Thư châu Âu: Khi nhà thờ cũng thành rạp chiếu phim

06/08/2015 15:00 GMT+7

(lienminhbng.org) - Thưa quý anh chị, tôi tin rằng, chiếu phim hoạt hình trong nhà thờ, nhất là khi màn hình lớn được đặt ở phía bệ thờ Chúa, không phải là một sự báng bổ. Những người tổ chức Festival Truyện tranh quốc tế ở Civita Di Bagnoregio, một thành phố nhỏ xíu nằm trên một chóp núi đá giữa một thung lũng của xứ Lazio, chắc chắn cũng nghĩ thế.

Đấy là bộ phim hoạt hình dựa trên truyện tranh của một tác giả Italy nổi tiếng. Phim Italy thường thoại nhiều và dài lê thê, nhưng khán giả đến đông, ngồi gần kín rạp và say mê thưởng thức. 

Kiến trúc của nhà thờ, với mái vòm, những hàng cột đã tạo ra một sự cộng hưởng tuyệt vời cho âm thanh của bộ phim. Không chỉ phim dài ấy được chiếu. Festival đã đưa đến công chúng yêu nghệ thuật rất nhiều bộ phim hoạt hình khác và đối tượng phục vụ của họ không chỉ là thanh thiếu niên.

Một người tổ chức festival nói, hoạt hình cho người lớn không dễ xem, và vì thế, đưa những phim như thế vào không gian nhà thờ được coi là một sáng kiến nhằm thu hút thêm người xem. Rạp - nhà thờ khá đông người xem. Có cả những du khách tò mò chọn một góc của nhà thờ, mắt dán lên màn hình.

Ý tưởng về việc tận dụng mọi không gian công cộng để phục vụ đại chúng là một sản phẩm hoàn hảo từ tư duy văn hóa và nghệ thuật hướng đến cộng đồng.

Mùa Hè này, trong cái không khí xả hơi, ăn chơi và nhảy múa khắp nơi, khi các rạp chiếu phim truyền thống giảm bớt các suất chiếu thì những quảng trường, nhà thờ, mái nhà, bãi biển hay những bãi cỏ ở các khu dân cư bỗng nhiên trở thành không gian lý tưởng cho việc chiếu phim phục vụ đông đảo quần chúng và tạo cơ hội cho họ giao lưu với các nhà làm phim, diễn viên hoặc phê bình phim, biến những nơi ấy thành một tụ điểm văn hóa và giải trí.

Họ chiếu những bộ phim cũ được phục dựng, các phim tài liệu, các phim ăn khách của nhiều năm về trước. Cái thú của việc đi chơi một tối mùa Hè mát mẻ, đến một không gian mở, tay cầm que kem, vừa ăn vừa xem, hoặc đơn giản là tay trong tay với người yêu và xem miễn phí có một điều gì đó rất thú vị.

Một người bạn già của tôi bảo, thời ông còn trẻ, muốn đi xem phim ở nơi công cộng như thế phải mang theo ghế ngồi. Người dân ra khỏi nhà, đến các “rạp chiếu” ngoài trời một phần vì họ thích điện ảnh, phần nữa là chạy trốn cái nóng những tối mùa Hè (người Italy rất ít khi dùng điều hòa không khí hoặc quạt điện).

Thế rồi những buổi chiếu phim được đi kèm cả những cuộc tranh luận, thậm chí cãi cọ của đám thanh niên hoặc người già vì một chi tiết nào đó trong phim, những tiếng cười rộ lên sau một cảnh hài hước, rồi tiếng khóc của các bà các cô trước những pha mùi mẫn, thoang thoảng mùi thuốc lá, tiếng môi của các đôi chạm nhau ở một góc quảng trường, và tiếng các nhân vật thỉnh thoảng bị gián đoạn một chút khi bọn trẻ con chạy nhảy lung tung.

Nhiều chục năm trôi qua kể từ ngày đó, công nghệ chiếu phim đã hiện đại hơn và người đến xem phim cũng lịch sự hơn, nhưng cái không khí như bạn tôi kể dường như vẫn tồn tại trong một buổi chiếu mới rồi mà tôi có ghé qua xem ở Trastevere, một trong những khu cổ và “chất nghệ” bậc nhất Rome, cách nhà diễn viên huyền thoại Alberto Sordi và nơi quay những cảnh đầu tiên của bộ phim huyền thoại La Dolce Vita vài bước chân.

Ở đấy không nhộn nhạo và xô bồ như những hàng quán buổi tối dọc bờ sông Tevere, nơi đám thanh niên uống bia và tán gẫu, không nhộn nhịp như những góc quảng trường lãng mạn ở khu phố cổ trung tâm mà các đôi thường hôn nhau. Ở đấy đủ chỗ kê khoảng 100 cái ghế cho một festival phim ngoài trời kéo dài suốt 60 đêm, từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7.

Đấy là lúc người xem (miễn phí) được xem lại những thước phim kinh điển của điện ảnh Italy và thế giới, được trực tiếp gặp những đạo diễn nổi tiếng như Gabriele Muccino và Ettore Scola.

Buổi chiếu khá đông khán giả, nhiều trong đó là thanh niên và cả các cụ già, những người muốn sống lại một thời như hồi đạo diễn Tornatore đã mô tả trong phim Cinema Paradiso. Đấy là điện ảnh đến với công chúng theo một cách nguyên sơ và chân thành nhất, gần gũi nhất, như là cuộc sống của họ vậy.    

Trastevere chỉ là một phần rất nhỏ những gì người Italy đã làm với điện ảnh vào mùa Hè này. Những địa điểm lãng mạn như trong mơ được chọn. Chẳng hạn Villa Medici trên đồi Pincio, một trong những nơi ngắm Rome hoàng hôn đẹp nhất, nơi Viện Văn hóa Pháp chiếu các phim kinh diển của điện ảnh Pháp và Italy.

Dưới bầu trời Bologna, ở quảng trường Maggiore ở trung tâm thành phố, người ta chiếu các tác phẩm của Mario Monnicelli, Orson Welles và Ingrid Bergman nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh. Tại Napoli, là những đêm Hè của “Điện ảnh dưới chân núi lửa Vesuvio”.

Ở Como, miền Bắc Italy, là “Liên hoan phim hồ Como” với những phim như 8 1/22 của Fellini hoặc những serie cult như Twin Peaks của David Lynch được chiếu ngoài trời, ngay bên cái hồ đẹp mênh mông. Nhưng người ta cũng biến sân và vườn của nhiều trường học ở Rome hay Milan thành những rạp chiếu phim ngoài trời.

Họ thèm điện ảnh, thèm các hoạt động ngoài trời, thèm được giao lưu và gặp gỡ người khác thay vì ngồi ru rú ở nhà? Đơn giản là họ muốn được sống những đêm Hè đẹp nhất...

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm