17/06/2020 19:39 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Giá vàng hôm nay, lienminhbng.org cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng thế giới ổn định trong phiên 17/6
Giá vàng thế giới ổn định trong phiên 17/6, nhờ sự hỗ trợ từ những lo ngại về làn sóng tái bùng phát dịch COVID-19 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Tuy nhiên, những hy vọng về vắc-xin tiềm năng phòng ngừa COVID-19 và việc đồng USD mạnh lên đã hạn chế đà tăng của giá kim loại quý này.
Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.727,26 USD/ounce vào lúc 14 giờ 17 phút (theo giờ Việt Nam), dao động trong biên độ hẹp là 6 USD. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ gần như không thay đổi, ở mức 1.736,6 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 38 phút, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,28-48,63 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Theo nhà phân tích thị trường Jeffrey Halley của OANDA, sự chú ý vẫn được hướng đến các thị trường khác, chủ yếu là thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những lo ngại về diễn biến của đại dịch khi chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) kéo dài lệnh đóng cửa sẽ hỗ trợ giá vàng.
Các quan chức thành phố Bắc Kinh đã công bố các ca nhiễm mới ngày thứ sáu liên tiếp, trong khi số ca nhiễm mới chạm mức cao kỷ lục tại sáu bang của Mỹ vào ngày 16/6.
Trong khi đó, một yếu tố hạn chế đà tăng của giá vàng là việc đồng USD tăng 0,1% so với các đồng tiền đối thủ, khiến vàng đắt hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác.
Việc doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng Năm tăng kỷ lục đã hỗ trợ quan điểm cho rằng suy thoái kinh tế tại nước này có thể đang sắp kết thúc, với kết quả thử nghiệm khả quan về phương pháp điều trị COVID-19 đã củng cố lòng tin của nhà đầu tư.
Những căng thẳng địa chính trị và các biện pháp kích thích bổ sung của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng đã phần nào hỗ trợ cho giá vàng.
Với các kim loại khác, giá pa-la-đi giảm 0,5%, xuống 1.921,5 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,5%, xuống 816,64 USD/ounce, trong khi giá bạc ổn định ở mức 17,41 USD/ounce.
Chứng khoán châu Á đi lên phiên giao dịch chiều 17/6
Chứng khoán châu Á bật tăng trong ngày 17/6 sau một phiên giao dịch khá thận trọng, khi tâm lý của giới đầu tư bị giằng co giữa những tín hiệu phục hồi kinh tế thế giới và những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19, tình hình căng thẳng địa chính trị và xu hướng bán tháo chốt lời.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 3 điểm (0,14%), lên 2.141,05 điểm, giữa bối cảnh giới đầu tư đồn đoán rằng căng thẳng leo thang giữa hai miền Triều Tiên sẽ chỉ gây ra những tác động hạn chế đối với các thị trường tài chính. Trong khi đó, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tiến 49,50 điểm, tương đương 0,83%, và đóng cửa ở mức 5.991,80 điểm.
Thị trường Mumbai của Ấn Độ, Đài Bắc của Đài Loan và thị trường Singapore cũng đều ngập trong sắc xanh. Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Wellington của New Zealand tăng hơn 3%, do Chính phủ nước này đang tiền hành thắt chặt biên giới sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm mới. Hai ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới này có quan hệ họ hàng và cả hai đều là những trường hợp trở về từ Anh trong thời gian gần đây.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đi lên, nối dài đà tăng từ phiên trước đó, sau những diễn biến tích cực từ Phố Wall trong đêm trước nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới đã phần nào làm giảm mối lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng tăng 137,32 điểm (0,56%), lên 24.481,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 4,12 điểm (0,14%), lên 2.935,87 điểm.
Tuy nhiên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lại đảo chiều hạ 126,45 điểm (0,56%), xuống 22.455,76 điểm, sau khi tăng gần 5% trong phiên trước đó.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương nhật Bản đã cam kết sẽ hỗ trợ mạnh hơn cho những doanh nghiệp gặp khó khăn, đồng thời các báo cáo về gói kích thích kinh tế mới trị giá hàng nghìn tỷ USD cũng đẩy các thị trường cổ phiếu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi lên, và giúp các nhà đầu tư tạm "quên đi" những quan ngại về số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại nhiều thành phố trên toàn cầu, từ Tokyo đến Bắc kinh và Texas.
Thêm vào đó, sự lạc quan về triển vọng của kinh tế Mỹ cũng góp phần hỗ trợ thị trường chứng khoán trong phiên này. Dữ liệu mới nhất cho hay, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 17,7% trong tháng 5/2020, số liệu tích cực này xuất hiện sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa đón nhận báo cáo việc làm tích cực ngoài dự kiến trong tháng trước.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/6, chỉ số VN - Index giảm 1,69 điểm (0,2%) xuống 854,44 điểm. Trong khi chỉ số HNX - Index cũng hạ 2,22 điểm (1,92%), xuống 113,27 điểm.
Doanh số mua - bán vàng miếng chênh lệch nhẹ
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp Hồ Chí Minh, doanh số mua – bán vàng miếng trên địa bàn kể từ đầu năm 2020 đến nay có sự chênh lệch nhẹ.
Cụ thể, doanh số mua đạt 447.182 lượng vàng, tương đương giá trị là 20.277 tỷ đồng, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, doanh số bán ra là 441.618 lượng vàng, tương đương giá trị là 20.092 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ năm 2019.
Trên thị trường, giá vàng thế giới và giá vàng SJC trong nước biến động và tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2020, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Giá vàng thế giới đã đạt mức cao nhất là 1.759,8 USD/ounce vào ngày 18/5 và đạt mức thấp nhất là 1.487,6 USD/ounce ngày 17/3. Giá vàng miếng SJC theo đó cũng đạt mức cao nhất trong ngày 18/5 là 49,2 triệu đồng/lượng và thấp nhất ngày 02/01 là 42,7 triệu đồng/lượng.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp Hồ Chí Minh, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới có thời điểm lên đến 4,4 triệu đồng/lượng. Cụ thể, ngày 8/6, giá vàng thế giới mua vào – bán ra niêm yết ở mức 1.695,3 - 1.696,3 USD/ounce, tăng 11,29% so với giá bán cuối năm 2019.
Còn trong nước, giá vàng SJC mua vào – bán ra tương ứng ở mức 48,33 – 48,7 triệu đồng/lượng, tăng 13,92% so với giá bán cuối năm 2019.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, giá vàng trong nước diễn biến tăng theo giá vàng thế giới.
“Thị trường tài chính thế giới biến động mạnh và khó lường; giá dầu giảm sâu và khó đoán định; kinh tế nhiều quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn suy thoái... Tất cả các yếu tố này đã làm cho giá vàng thế giới tăng mạnh và diễn biến phức tạp trong 5 tháng đầu năm. Giá vàng trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng đó, nhưng mức độ thấp hơn và không ảnh hưởng nhiều đến cung cầu thị trường, đến thị trường tiền tệ”, ông Minh cho biết.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp Hồ Chí Minh đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tỷ giá, giá vàng và thị trường ngoại hối - vàng để có những giải pháp quản lý kịp thời, hiệu quả khi thị trường có biến động; từ đó, đảm bảo thị trường ngoại hối - vàng ổn định, hạn chế tình trạng đầu cơ làm giá.
Trong 5 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cho 5 doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; đồng thời, cấp mới 5 giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho 4 doanh nghiệp. Hiện số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh là 480 doanh nghiệp.
Tỷ giá trung tâm giảm 9 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 17/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.240 VND/USD, giảm 9 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.937 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.542 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD giảm nhẹ, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng nhẹ.
Lúc 8 giờ 25 phút, giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 23.120 - 23.300 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 5 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV cũng được niêm yết ở mức 3.230 - 3.322 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 2 đồng ở chiều mua và 1 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại Techcombank, giá đồng bạc xanh giảm 1 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua với mức niêm yết lần lượt là 23.104 - 23.304 VND/USD.
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.220 - 3.351 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 7 đồng ở chiều mua vào và 1 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 23.090 - 23.300 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm hôm qua.
Tín dụng tăng trưởng thấp, rủi ro nợ xấu tăng cao
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn đã khiến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 6/2020, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 2,35 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,52% so với cuối năm 2019. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng tới 7,51%.
Thống kê cũng cho thấy, một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nên tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm. Đơn cử như tín dụng ngành vận tải kho bãi giảm 6,1%; thông tin truyền thông giảm 11%; cung cấp nước, khai khoáng giảm 15,5%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1%...
Hoạt động tín dụng tăng trưởng chậm phản ánh đúng xu hướng thị trường hiện nay. Nhiều hoạt động kinh tế và các ngành, lĩnh vực bị suy giảm sản xuất cũng như nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thậm chí đóng cửa vì ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, có các ngân hàng. Ngoài việc giảm và tăng trưởng chậm các hoạt động kinh doanh như các doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng còn phát sinh tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Tính đến 30/4/2020, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn đã chiếm khoảng 2,08% trong tổng dư nợ trên địa bàn.
Cùng với đó, các ngân hàng còn phải đối mặt với nguy cơ phát sinh những khó khăn khác liên quan đến quá trình nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh… do tập trung nguồn lực và chia sẻ khó khăn để cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt khó.
Tính đến cuối tháng 5/2020, trên địa bàn thành phố, các tổ chức tín dụng đã thực hiện hỗ trợ cho 223.974 khách hàng, với số tiền 292.067 tỷ đồng thông qua hình thức cơ cấu lại nợ, giảm lãi hoặc cho vay mới. Một số tổ chức tín dụng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cũng cho biết, thực tế qua công tác giám sát, vấn đề nổi cộm vẫn là tình trạng nợ xấu cao ở khối chi nhánh ngân hàng 0 đồng và một số chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và nhiều chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Mặc dù các chi nhánh đang triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhưng đại dịch COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng trong năm 2020.
Thực tế không chỉ riêng ở Tp.Hồ Chí Minh, tín dụng tăng trưởng thấp, rủi ro nợ xấu tăng cao đang là bài toán chung của ngành ngân hàng hiện nay. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến giữa tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 2,13%. So với cùng kỳ 2019, kết quả này chỉ đạt chưa tới 50% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,4%).
Phát biểu tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn nên mức tăng trưởng đó là phù hợp. Hiện nay, thanh khoản của ngành ngân hàng khá dồi dào. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn và đáp ứng được các điều kiện tín dụng, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, ngành ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay để đẩy tín dụng tăng.
Liên quan đến vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, theo kế hoạch, quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu sẽ bám sát mục tiêu đưa nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3% vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tiến trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng trong năm 2020 cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi, giám sát kỹ vấn đề này để hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất