24/10/2014 14:04 GMT+7
(lienminhbng.org) - So với các lĩnh vực xuất bản và âm nhạc, phải chăng vấn đề bản quyền trong nhiếp ảnh luôn rắc rối và khó giải quyết hơn? Đó là câu hỏi được khá nhiều người đặt ra sau những lùm xùm về nhiếp ảnh trong thời gian qua...
Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam trò chuyện với TT&VH Cuối tuần về vấn đề này. Năm 2004, ông là một trong những người từng lên kế hoạch thành lập Trung tâm Bản quyền nhiếp ảnh Việt Nam - để rồi đến nay, ý tưởng này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Ông Huyến nói:
- Như các lĩnh vực khác, chuyện bản quyền nhiếp ảnh chỉ nóng lên khi Việt Nam đi vào giai đoạn kinh tế thị trường. Những năm trước đó, nhu cầu sử dụng ảnh trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội không nhiều và chủ yếu ở lĩnh vực phục vụ tuyên truyền. Lượng người cầm máy cũng rất ít, chẳng hạn như Hội nhiếp ảnh chúng tôi khi đó cũng chỉ có gần trăm thành viên và đều thuộc các cơ quan nhà nước. Do vậy, việc “dùng chùa” ảnh theo cách gọi bây giờ là rất bình thường.
Phải tới những năm 2000, chuyện bản quyền nhiếp ảnh mới thật sự nóng lên. Đó cũng là thời điểm các trung tâm bản quyền trên lĩnh vực âm nhạc và xuất bản rục rịch đi vào hoạt động.
Năm 2004, Cục Bản quyền tác giả khi đó cùng Hội NSNA Việt Nam lên kế hoạch thành lập một trung tâm riêng cho lĩnh vực này. Nhưng, tới lúc nghiên cứu triển khai trên thực tế, thì mọi chuyện trở nên phức tạp ngoài sức tưởng tượng và cứ “treo” từ đó tới nay. Bởi, với sự phát triển của công nghệ, bản quyền ảnh tại Việt Nam trở thành một mê hồn trận và rất khó kiểm soát.
* Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Trước năm 2004, đời sống nhiếp ảnh cũng đã có nhiều tranh cãi về bản quyền rồi. Chẳng hạn, bức ảnh Huyền thoại trong lòng đất từng giành giải của Hội NSNA Việt Nam năm 1996 là sự tranh chấp của 2 tác giả, trong đó một người nói rằng mình chụp, nhưng nhờ người kia cầm phim gốc đi tráng rửa. Hoặc, nhà báo Đinh Quang Thành từng chụp vở kịch Bài ca Điện Biên năm 1984 rồi đem ảnh đi giảng dạy, nhưng bị học sinh đánh cắp ảnh đi gửi báo chí rồi đề tên mình.
Vậy nhưng ngay sau khi chúng tôi bàn việc mở trung tâm bản quyền, nhiếp ảnh đã xuất hiện những trường hợp vi phạm theo kiểu “hiện đại” hơn rất nhiều. Một trong rất nhiều ví dụ: liên tiếp 2 năm sau đó, các tác phẩm Nụ hôn của gió (Trần Thế Long) và Lớp học vùng cao (Lê Hồng Linh) đều xuất hiện trong giải thưởng của các cuộc thi sáng tác tranh cổ động dưới tên người khác. Nghĩa là người ta lấy ảnh rồi cắt cúp, thêm bớt minh họa... rồi mang đi dự thi mà không quan tâm tới người chụp. Thậm chí, nếu không có sự phản ứng mạnh, dự thảo quy chế Sử dụng ảnh trong sáng tác tranh cổ động sau đó còn định cho phép người vẽ tranh dùng ảnh mà không cần “có lời” với tác giả ảnh nữa.
* Có nghĩa, câu chuyện khó quản lý bản quyền ảnh hiện xuất phát từ nhận thức kém, hay từ việc các kiểu xâm phạm ngày càng... hiện đại hơn?
- Rất khó có sự rạch ròi ở đây, vì hình như đời sống nhiếp ảnh Việt Nam mang đủ hai thứ ấy (cười). Để nói về việc xâm phạm một cách cố ý, thì sự phát triển của Internet, cùng các phần mềm nhiếp ảnh... khiến mọi thứ phức tạp hơn rất nhiều. Không như ca khúc hay xuất bản phẩm, sự xuất hiện mỗi ngày của hàng ngàn bức ảnh khiến giới chuyên môn khó mà theo dõi đủ. Rồi việc dùng công nghệ để ghép ảnh, chuyển đen trắng, tạo “màu thời gian” cho ảnh... cũng là cả một vấn đề.
Còn về nhận thức, quả thật cách xử lý bản quyền theo kiểu xuề xòa, tình cảm trong thời bao cấp cũng để lại dấu ấn đến bây giờ. Thậm chí, nhiều khi chúng ta hiện nay vẫn còn nhầm lẫn giữa quyền tác giả của người chụp với quyền sở hữu của người đã bỏ tiền ra mua. Rồi, còn phải tính tới quyền của chủ thể được chụp, nôm na là những “nhân vật chính” trong ảnh nữa. Hợp đồng được làm chặt, rạch ròi ngay khi sáng tác thì không sao. Hợp đồng lỏng lẻo, chỉ sự khác nhau giữa việc dùng ảnh để tuyên truyền nội bộ hay để quảng cáo tiếp thị cũng đã có thể gây nên một vụ kiện rồi.
* Chúng ta sẽ nói một chút về cách ứng xử của những người bị xâm phạm bản quyền ảnh. Trước hết là những trường hợp nếu có của ông?
- Tôi chưa biết bức ảnh nào của mình bị “dùng chùa” cả. Có thể, ảnh của tôi xấu, nên người ta không quan tâm chăng? Nhưng, có câu chuyện này liên quan tới bản quyền và khiến tôi luôn áy náy trong lòng. Vài tháng trước, lục lọi lại kho tư liệu, tôi tìm thấy một cuộn phim đen trắng đã tráng. Soi thử, đó là những bức ảnh vô cùng đẹp, chụp nông thôn và miền Bắc Việt Nam vào giai đoạn thập niên 1980, theo ước đoán của tôi. Và chắc chắn, tác giả của những bức ảnh này là ai đó, chứ không phải tôi. Có thể là một người bạn nào đó nhờ tráng hộ rồi... quên luôn, hoặc một tác giả nào gửi tới khi tôi đang là Tổng biên tập Tạp chí Ảnh.
Thật lòng, cầm phim gốc trong tay, nếu tự nhận đó là tác phẩm của mình thì cũng khó có ai “cãi lại”. Nhưng, là người cầm máy, tôi tiếc vô cùng cho đồng nghiệp nào để thất lạc cuộn phim quý như vậy. Vậy, xin nhờ TT&VH Cuối tuần đăng tải một trong số những bức ảnh này, để hy vọng tác giả nào biết tin thì đến gặp tôi nhận lại.
* Vâng, nhưng xin ông trở lại với câu hỏi về cách ứng xử của những tác giả bị xâm phạm bản quyền?
- Chỉ là ý kiến cá nhân, tôi thấy có những trường hợp xử sự căng thẳng hơn mức cần thiết. Nếu xác định rõ 100% tác phẩm của mình bị xâm phạm có chủ ý nhưng người xâm phạm lại chối bay chối biến thì gọi nhau là ăn cắp cũng chưa muộn. Còn lại, người cầm máy cũng nên điềm đạm, thậm chí là nương nhẹ, nếu việc xâm phạm bản quyền đến từ sự sơ suất hoặc lỗi nhận thức của bên kia.
Có thể, đó là cách nghĩ hơi cũ và đơn giản, nhưng tôi thấy những người cầm máy cùng lứa với mình đều có cách ứng xử như vậy: đầy ý thức để bảo vệ tác phẩm, nhưng cũng sẵn sàng thu xếp nếu người xâm phạm thật sự có thái độ cầu thị.
Nếu tự nhận là nghệ sĩ, thì công việc của người cầm máy là sáng tạo. Và nếu tập trung tất cả cho niềm vui sáng tạo, chúng ta có thể bao dung với nhau, trong điều kiện mà nhiếp ảnh VN vẫn còn quá nhiều vấn đề về chất lượng cũng như nhận thức hay không?
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Thật lòng, tôi thấy bây giờ chúng ta sử dụng các khái niệm “nghệ sĩ nhiếp ảnh” hay “tác phẩm ảnh” một cách tràn lan quá. Bất cứ người nào cầm máy cũng là nghệ sĩ ảnh, bất cứ bức ảnh nào cũng là tác phẩm. Thậm chí, bất cứ cuộc đi chơi kết hợp chụp ảnh nào ở Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch hay ở Mù Căng Chải vào mùa lúa chín cũng được gọi là đi sáng tác, với hàng loạt bức ảnh na ná nhau về góc chụp”. (Phát biểu của nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến) |
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất