Bài học đầu tiên

07/09/2020 07:15 GMT+7

(lienminhbng.org) - Sau lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt trên cả nước hôm 5/9, từ tuần mới này, giáo viên và học sinh sẽ bắt đầu những bài học đầu tiên...

Lễ khai giảng đặc biệt giữa dịch COVID-19 tại Đà Nẵng

Lễ khai giảng đặc biệt giữa dịch COVID-19 tại Đà Nẵng

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 5/9, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ khai giảng, chào năm học mới theo hình thức trực tuyến qua truyền hình. Tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố vận dụng linh hoạt các hình thức, thông qua website của đơn vị và tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông để truyền tải đến tất cả học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên.

Tôi bỗng nghĩ đến câu chuyện 10 năm cõng bạn đến trường của đôi bạn thân hiếu học Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh vừa gây xôn xao dư luận sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Với tôi, nó xứng đáng là một trong những bài học đầu tiên của năm học mới.

Nguyễn Tất Minh và Ngô Văn Hiếu là học sinh lớp 12A6, trường THPT Triệu Sơn 5. Cùng cư ngụ tại xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, 2 em là bạn thân thiết từ bé với nhau

Không có được may mắn như những đứa trẻ khác, ngay từ khi lọt lòng mẹ, Minh đã bị tật nguyền khiến đôi chân và cánh tay phải cứ co quắp và càng ngày càng teo tóp lại. Bù lại, Minh rất ham học, đòi tới trường bằng được.

Thương bạn, Ngô Văn Hiếu đã tự nguyện làm "đôi chân" cõng bạn ròng rã suốt 10 năm tới trường.

Trong mỗi chúng ta, hẳn ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ về tình bạn thuở học trò. Thế hệ chúng tôi, những năm 1980 - 1990 có phong trào học nhóm, để cùng chia sẻ sách giáo khoa, để bạn học giỏi giảng bài cho bạn học kém, để thảo luận cách giải những đề toán khó, cách viết những bài văn hay…

Một kỷ niệm tôi vẫn nhớ, đó là trong lớp có một bạn bố mẹ mất sớm phải ở với bà nội. Hàng ngày, bà phải bán ngô, khoai, sắn luộc ở cổng khu tập thể lấy tiền nuôi cháu ăn học. Buổi chiều, mấy đứa chúng tôi ở gần hay xúm lại mỗi đứa một cái que tre cạo vỏ sắn, vỏ khoai giúp bạn mình thật nhanh, sao cho kịp giờ ăn cơm để học nhóm buổi tối.

Chú thích ảnh
Gần 23 triệu học sinh cả nước vừa bước vào năm học mới 2020-2021. Ảnh: TTXVN

Một vài năm trở lại đây, chuyện cõng bạn đi học, rồi đi thi cũng khá phổ biến. Ở Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai có câu chuyện em Nguyễn Viết Đức đã tự nguyện chở em Vũ Phương Nam đến trường rồi cõng vào lớp. Tình bạn đẹp của em Nguyễn Viết Đức và Vũ Phương Nam bắt đầu từ năm lớp 5. Khi thấy bạn bị tàn tật, không đi lại được, nói năng lại rất khó khăn, Đức liền chủ động làm quen và xin phụ giúp gia đình đưa bạn tới trường. Từ đó, khi nào bố mẹ của Nam có việc bận, Đức lại tự nguyện đến nhà chở Nam đi học.

Tại trường THPT Minh Khai (huyện Quốc Oai, Hà Nội), suốt 6 năm qua, dù trời nắng hay mưa nhưng mỗi buổi sáng em Nguyễn Đức Mạnh đều đạp xe đưa bạn mình là Nguyễn Quang Thế đến lớp. Thế không may bị mắc bệnh xương thủy tinh, bố mất sớm, ông bà thì đã già yếu, mẹ vất vả ngược xuôi buôn bán nuôi chị em Thế ăn học...

***

Câu chuyện của 2 nam sinh Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh có một cái kết rất có hậu. Tại kỳ thi năm nay, cả 2 đã khiến nhiều người bất ngờ khi đạt được những điểm số đáng ngưỡng mộ. Cụ thể, Nguyễn Tất Minh đạt tổng điểm 28,1 với 3 môn khối A (Toán, Lý, Hóa), còn Ngô Văn Hiếu, đạt tổng điểm 28,15 với 3 môn khối B (Toán, Hóa, Sinh).

Năm học mới đã bắt đầu. Bên cạnh việc học kiến thức, kỹ năng sống, theo tôi, rất cần đưa vào giảng dạy những câu chuyện về sự chia sẻ, giúp đỡ bạn bè. Điều này sẽ thật sự có ý nghĩa khi mà thời điểm này, đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn...

Những bài học về sự chia sẻ này có thể tìm ngay trong cuộc sống hàng ngày, từ những việc như giúp bạn học hành, đỡ đần việc nhà, đèo bạn, cõng bạn đến lớp... Tập thể lớp thì tổ chức gom sách vở, quần áo còn dùng được gửi cho các bạn vùng cao, những nơi hẻo lánh… Hoặc là cùng nhau “nuôi lợn đất” bằng cách tiết kiệm tiền ăn sáng, bớt ăn quà vặt...

Khi các em được học nhiều những bài học như thế này, tôi tin tình yêu thương sẽ được lan tỏa. Những tình bạn thuở học trò sẽ nảy nở, phát triển theo thời gian.

Tôi nhớ đến mấy câu thơ nói về tình bạn học trò rất hay: “Bánh ngon bẻ đôi/ Sách hay chung đọc/ Bạn thân suốt đời/ Quý hơn vàng ngọc”. Và tôi cũng mong rằng các em sẽ toại nguyện ước mơ, trở thành những kỹ sư và bác sĩ giỏi trong tương lai. Giữ được tình bạn thân thuở học trò.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm