Bài 3: Đi tìm người dạy tiếng cho chiêng

04/05/2009 11:22 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH) - Ngày 11/5/2005 Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, sau Nhã nhạc cung đình Huế. Ấy thế nhưng, sự thực thì người Tây Nguyên không hề biết làm chiêng, người Tây Nguyên sang Lào hoặc về xuôi mua chiêng của người Kinh, rồi đem về “dạy tiếng” cho chiêng, biến nó thành một nhạc cụ trong một dàn nhạc độc đáo.

Giờ đây, đi xe theo quốc lộ 1A, ngang qua tỉnh Quảng Nam, thấy chiêng treo bán như người ta bán... trái cây ven đường, muốn mua bao nhiêu cũng có. Nhưng để kiếm A - Ver, một trong số ít người “dạy tiếng” cho chiêng còn sót lại, chúng tôi phải vượt quãng đường hơn 300 km từ Tây Giang (Quảng Nam, quê hương của Ker Tik) lên Kon Tum. Có khác đường vào Axan, Tây Giang, con đường Trường Sơn từ Quảng Nam lên Kon Tum tuyệt đẹp, nhất là đoạn đi qua sườn núi Ngọc Linh, dãy núi thiêng còn lại của đại ngàn Trường Sơn.
 
Nghệ nhân A-Ver và nhà văn Nguyên Ngọc

Nếu có một thành phố Tây Nguyên nào cho người ta cảm giác Tây Nguyên còn sót lại nhất, thì đó chính là Kon Tum. Trong tiếng Bana, “Kon” hay “Plei” đều có nghĩa là “làng”. Thị xã Kon Tum được đặt theo làng Kon Tum ngày xưa, tức “Làng Hồ” (“tum” là hồ nước). Ở đây phố không dốc quanh co như Pleiku, không cây cổ thụ giữa phố như Buôn Ma Thuột, ngược lại, Kon Tum khá bằng phẳng, phố nhỏ, cây nhỏ, nhà cũng nhỏ. Nhưng ở đây nhà mái bằng chưa đánh bật được những mái nhà sàn với lối kiến trúc đăng đối cùng hàng lan can mô phỏng hình mặt trời rất đặc trưng Tây Nguyên còn hiện diện ngay trên phố. Hoặc chỉ cần rẽ vào con đường đất đỏ ven lộ, là cả một quần thể làng người Bana hiện ra như vẫn ở đó từ bao đời: vẫn bậc thang gỗ đẽo chênh vênh nửa bàn chân, vẫn cối giã gạo bên chái nhà, và bầy heo nái, heo con nằm dài hoặc chạy loăng quăng bên chân cột... Cả Kon Tum là một thị xã - làng và quá đỗi êm đềm - một nốt trầm giữa bản “hip-hop” náo nhiệt của các đô thị hiện đại.

Kon Rơbang của A - Ver là một ngôi làng Bana như thế, gần như nằm ngay trong lòng thị xã Kon Tum. Lẽ dĩ nhiên, làng không còn nguyên vẹn cấu trúc cộng đồng như xưa, con đường nhựa chia làng “làm đôi” và “đẩy” ngôi nhà rông truyền thống ra sát mặt đường.
 
Ngôi nhà truyền thống Bana ở làng Kon Rơbang
 
Chưa hết ngỡ ngàng khi đứng trước ngôi nhà của “người chỉnh chiêng giỏi nhất Kon Tum” - nhà xây mái bằng lát gạch đá hoa y chang nhà người Kinh dưới đồng bằng, A - Ver càng khiến chúng tôi kinh ngạc hơn khi gặp ông. Năm nay đã ở tuổi 74, nhưng tác phong rất thanh niên, màu da đồng hun, tay bấm di động nhoay nhoáy. Tướng ông tai to, miệng rộng môi trề, mũi nở trông rất khoát đạt. Sau một hồi giới thiệu chủ -khách, A - Ver khoác chiếc áo dân tộc ra ngoài chiếc áo phông đang mặc rồi nhảy lên xe máy phi vèo đi. Anh Kim, Hội Văn học nghệ thuật Kon Tum, vội giải thích: A - Ver đi tập hợp đội chiêng về để chơi cho chúng tôi thưởng thức.
 
Trong lúc đợi ông A -Ver, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết nghệ nhân A - Ver vốn là “kiến trúc sư trưởng” của ngôi nhà rông Bana dựng trong vòng hai năm ở Bảo tàng Dân tộc học tại Hà Nội. Chính thời gian làm nhà rông ở đây là thời kỳ ông A - Ver dựng nên đội chiêng “nhà thờ” nổi tiếng của Kon Rơbang. Lúc ấy, năm 2002, ông A - Ver dẫn theo 30 người làng Kon Rơbang ra Hà Nội. Thời gian dựng nhà tổng cộng chỉ sáu tháng nhưng phải kéo dài tới hai năm vì thiếu gỗ, nên dựng dở rồi ngồi chơi mất mấy tháng. Ngồi chơi thì buồn, người Bana không biết ngồi không, mà lại là ngồi không ở phố, không có rừng để vào kiếm cái cây hay bắt con hươu con nai, A - Ver bèn dạy đánh chiêng cho đội thợ lúc nhàn rỗi, ngày nào cũng tập, như đi học sinh lên lớp vậy. Vậy là sau sáu tháng, A - Ver đã có trong tay một đội chiêng thuần thục 12 người.
 
Người trẻ nhất trong đội là anh Tuứt, sinh năm 1970. Còn người già nhất là ông Tih, bằng tuổi “sư phụ” A -Ver. Đội chiêng này gọi là đội chiêng “nhà thờ”, bởi ngày thường ở Kon Rơbang các thành viên đi nương đi rẫy, hoặc làm thuê, ai có việc người ấy. Chỉ Chủ nhật, ngày đi lễ, họ mới họp nhau lại chơi trong buổi lễ nhà thờ Kon Rơbang...
 
A - Ver vừa đi “bắt” đội chiêng

Mươi phút sau, đội chiêng A - Ver đã tập hợp đủ. Thú thực, lúc vừa trông thấy đội chiêng, chúng tôi cứ tưởng họ là đội “cửu vạn” chuẩn bị đi phá nhà chứ không phải các nghệ nhân cồng chiêng áo cánh trần, đóng khố, đầu chít khăn trong phim ảnh như vẫn thường quen thấy. Những gương mặt nông dân đen nhẻm, gân guốc nhưng hiền lành, quần áo lam lũ như vừa từ trên rẫy về. Họ vây quanh ông A - Ver, chăm chú nhìn vào chiếc chiêng nhỏ nhất ông gõ làm hiệu lệnh...

Tiếng chiêng vang lên bình boong như là có ánh sáng linh động va đập liên miên gọi hồn rừng Tây Nguyên hiện về. Thật kỳ lạ, cũng như mọi sự vật hiện tượng dù phức tạp mấy, người ta cũng chỉ gói gọn được trong vài từ tên gọi, thì linh hồn một xứ sở cũng có thể gói được trong một sắc âm thanh. Tiếng chiêng gọi lên sắc Tây Nguyên, tiếng cồng gọi lên sắc Mường, Thái ở Hòa Bình. Tiếng sáo Mèo âm u thầm trầm gọi lên cái hồn núi rừng Tây Bắc...
 
A - ver bên ngôi nhà truyền thống
 
Không phải lần đầu nghe biểu diễn cồng chiêng ở Tây Nguyên (chỉ cần đi bất cứ tour du lịch nào ở Buôn Ma Thuột, Pleiku hay Đà Lạt thì “menu” đều có tiết mục này), nhưng có lẽ là lần đầu chúng tôi bị tiếng chiêng mê hoặc. Hoặc có thể đấy là lần đầu ngồi nghe tiếng chiêng mà tai không bị làm phiền bởi tiếng ồn khác, khứu giác không bị làm phiền bởi các món ăn bày trên bàn tiệc, và mắt không bị làm phiền vì xem các màn nhảy múa. Chỉ ngồi yên lặng, bên những người đàn ông Tây Nguyên lam lũ như những ngày thường của họ-những nghệ sĩ Tây Nguyên không áo dân tộc-đóng khố “du lịch”, lắng nghe âm thanh từ đôi tay của họ, ngắm nhìn cơn say của họ khi chơi với âm thanh.
 
“Nhạc trưởng” A - Ver cũng lờ đờ đôi mắt, có lúc ông nhắm nghiền mắt lại để nghe tiếng cả dàn chiêng. Đấy là lúc đôi tai ông đang kiểm soát âm thanh của 13 chiếc chiêng. Chợt ông ngoảnh đầu đưa mắt nhìn H’rưng đang cầm một chiếc chiêng La (chiêng không có núm). H’rưng vội vã đưa ngay chiếc chiêng tới trước mặt “nhạc trưởng”. A - Ver vật ngửa chiếc chiêng ra, tay rút một cái búa sắt tròn nhỏ ở trong túi, gõ cạch cạch gần tâm chiêng. Xong, ông lấy dùi gõ thử, gật gật gù gù rồi đưa lại chiêng cho H’rưng. Hóa ra chiếc chiêng của H’rưng “có bệnh” (co ngót do thời tiết, hoặc cong vênh do gõ nhiều) nên sai tiếng. A - Ver dùng búa gõ lại để chỉnh tiếng. Trong lúc ông chỉnh chiếc chiêng của H’rưng, cả dàn chiêng vẫn cứ binh bôông liên tục không ngừng.
 
Chiếc chiêng của H’rưng trước và sau khi chỉnh tiếng thế nào, những cái tai của chúng tôi là tai ngoại đạo, không biết mô tê ra sao. Chỉ thấy chiêng của H’rưng gióng lên hòa nhịp lại, những người gõ khác tươi cười. Người thì gật gật đầu, người thì nhịp nhịp đu đưa thân mình. A - Ver lại nhắm nghiền mắt, lúc sau ông lại tìm ra tiếng sai của một cái chiêng khác, cây búa sắt của ông lại có dịp ra tay lạch cạch...
 
Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam. Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.
 
Đón xem tiếp kỳ sau: Cha truyền, con không nối

Thủy Phạm - Hà Châu Sơn


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm