28/05/2020 14:00 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Gãy xương vùng khớp háng ở người cao tuổi, bao gồm gãy cổ xương đùi và gãy vùng mấu chuyển, là một trong những ca gãy xương thường gặp do tai nạn sinh hoạt. Ở người lớn tuổi, do chất lượng xương kém, loãng xương cộng thêm các bệnh lý đi kèm nên việc điều trị khi xảy ra chấn thương dẫn đến gãy xương là rất khó khăn.
Tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, các trường hợp bệnh nhân lớn tuổi gãy xương do tai nạn sinh hoạt không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của y học, các trường hợp này đều được điều trị thành công giúp người bệnh có thể cải thiện khả năng di chuyển và quay lại cuộc sống bình thường.
Bà L.T.Y (sinh năm 1926, ngụ tại Bình Minh, Vĩnh Long) và bà L.T.G (sinh năm 1928, ngụ tại Mỹ Tú, Sóc Trăng) đều nhập viện sau khi bị té do bước chân từ giường xuống. Người bệnh chia sẻ, sau khi té ngã, dù có đau nhưng vẫn có thể sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên khoảng 1 tuần sau thì cơn đau tăng nhiều, khớp cứng không thể di chuyển được. Người bệnh được nhập viện cấp cứu khi cơn đau dữ dội, tăng huyết áp.
Theo kết quả chuẩn đoán hình ảnh, cả 2 bà cụ đều bị gãy liên mấu chuyển xương đùi kèm loãng xương nặng. Ê-kíp khoa Thần Kinh - Cơ Xương Khớp của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã tiến hành thay khớp háng bán phần có xi măng cho người bệnh. Sau phẫu thuật, người bệnh được chăm sóc tại khoa Thần Kinh - Cơ Xương Khớp kết hợp với tập vật lý trị liệu. Tình trạng người bệnh diễn biến tốt và bắt đầu có thể bước đi với sự hỗ trợ của dụng cụ.
Khớp háng là khớp nối kết xương chậu và xương đùi, có vai trò quan trọng trong hoạt động di chuyển của cơ thể. Khi khớp háng bị tổn thương nặng hoặc hoại tử, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật thay khớp háng bằng khớp nhân tạo. Các bác sĩ loại bỏ phần cổ xương đùi bị gãy và thay vào đó bằng một khớp háng nhân tạo. Theo Ths-BS Lê Dũng - Phó Trưởng khoa Thần Kinh - Cơ Xương Khớp - người cao tuổi thường bị loãng xương nên dù chỉ là chấn thương nhẹ cũng dễ gãy xương, bên cạnh đó còn có các bệnh lý kèm theo như huyết áp, tim mạch… đã gây thách thức lớn đối với các bác sĩ trong việc chỉ định phẫu thuật. Thêm nữa, vấn đề gây mê hồi sức cũng rất được quan tâm vì có thể xảy ra nguy cơ biến chứng trên bàn mổ bất cứ lúc nào…
Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng đi lại của người bệnh. Chính vì thế, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cần được diễn ra trong phòng mổ có trang thiết bị hiện đại, do đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn cao thực hiện.Việc quyết định phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp cho bệnh nhân phục hồi sức khỏe, từ giảm thiểu đến loại bỏ cơn đau, di chuyển trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, để phòng tránh gãy xương, người cao tuổi cần điều trị chống loãng xương tốt, khám định kỳ 6 tháng/lần, bổ sung can-xi trong chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý, vận động tập thể dục thường xuyên… Trong trường hợp người cao tuổi bị gãy vùng cổ xương đùi thì cần tìm cách cố định vùng tổn thương, sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp - chấn thương chỉnh hình để được thay khớp háng sớm, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất