24/02/2013 07:29 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Những ngày vừa qua thông tin xung quanh việc K+ được cho là đã sở hữu bản quyền giải Ngoại hạng Anh giai đoạn 2013-2016 đã trở thành chủ đề được dư luận vô cùng quan tâm. Phần đông ý kiến đều không tán thành việc một đơn vị truyền hình trả tiền sở hữu độc quyền một phần giải Ngoại hạng Anh, bởi ai cũng biết cái giá mà người xem phải trả cho sự độc quyền sẽ không rẻ.
Người hâm mộ Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn một khi vẫn muốn xem trực tiếp giải ngoại hạng Anh. Ảnh: Reuters
Tuy thế, cũng có một số ý kiến cho rằng việc kinh doanh bản quyền giải Ngoại hạng Anh thực chất là tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, nếu ai có điều kiện kinh tế thì được xem bóng đá quốc tế đầy đủ trên truyền hình, còn nếu ai không có đủ điều kiện hoặc không muốn thì vẫn có thể thoả mãn đam mê bằng cách kênh thông tin khác nhau như báo chí hoặc Internet.
Trao đổi với TT&VH, đại diện một công ty nước ngoài từng nắm giữ bản quyền giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam (đề nghị không nêu tên) cũng tỏ ý tán thành quan điểm kể trên, và nói thêm rằng điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam không phải là yếu tố được các nhà cung cấp bản quyền nước ngoài đặt ở vị trí quan tâm hàng đầu khi thương thảo với các đơn vị truyền hình của Việt Nam, bởi bản chất của việc mua bán bản quyền là kinh doanh thuần tuý, mà đã là kinh doanh thì thuận mua vừa bán mới là nhân tố quan trọng nhất.
Thống kê về giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh giai đoạn 2013-2016 ở Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới được đăng tải ở báo TT&VH số 54 ra ngày 23/2/2013 cũng cho thấy một sự thực là giá bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh đã gia tăng với tốc độ chóng mặt trên phạm vi toàn cầu chứ chẳng riêng gì Việt Nam. Vì thế, người hâm mộ Việt Nam bắt buộc phải làm quen với việc phải trả một khoản tiền đáng kể để được theo dõi bóng đá Anh trên truyền hình vào mỗi ngày cuối tuần.
Ở một khía cạnh nào đó thì giải Ngoại hạng Anh cũng có thể được xem như iPhone hay iPad, những sản phẩm thời thượng có giá bán thống nhất trên phạm vi toàn cầu, và người tiêu dùng Việt Nam muốn được sở hữu iPhone hay iPad thì cũng phải bỏ ra số tiền tương tự người tiêu dùng ở Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan, Singapore, bất chấp việc thu nhập trung bình hàng năm của người Việt Nam vẫn còn cách biệt khá lớn so với người dân các quốc gia kể trên.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta nên chấp nhận và ủng hộ độc quyền như là một xu hướng tất yếu của thời buổi hội nhập toàn cầu, bởi một kênh truyền hình muốn thu hút khách hàng thì vẫn còn nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như nâng cấp dịch vụ nhằm tạo sự khác biệt rõ rệt so với các đối thủ cạnh tranh, để khách hàng tự động tìm đến với mình theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, mà ở đó lợi ích của nhà cung cấp và khách hàng đều được bảo đảm một cách cân đối hài hoà.
Thế nhưng, muốn làm được như thế thì phải đi mất một chặng đường rất dài, còn độc quyền lại là cách ngắn nhất để đạt được mục đích phát triển thuê bao và mở rộng độ phủ thương hiệu, dù rằng đây cũng là cách tốn kém nhất và dễ bị chỉ trích nhất. Chỉ có điều, khán giả hâm mộ bóng đá quốc tế ở Việt Nam lại không có nhiều lựa chọn, và giải Ngoại hạng Anh không phải là “món hàng” duy nhất mà người tiêu dùng Việt Nam phải trả số tiền ngang ngửa so với người dân ở các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam để đổi lấy quyền được thụ hưởng dịch vụ.
V.P
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất