Nhà thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Y đức cũng chính là chân thiện mỹ

27/02/2014 08:25 GMT+7 | Thế giới


(lienminhbng.org) - Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc vừa sáng tác vừa viết sách nghiên cứu về y khoa và thiền học. Ông gắn cả đời mình với ngành y bằng các công việc chuyên môn và quản lý.

Nhà thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Nhà thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc về những mối quan hệ giữa nghệ thuật và nghề y.

*  Năm 1965, trong bài thơ Thư cho bé sơ sinh viết tại bệnh viện Từ Dũ, ông viết về chuyện cắt rún cho một sinh linh vừa chào đời. Ít người nghĩ rằng việc đỡ đẻ cũng có thể thành thơ...?

- Sao không? Thơ là tiếng lòng, là cảm xúc. Một việc đầy cảm xúc như thế sao không thể thành thơ? Lúc đó tôi mới là một sinh viên y khoa năm thứ ba, thực tập đỡ đẻ. Với lòng đầy cảm xúc, tôi đã viết: “Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ... ” (Thư cho bé sơ sinh).  

* Có ý kiến cho rằng, nếu ngành y giúp chữa lành về thể xác thì nghệ thuật chữa lành về tâm hồn. Riêng nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, ông đã ứng dụng nghệ thuật ra sao trong chữa bệnh tinh thần?

- Cũng không nên tách rời “thể xác” với “tâm hồn” vì thể xác và tâm hồn là một cặp “song sinh”. Người ta hay chúc nhau: “thân tâm thường an lạc” là vậy! Người làm thơ luôn có một tâm hồn rất “nhạy cảm”, đau được nỗi đau của người, khổ được nỗi khổ của người. Nên trong nghề y, có một tâm hồn “nhân bản” là rất cần thiết. Vì thế các đại học y lớn trên thế giới luôn buộc sinh viên y khoa năm đầu phải đọc một số tác phẩm tiểu thuyết...

* Ngoài sáng tác văn chương, gần đây nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc viết khá nhiều sách về thiền. Trong xã hội bận rộn cơm áo hiện nay, theo ông thiền có phải là một giải pháp để con người sống vui hơn?

- Chẳng những sống vui hơn mà còn sống khỏe hơn. Sức khỏe được định nghĩa “là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật”. Như vậy “sức khỏe” của một con người không thể chỉ khu trú vào chuyện có hay không có bệnh, tật. Người thầy thuốc thường chỉ chữa cái “đau” mà không chữa cái “khổ”, chữa cái “bệnh” mà không chữa cái “hoạn”. Do vậy mà dù y học ngày càng phát triển với những thành tựu đáng kinh ngạc nhưng tình trạng tâm thần, tự tử, bạo lực, bất an và các bệnh do hành vi lối sống gây ra như tim mạch, tiểu đường, béo phì… cứ ngày càng phát triển! Thiền, theo tôi là một lối thoát. Âu Mỹ hiện nay đang quay về tìm thứ “thuốc” này của phương Đông.

* Những câu chuyện về y đức của người thầy thuốc hiện nay được đề cập trên các phương tiện truyền thông khiến cả xã hội quan tâm. Là người cả đời làm thầy thuốc, theo ông lý do nào có trường hợp y đức lại xuống cấp như vậy? Và nghệ thuật có góp phần làm cho người thầy thuốc giữ mình trong khi làm nghề y?

- Người thầy thuốc dù ngày xưa được coi là quan đốc, đại phu hay ngày nay được coi là người cung cấp “dịch vụ chăm sóc sức khỏe”… gì gì đi nữa thì cũng phải luôn đứng trước lương tâm chức nghiệp của mình. Người thầy thuốc gồm có cả ba: Người + thầy + thuốc. Người thì có nhân đạo. Thầy thì có nhân đức. Thuốc thì có nhân thuật.  Nhân đạo, nhân đức, nhân thuật hợp lại mới thành cái gọi là… “y đức”. Không có nhân đạo, nhân đức thì còn lâu mới có y đức. Cho nên y đức là chuyện không dễ. Không chỉ được đào tạo, dạy dỗ ở trường y mà phải “gieo trồng” từ hồi niên thiếu, từ trong gia đình, từ môi trường xã hội. Khi ra trường, hành nghề, còn bị ràng buộc bởi “nghĩa vụ luận y khoa” (déontologie médicale), được “quản lý” bởi một đoàn thể nghề nghiệp. Còn nghệ thuật tự nó là cái chân, cái thiện, cái mỹ. Y đức cũng chính là chân thiện mỹ đó vậy!

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm