Chương trình hợp tác quốc tế 'Giải pháp công nghệ toàn diện': Nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng silica và nano silica từ trấu

03/05/2017 07:56 GMT+7 | Bạn cần biết

(lienminhbng.org) - Ngày 28-4-2017 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội (Tòa nhà A1, VAST, 18 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) đã diễn ra Chương trình hợp tác quốc tế “Giải pháp công nghệ toàn diện” (International Collaboration Program “Comprehensive Technology Solution”) và Hội thảo "Nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng Silica và Nano Silica từ trấu".

Sự kiện do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BSB tổ chức, với sự tham gia của Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga.


ĐƯA KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀO SẢN XUẤT QUI MÔ CÔNG NGHIỆP

Đây là khởi điểm của Chương trình hợp tác quốc tế “Giải pháp công nghệ toàn diện” thông qua ký kết các thỏa thuận đa phương với sự có mặt của đại diện cho các hoạt động khoa học, thương mại, sản xuất, đầu tư và quản lý nhà nước để tạo ra lợi ích từ các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tế cuộc sống.

Đặc biệt hội thảo có sự tham gia của Giáo sư, Viện sĩ Bugaev Aleksandr Stepanovich – Viện sĩ,  thành viên Chủ tịch đoàn Viện Hàn lâm khoa học Nga, Trưởng khoa Điện tử Chân không, Trường Đại học Vật lý Kỹ thuật Mátxcơva, Cộng hòa Liên bang Nga. Chủ trì hội thảo là Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công nghệ vật liệu và Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BSB.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Công ty BSB, chia sẻ: “Chương trình hợp tác quốc tế  “Giải pháp công nghệ toàn diện” và Hội thảo "Nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng Silica và Nano silica từ trấu" là một trong những chuỗi hoạt động hướng tới cộng đồng của BSB, nhằm tìm ra những giải pháp công nghệ phù hợp đặc thù kinh tế Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt chú trọng vào các giải pháp công nghệ cao ứng dụng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng và qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Toàn bộ lợi ích thu được trong các hoạt động này sẽ được chúng tôi đóng góp, chia sẻ cho cộng đồng, chú trọng thông qua các hoạt động giáo dục và đào tạo.”

Hội thảo nêu trên đánh dấu bước đi đầu tiên cho việc triển khai Chương trình hợp tác quốc tế “Giải pháp công nghệ toàn diện” được tổ chức trong nỗ lực phát huy tối đa tính cộng hưởng của các nguồn lực đa phương cả trong và ngoài nước trong hoạt động: khoa học, thương mại, sản xuất, đầu tư và quản lý nhà nước.

Theo đó, cần khai thác tối ưu nguồn tài nguyên quý giá là Silica và Nano Silica từ trấu, tạo đòn bẩy cho việc triển khai các ứng dụng đặc biệt phong phú của công nghệ nano trong các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, vật liệu, nông nghiệp, xây dựng, ngành lốp cao su, nhựa và kể cả ngành điện tử và năng lượng ... với qui mô công nghiệp tại Việt Nam.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG CHO CÂY LÚA - NGƯỜI NÔNG DÂN ĐƯỢC LỢI

Giáo sư-Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo, hàng năm tạo ra hàng triệu tấn vỏ trấu. Có một thời gian, vỏ trấu bị tiêu hủy và đẩy ra môi trường khi chưa được xử lý khiến nhiều con kênh rạch tắc nghẽn, tàu bè đi lại khó khăn, môi trường ô nhiễm.

Sau này, nhiều công ty đã thành công khi nghiên cứu ép vỏ trấu thành các thanh củi dùng làm chất đốt. Điều này vừa khắc phục được tình trạng gây ô nhiễm môi trường, vừa giúp giá trị gia tăng của ngành lúa gạo tăng lên, sau khi gạo được xuất khẩu.

Tuy nhiên, giá trị từ các thanh đốt làm bằng vỏ trấu vẫn chưa phải là mang lại giá trị gia tăng tương xứng với nguồn lực đã bỏ ra nhằm phát triển ngành lúa gạo Việt Nam. Nhiều vùng trồng lúa hiện nay cho dù coq đạt năng suất cao thì đời sống người nông dân vẫn bấp bênh, do giá trị gia tăng từ lúa rất thấp. Có nơi, ruộng đất còn bị bỏ hoang vì trồng lúa bán ra không hiệu quả.

Với công nghệ mới cho phép tạo ra vật liệu Nano Silica từ vỏ trấu với hiệu suất, độ sạch ngày càng cao, giá thành ngày càng hạ sẽ là một lối ra cho người trồng lúa gạo tại Việt Nam, nhất là góp phần nâng cao đời sống người nông dân.

Đặc biệt, Nano Silica từ vỏ trấu có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, mở đường cho các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam. Đây là chủ đề rất lý thú về mặt khoa học, rất thiết thực. Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam kêu gọi các nhà khoa học trong và ngoài viện tham gia tích cực phát triển đề tài này.

“Tôi tin tưởng rằng với vai trò nòng cốt, vai trò tổ chức của công ty BSB, với sự hỗ trợ trực tiếp của các nhà khoa học Việt Nam, CHLB Nga, sự tham gia của các nhà khoa học của Việt Nam, mô hình Doanh nghiệp – Nhà khoa học – Liên kết quốc tế này sẽ thành công”, ông Phan Ngọc Minh nói.

PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm