29/07/2024 13:04 GMT+7 | Thể thao
Olympic Paris 2024 là Thế vận hội mùa hè đầu tiên trở lại với bầu không khí "bình thường" của một đại hội thể thao sau đại dịch Covid-19. Ban tổ chức đã hứa hẹn về một lễ khai mạc chưa từng có, khi lần đầu tiên diễn ra bên ngoài khuôn viên một sân vận động, thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ trên toàn thế giới. Thế nhưng, những tranh cãi đã nổ ra ngay chính ở lễ khai mạc này.
Ngày 28/7, một ngày sau lễ khai mạc Olympic Paris 2024, video về lễ khai mạc biến mất trên trang YouTube chính thức của Thế vận hội. Người dùng các mạng xã hội lớn trên toàn thế giới như Facebook, X, Weibo…, đã chia sẻ ảnh chụp màn hình, trong đó cho thấy một màn hình trống với chú thích "video này không khả dụng". Trong khi đó, video về lễ khai mạc Olympic Nagano 1998, Olympic Bắc Kinh 2008, Olympic London 2012, Olympic Rio 2016 vẫn xem được.
Ban tổ chức thời điểm đó chưa lên tiếng giải thích. Nhưng việc video biến mất sau khi nổ ra nhiều tranh cãi liên quan tới màn trình diễn trong lễ khai mạc, càng khiến dư luận xôn xao.
Trong số rất nhiều những màn trình diễn nghệ thuật được nước chủ nhà trình diễn để tôn vinh các giá trị, bản sắc Pháp, tiết mục "Festivité" gây ra nhiều tranh cãi nhất. Với sự góp mặt của các người mẫu, vũ công, và các drag queen (những nghệ sĩ nam cải trang và ăn mặc theo phong cách nữ giới một cách cường điệu, với mục đích biểu diễn nghệ thuật), màn trình diễn diễn ra trên cây cầu Debilly bắc qua sông Seine, tái hiện cảnh tượng giống như một bữa tiệc. Sau đó, một vũ công nam sơn người màu xanh, chỉ mặc nội y bên dưới, xuất hiện, nằm bên cạnh mâm đựng đồ ăn.
Cảnh tượng này gây tranh cãi khắp toàn thế giới khi nhiều khán giả đã chỉ ra, cách sắp xếp đội hình và tư thế của các drag queen là khung hình mô phỏng theo bức tranh nổi tiếng "The Last Supper" của đại danh họa Leonardo Da Vinci- mô tả bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus với các tông đồ trước khi bị đóng đinh. Đây là một trong những bức ảnh thiêng liêng, được các tín đồ Thiên Chúa giáo tôn sùng suốt nhiều thế kỉ. Họ cho rằng Olympic Paris đã "xúc phạm tín ngưỡng" khi đưa một tiết mục như vậy vào lễ khai mạc.
Tỷ phú Elon Musk viết trên X về màn diễn: "Vô cùng thiếu tôn trọng những người theo đạo Thiên chúa". Giám mục Công giáo Robert Barron, đã đăng một video trực tuyến và nói: "Tôi yêu Thế vận hội, vì vậy tôi bật màn hình để xem lễ khai mạc Thế vận hội. Và bây giờ tôi thấy gì? Tôi thấy sự chế giễu thô thiển về The Last Supper và tôi sẽ không mô tả thêm nữa".
Ngoài tranh cãi về tiết mục "Festivité", lễ khai mạc còn mắc một số lỗi không đáng có. Khi thuyền chở các vận động viên Hàn Quốc đi dọc theo sông Seine trong lễ diễu hành khai mạc, ban tổ chức giới thiệu đây là đoàn thể thao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ở màn thượng cờ Olympic, các nhân viên đã treo ngược lá cờ.
Tờ New York Times chỉ trích gay gắt, gọi lễ khai mạc là "một cảnh tượng phù phiếm đối với truyền hình", còn tờ New York Post thì đánh giá buổi lễ "nhàm chán, thiếu ý tưởng và rời rạc". Ngay cả ở Pháp, sự đón nhận cũng khá im ắng, khi tờ Le Figaro nói rằng chương trình có "một số phần quá sức"…
Trước làn sóng chỉ trích của khán giả và truyền thông toàn cầu, người phát ngôn của Olympic Paris 2024 đã lên tiếng xin lỗi khán giả.
Tại buổi họp báo ngày 28/7, bà Anne Descamps - phát ngôn viên của Thế vận hội Paris - cho biết ban tổ chức không có ý thiếu tôn trọng bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào. Tuy nhiên, họ muốn gửi lời xin lỗi những người cảm thấy bị tổn thương bởi tiết mục gợi liên tưởng bức tranh "The Last Supper" của danh họa Leonardo da Vinci.
"Rõ ràng là không bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào", bà Anne Descamps nói với các phóng viên vào Chủ nhật. "Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm, tất nhiên chúng tôi thực sự, thực sự xin lỗi".
Giám đốc nghệ thuật lễ khai mạc, ông Thomas Jolly phủ nhận tiết mục "Festivité" lấy cảm hứng từ bức tranh "The Last Supper". Vị đạo diễn 42 tuổi cho biết phân cảnh này nhằm mục đích thúc đẩy sự khoan dung đối với các bản dạng giới tính khác nhau. Nam diễn viên người Pháp Philippe Katerine, với thân hình được sơn toàn màu xanh gần như khỏa thân, được cho là lấy cảm hứng từ Dionysus- vị thần rượu vang và khoái lạc của Hy Lạp, là cha của Sequana- nữ thần sông Seine.
"Ý tưởng là tổ chức một bữa tiệc ngoại giáo lớn liên quan đến các vị thần trên đỉnh Olympus", Jolly giải thích trong cuộc phỏng vấn với BFM vào Chủ Nhật. "Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy trong tác phẩm của tôi bất kỳ mong muốn chế giễu hay hạ thấp bất kỳ ai. Tôi muốn một buổi lễ tập hợp mọi người lại với nhau, nhưng cũng là một buổi lễ khẳng định các giá trị về tự do, bình đẳng và tình anh em".
Về việc video toàn bộ lễ khai mạc bị cho là "biến mất" khỏi mạng xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới, phía Ủy ban Olympic Quốc tế́ (IOC) cho biết không xóa video mà chỉ hạn chế hiển thị ở các quốc gia vì lý do bản quyền.
Mặc dù gây ra tranh cãi, lễ khai mạc Olympic Paris là chương trình thu hút lượng người xem đông đảo. Đài truyền hình Mỹ NBC cho biết lễ khai mạc Olympic Paris là sự kiện khai mạc Thế vận hội được xem nhiều nhất kể từ Olympic London 2012. Đây cũng là sự kiện được xem nhiều nhất trong 20 năm của đài truyền hình Đức ARD, theo người phát ngôn của Ủy ban Olympic quốc tế Mark Adams.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất