02/09/2020 06:46 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Giá vàng hôm nay 2/9 được lienminhbng.org liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường trong nước và quốc tế.
Giá vàng trong nước 2/9
Vàng hiện đang giữ vững đà tăng 1,5 - 2 triệu đồng ở cả thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng trong nước đã tiến sát mốc 58 triệu đồng/lượng, trên thế giới vàng đã tăng hơn 1% do đồng USD giảm mạnh.
Phiên giao dịch sáng 2/9, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,75 – 57,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng vẫn giữ đà leo dốc, chênh lệch giá mua – bán gần 1 triệu đồng/lượng.
Giá Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch tại 54,61 – 55,41 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch mốc 56,85 – 57,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua và bán khoảng 600.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng ở mức 56,90 – 57,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, giá vàng điều chỉnh chênh lệch giá bán hiện cao hơn giá mua 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, chốt phiên 1/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,19% lên 1.990 USD/ounce, vàng giao tháng 12 tăng 0,94% lên 1.997 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD của ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 55,79 triệu đồng/lượng, thấp hơn 1,93 triệu đồng/lượng so với mức vàng trong nước.
Giá vàng đã tăng hơn 1% lên mức cao nhất gần 2 tuần, do đồng USD giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm. Khi các nhà đầu tư đặt cược vào lãi suất của Mỹ sẽ thấp hơn trong thời gian dài.
Theo các chuyên gia, 2 yếu tố thúc đẩy vàng tăng giá là đồng USD suy yếu và lợi suất thấp hơn, sẽ giữ cho kim loại này dao động trong khoảng 1.800 - 2.100 USD/ounce, cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11. Bên cạnh đó, chỉ số USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm so với các các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng rẻ hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Mặt khác, kế hoạch chính sách tiền tệ mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có thể dẫn đến lạm phát tăng nhẹ và lãi suất dài hạn tiếp tục thấp hơn, cũng ảnh hưởng đến lợi suất kho bạc Mỹ.
Chốt phiên ngày 1/9 đa số các cửa hàng vàng tăng giá
Giá vàng thế giới đêm 1/9 cao hơn khoảng 30,4% (463 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 56,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 1,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 1/9.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 1/9 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 thêm khoảng 300 nghìn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 1/9, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,90 triệu đồng/lượng mua vào và 57,50 triệu đồng/lượng bán ra. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức 56,75 triệu đồng/lượng mua vào và 57,72 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh do đồng USD xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm và tình hình nước Mỹ vẫn căng thẳng. Nền kinh tế Mỹ đón nhận những tín hiệu khá tốt lành nhưng đại dịch Covid-19 cùng với cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần là các yếu tố gây bất ổn tới tình hình chính trị và xã hội Mỹ, qua đó tác động tích cực tới vàng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh do đồng bạc xanh sụt giảm xuống mức thấp mới trong vòng 2 năm qua sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố cách thức mới thúc đẩy nền kinh tế Mỹ thông qua việc giảm bớt sự khống chế đối với lạm phát.
Chính sách mới của Fed sẽ tác động tích cực đến vàng trong dài hạn do làm gia tăng áp lực lạm phát trong bối cảnh lãi suất siêu thấp. Trong khi đó, chính phủ Mỹ cũng nỗ lực thúc đẩy các gói kích thích tài khóa.
Dự báo, môi trường lãi suất thấp sẽ chưa thể sớm thay đổi. Đây đều là các yếu tố tích cực đối với vàng.
Vàng tăng giá còn nhờ cú tăng mạnh trong phiên trước đó đã khiến mặt hàng này bước vào một xu thế đi lên theo phân tích kỹ thuật. Các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật nhanh chóng đẩy mạnh mua vàng.
Giới đầu tư cũng đẩy mạnh mua vàng để đề phòng cho khả năng các thị trường chứng khoán, trong đó có chứng khoán Mỹ, có thể quay đầu điều chỉnh giảm sau nhiều tháng tăng liên tục và đang ở đỉnh cao mọi thời đại.
Chứng khoán châu Á giao dịch trầm lắng trong phiên 1/9
Các thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến phiên giao dịch khá trầm lắng ngày 1/9, sau một tháng sôi động của các thị trường toàn cầu nhờ "lực đẩy" từ những đồn đoán cho rằng lãi suất có thể được duy trì ở mức thấp trong nhiều năm. Trong khi đó, các nhà giao dịch đang hướng sự chú ý tới số liệu việc làm của Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối tuần này.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đi ngang ở mức 23.138,07 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong được giao dịch ở mức 25.180,83 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải nhích 0,4% lên 3.410,61 điểm, sau khi kết quả khảo sát cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi.
Chứng khoán Mumbai cộng thêm 0,6%, một ngày sau khi các số liệu cho thấy kinh tế Ấn Độ đã giảm kỷ lục 23,9% trong quý II/2020, ghi nhận mức tồi tệ hơn so với dự kiến. Chứng khoán Seoul, Đài Bắc, Jakarta và Bangkok cũng nằm trong vùng dương, song chứng khoán Sydney, Manila và Wellington giảm hơn 1%. Chứng khoán Singapore cũng giảm điểm.
Trong tuần này, một vài số liệu kinh tế quan trọng sẽ được công bố, trong đó có báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ. Báo cáo này sẽ cung cấp “bức tranh” mới nhất về tình hình nền kinh tế đầu tàu thế giới, vốn đang chật vật trong nhiều tuần qua do số ca mắc COVID-19 gia tăng trên toàn quốc, khiến giới chức Mỹ phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Số liệu về lĩnh vực chế tạo và dịch vụ cũng sẽ được công bố trong tuần này.
Tại thị trường trong nước, khép phiên này, chỉ số VN-Index tăng 1,14% lên 891,73 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,45% lên 125,41 điểm.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất