08/12/2020 21:47 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Giá vàng hôm nay 8/12 được lienminhbng.org liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường trong nước và quốc tế.
Giá vàng châu Á lên mức cao nhất trong 2 tuần chiều 8/12
Giá vàng châu Á trong phiên chiều 8/12 tăng lên mức cao nhất hai tuần qua, khi các nhà đầu tư đặt hy vọng vào việc đạt được một gói cứu trợ ở Mỹ nhằm hỗ trợ nền kinh tế chịu tác động xấu bởi số ca lây nhiễm đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao.
Vào lúc 14 giờ 25 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.864,74 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 23/11 là 1.871,52 USD/ounce trong phiên giao dịch. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,2% lên 1.869,70 USD/ounce.
Chuyên gia phân tích Kyle Rodda thuộc IG Markets cho rằng các thị trường đang xem xét gói cứu trợ mới cả về quy mô, thời điểm đạt được và kỳ vọng lạm phát khi gói cứu trợ triển khai.
Tuy nhiên, ông Rodda cảnh báo rằng việc đồng USD mạnh lên có thể là do việc đình trệ các cuộc đàm phán về gói cứu trợ COVID-19 ở Mỹ hoặc sự không chắc chắn của Brexit ảnh hưởng tới giá vàng.
Trong tuần này, Quốc hội Mỹ sẽ xem xét thông qua dự luật cấp ngân sách tạm thời, qua đó cho phép các nhà lập pháp có thêm thời gian đạt được thỏa thuận về gói phục hồi kinh tế và dự luật chi tiêu tổng quát nhằm tránh nguy cơ chính phủ đóng cửa.
Vàng thường được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát – vốn có thể là kết quả của các biện pháp kích thích lớn được các ngân hàng trung ương tung ra. Tính từ đầu năm 2020 tới nay, giá kim loại quý này đã tăng hơn 22%.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,1% lên 24,53 USD/ounce và giá palladium tăng tăng 0,2% lên 2.335,37 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim giảm 0,2% xuống 1.019,54 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 34 phút chiều 8/12, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 54,95- 55,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Bảng giá vàng SJC hôm nay tại các hệ thống lúc 11h45 ngày 8/12/2020
Trong phiên giao dịch ngày 8/12, giá vàng SJC bất ngờ tăng vọt trong khoảng 200.000 - 450.000 đồng/lượng tại một số hệ thống kinh doanh trên toàn quốc sau khi biến động nhẹ trong phiên hôm thứ Hai 7/12.
Công ty Vàng bạc Đá quí Sài Gòn chi nhánh Bắc - Nam, Tập đoàn Doji chi nhánh TP HCM và Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận, vàng SJC đồng loạt tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào còn chiều bán ra tăng lần lượt từ 350.000 - 400.000 đồng/lượng.
Cùng khảo sát, Tập đoàn Phú Quý và Bảo Tín Minh Châu tăng thêm khoảng 400.000 - 430.000 đồng/lượng mua vào và 400.000 - 410.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước đó.
Tại cửa hàng Vàng Mi Hồng, vàng SJC tăng lần lượt 200.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng theo hai chiều mua - bán. Còn tại Ngân hàng Eximbank, vàng SJC đồng loạt tăng 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Bảng giá vàng 24K hôm nay tại các hệ thống lúc 11h45 ngày 8/12
Tại thời điểm khảo sát, giá vàng 24K tiếp đà tăng mạnh sau khi biến động tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Hai 7/12.
Hiện tại, Vàng bạc Đá quí Sài Gòn vẫn tiếp tục giữ đà tăng của phiên trước đó, ghi nhận tăng 400.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và chiều bán ra.
Cùng giờ khảo sát, giá vàng tại Tập đoàn Doji, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu và Mi Hồng cùng có diễn biến theo đà tăng của thị trường. Cụ thể, ở chiều mua - bán lần lượt tăng thêm từ 250.000 - 500.000 đồng/lượng.
Riêng, hệ thống PNJ là doanh nghiệp điều chỉnh mức tăng cao nhất là 550.000 đồng/lượng theo cả chiều mua vào và bán ra. Hiện tại, theo ghi nhận thì giá vàng ở hệ thống này vẫn duy trì đà tăng vừa mới phục hồi.
Chứng khoán châu Á đi ngược chiều nhau trong phiên 8/12
Các thị trường chứng khoán châu Á đi ngược chiều nhau trong phiên 8/12, trong bối cảnh giới đầu tư đánh giá thận trọng việc triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 và kỳ vọng về các cuộc đàm phán liên quan gói kích thích kinh tế của Mỹ, giữa lúc số ca mắc COVID-19 gia tăng và căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang.
Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt trên khắp nước Mỹ và châu Âu, cũng như bùng phát trở lại ở một số khu vực của châu Á, bất chấp việc Anh triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 vào ngày 8/12 và Mỹ sẽ sớm phê duyệt chương trình tiêm chủng. Dịch bệnh bùng phát trở lại buộc chính phủ các nước tái áp đặt các biện pháp phong tỏa hoặc các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, gây áp lực mới lên nền kinh tế toàn cầu, vốn đã bị tác động mạnh trong năm nay.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 26.467,08 điểm, bất chấp thông tin về gói kích thích kinh tế trị giá hơn 700 tỷ USD -gói cứu trợ thứ ba của Nhật Bản trong năm nay. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,76% (202,29 điểm) xuống 26.304,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải để mất 0,19% (6,43 điểm) xuống còn 3.410,18 điểm. Chứng khoán Mumbai, Seoul và Singapore cũng nằm trong vùng âm.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Sydney, Đài Bắc, Jakarta, Bangkok và Wellington đều tăng điểm.
Tại Hong Kong, giá cổ phiếu của JD Health, công ty con về mảng y tế thuộc tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ JD.com (Trung Quốc), đã tăng hơn 40% khi ra mắt thị trường sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 3,5 tỷ USD. Đây là đợt IPO lớn nhất trong năm nay.
Tại thị trường trong nước, chỉ số VN-Index giảm 0,07% xuống 1.029,26 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,56% lên 156,61 điểm.
Giá vàng sáng 8/12 tăng 400 nghìn đồng/lượng
Giá vàng trong nước sáng 8/12 tăng mạnh theo giá vàng thế giới.
Mở cửa sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,05 - 55,62 triệu đồng/lượng (mua vào -bán ra). So với cuối ngày hôm qua, mức giá này tăng 400 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán.
Còn tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC đang được giao dịch ở mức 55,1 - 55,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 400 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng thế giới đã tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong hai tuần trong phiên giao dịch đêm 7/12, được củng cố bởi kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ.
Yếu tố chính hỗ trợ giá vàng trong phiên này là thông tin các nhà lập pháp Mỹ tìm cách đạt được một thỏa thuận cung cấp các khoản cứu trợ bổ sung thông qua dự luật trị giá 908 tỷ USD.
Nhà phân tích cao cấp Jim Wyckoff của chuyên trang về thị trường vàng Kitco Metals cho biết thông tin trên đã giúp ổn định thị trường vàng. Vì khi hệ thống tài chính được bơm thêm nhiều tiền hơn, lạm phát có thể xảy ra.
Vàng thường được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát – vốn có thể là kết quả của các biện pháp kích thích lớn được các ngân hàng trung ương tung ra. Tính từ đầu năm 2020 tới nay, giá kim loại quý này đã tăng hơn 22%.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư là việc Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và lệnh cấm đi lại đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hong Kong.
Các nhà phân tích cho biết về mặt kỹ thuật, việc giá vàng phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.850 USD/ounce cho thấy vàng sẽ còn có thể tăng thêm nữa.
Tỷ giá trung tâm tăng 7 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 8/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.144 VND/USD, tăng 7 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.838 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.450 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá đồng USD ổn định và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) biến động nhẹ.
Lúc 8 giờ 25 phút, giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 23.010 - 23.220 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với hôm qua.
Tại BIDV, giá USD cũng được niêm yết ở mức 23.040 - 23.220 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV cũng được niêm yết ở mức 3.493 - 3.592 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 1 đồng ở chiều mua vào và giữ nguyên giá bán ra so với hôm qua.
Tại Techcombank, giá đồng bạc xanh được điều chỉnh giảm 4 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua, niêm yết ở mức 23.018 - 24.218 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.476 - 3.606 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 6 đồng ở cả chiều mua vào bán ra so với cùng thời điểm sáng qua.
Thị trường vàng Thụy Sỹ sôi động trong khủng hoảng Covid-19
Thị trường vàng tại Thụy Sỹ thời gian qua trở nên sôi động trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Ngày càng nhiều khách hàng tham gia mua và bán kim loại quý này, trong khi nhu cầu từ các nhà đầu tư cũng tăng.
Theo đại lý vàng Ralph Thoma, một thỏi vàng 1 kg đã tăng từ 50.000 franc Thụy Sỹ (CHF) hồi đầu năm nay lên 57.000 CHF (tương đương 63.000 USD) hiện nay. Trong cuộc khủng hoảng, giá 1 thỏi vàng dao động trong khoảng 60.000 CHF. Là nhân vật nổi tiếng trong ngành kinh doanh vàng, Thoma là người đứng đầu công ty chuyên kinh doanh các kim loại quý Aurofin ở Chiasso. Năm nay, công ty của ông nhận thấy nhu cầu vàng từ các nhà đầu tư, cả ở Thụy Sỹ và nước ngoài, tăng gấp đôi.
Điều này là nghịch lý, nhưng khủng hoảng có thể là một điều tốt khi thị trường vàng cần tiếp tục những biến động về giá. Từng xảy ra vào năm 2008 với sự sụp đổ của thị trường tài chính, đại dịch COVID-19 hiện nay lại đang tạo ra những biến động nhất định đối với thị trường vàng, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Giá vàng đã tăng và nhu cầu được đẩy lên cao.
Trong lĩnh vực kinh doanh kim loại quý này, Thụy Sỹ có vai trò lớn với khoảng 70% sản lượng vàng hàng năm của thế giới được tinh chế tại quốc gia này và ba trong số các nhà máy tinh chế hàng đầu (Valcambi, Argor-Heraeus và Pamp) nằm ở bang Ticino.
Trong khi có những người muốn mua vàng, thì cũng có những người vì khủng hoảng mà cần phải bán vàng đi. Nicola Esposito, nhà tư vấn và quản trị viên của Goodwill Asset Management tại Chiasso, cho biết nhu cầu trực tuyến thực sự bùng nổ. “Trên trang web của chúng tôi, so với 6 tháng trước, nhu cầu đã tăng gấp ba lần,” ông Esposito giải thích. Đây là những người đã sử dụng công cụ tìm kiếm google “bán vàng ở Ticino” hoặc những cụm từ tương tự (đã có 151.000 lượt tìm kiếm như vậy) và hiện họ muốn công ty của ông cho biết cách thức thực hiện giao dịch.
Xu hướng này đã được các đại lý kinh doanh xác nhận. Francesco Ardemagni, chủ sở hữu của một số văn phòng giao dịch và các cửa hàng mua vàng ở Stabio, cho hay trong thời điểm khủng hoảng hiện nay, mọi người đang thanh lý tài sản vàng để sinh sống. Ông Ardemagni cho biết thêm trong những tháng qua, khách hàng Italy đã mang đến với vòng tay, đôi khuyên tai và nhẫn vàng. Trong khi đó, người Thụy Sỹ chủ yếu bán tiền xu vàng và vàng miếng để kiếm lời khi giá vàng tăng cao như hiện nay.
Thụy Sỹ có quy định lỏng hơn so với Italy và một số nước châu Âu khác trong việc mua và bán vàng. Giao dịch dưới 15.000 CHF có thể được thực hiện ẩn danh. Trong trường hợp giá dao động từ 15.000-100.000 CHF, khách hàng phải được xác định và phải xác nhận rằng họ có đủ phương tiện tài chính để hoàn tất giao dịch. Đối với doanh số giao dịch trên 100.000 CHF, ngoài việc xác định danh tính khách hàng, người đó cũng phải khai báo nguồn tiền của họ. Trong mọi trường hợp, giao dịch có thể được thực hiện bằng tiền mặt không giới hạn số lượng.
Tuy nhiên, các quy tắc này không áp dụng cho các kim loại quý đã qua sử dụng, có thể được mua và bán mà không cần kiểm tra. Trong tuyên bố về việc sửa đổi luật chống rửa tiền, Thụy Sỹ cũng đã đề cập đến "khoảng trống" và rõ ràng có "rủi ro rửa tiền". Chính phủ liên bang đề xuất các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, nhưng cả hai viện của Quốc hội đã từ chối đề xuất này.
Cơ quan tự quản lý tài chính OAD-FCT, một trong hai tổ chức giám sát lĩnh vực này ở bang Ticino, giải thích: “Bất kỳ ai tham gia vào việc mua vàng đều được coi là có rủi ro cao”. Các nhà kinh doanh vàng không trực thuộc Cơ quan liên bang giám sát thị trường tài chính (FINMA), nhưng họ thuộc trách nhiệm của các cơ quan tự quản lý tài chính - những cơ quan duy nhất giám sát lĩnh vực này. Hầu hết những người mua bán vàng ở bang Ticino thuộc trách nhiệm của PolyReg - cơ quan tự quản lý tài chính được Cơ quan kiểm soát rửa tiền liên bang Thụy Sỹ công nhận.
Maurizio Sabino, người đứng đầu bộ phận kim loại quý của cơ quan hải quan liên bang Thụy Sỹ cho biết, giống như tất cả các loại hàng hóa khác, vàng phải chịu sự kiểm tra của hải quan. Ông Sabino giải thích rằng nếu một mặt hàng được nhập khẩu với mục đích thương mại, nó phải thông qua hải quan và trả thuế - không có sự miễn trừ.
Một yếu tố khác, đó là các cơ quan giám sát liên bang cũng lo ngại về việc vàng cũ xuất khẩu sẽ bị nấu chảy. Đây là một cách để vượt qua các tiêu chuẩn của Thụy Sỹ, vốn yêu cầu các nhà máy tinh chế vàng chứng nhận nguồn gốc của kim loại quý. Thách thức lớn đối với ngành công nghiệp vàng, trong đó các nhà máy tinh chế của Thụy Sỹ đóng vai trò then chốt; đó là việc các nhà kinh doanh vàng mờ ám trộn vàng khai thác hợp pháp với vàng khai thác từ các khu vực bất hợp pháp.
Rửa tiền và thiếu hóa đơn chứng từ tạo ra một chuỗi cung ứng không thể truy xuất được. Sự bùng nổ về giá vàng trong đại dịch COVID-19 cũng thúc đẩy các hoạt động khai thác bất hợp pháp, gây nguy hại đến tính mạng và môi trường.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất