Việt Nam và là “kinh đô” của vải thiều với diện tích 28.000 ha, sản lượng đạt từ 150.000-200.000 tấn/năm, riêng năm 2020 sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 160.000 tấn.
Theo thống kê, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.000 ha, GlobalGAP là 218 ha - được Mỹ cấp mã số IRADS, cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng; cơ quan chức năng Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói.
Năm 2020, vụ vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã bắt đầu từ giữa tháng 5 và sẽ kết thúc vào cuối tháng 7. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, tỉnh Bắc Giang dự kiến xúc tiến tiêu thụ vào thị trường nội địa khoảng 50% sản lượng vải thiều và thị trường xuất khẩu 50%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn nhấn mạnh: "Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đăng ký thu mua và xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang với các thủ tục giao thương diễn ra thuận lợi. Sau hội nghị này, Bắc Giang kỳ vọng được đón tiếp nhiều hơn nữa các doanh nghiệp và thương nhân trong nước và nước ngoài đến tham quan, khảo sát, sớm ký kết hợp đồng chính thức với các hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh để ổn định trong thu mua, tiêu thụ vải thiều. Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều".
Đánh giá về chất lượng vải thiều của Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định, cùng với chất lượng được duy trì, cải thiện, vải Bắc Giang ngày càng chú trọng áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nâng cao an toàn thực phẩm. Vải thiều Bắc Giang không chỉ là đặc sản trong nước mà còn chinh phục được nhiều thị trường khó tính, được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia.
Theo ông Lăng Tinh Cương, đại điện doanh nghiệp tại Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc), vải Bắc Giang được tiêu thụ rất tốt trên các thị trường của các thành phố lớn tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến. Hiện nay thương hiệu vải Bắc Giang đã vô cùng nổi tiếng trên đất Trung Quốc. Vải Bắc Giang rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng bởi quả to, cùi dày, hạt nhỏ.
Tại hội nghị, đại diện nhiều tập đoàn, chợ đầu mối, hiệp hội hoa quả trong và ngoài nước đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ vải thiều.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, mùa vải năm 2020, Tập đoàn sẽ tiêu thụ khoảng 500 tấn vải; tổ chức tuần lễ quảng bá và giới thiệu trái vải tại Hà Nội và sẽ đưa trái vải vào bán trong hệ thống BigC & Go trên cả nước. Ngoài bán trực tiếp trái vải, Tập đoàn còn giới thiệu tới khách hàng một số món ăn và thức uống được chế biến từ trái vải.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị, để việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi, các doanh nghiệp, thương nhân nên từng bước chuyển từ loại hình xuất khẩu tiểu ngạch biên giới sang xuất khẩu chính ngạch, tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, tem nhãn, quy cách đóng gói. Các cơ quan cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn phối hợp với cơ quan chức năng của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu vải thiều; nhất là về thủ tục hành chính, thủ tục kiểm dịch, thông quan, làm thêm giờ và ưu tiên phân luồng riêng cho xe chở vải thiều xuất khẩu.
Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, để tiếp tục nâng tầm giá trị quả vải thiều Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện phổ biến tuyền truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải. Đồng thời, Bộ CôngTthương sẽ tiếp tục phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Singapore, Australia, Nhật Bản… tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều.
Nhân dịp này, Bắc Giang khai trương sản giao dịch điện tử “Vải thiều Bắc Giang”.
Đồng Thúy - P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất