05/07/2014 13:59 GMT+7 | Tứ kết
(lienminhbng.org) - Arjen Robben có thể giúp Hà Lan đi tiếp bằng một bàn thắng tuyệt đẹp, hay một pha “ăn vạ”? Argentina liệu có thể tái hiện thêm một “Bàn tay của Chúa” như Diego Maradona ở World Cup 1986? Đó là chủ đề bàn tròn hôm nay, với khách mời là nhạc sĩ Hà Quang Minh và cây viết thể thao Phan Tất Đức (TT&VH).
“Tiểu xảo là một phần của cuộc chơi”
Phạm An: Thưa các anh, các anh chơi đá bóng đã bao giờ đóng kịch, hay dùng tiểu xảo chưa?
Hà Quang Minh: Thứ nhất là tôi chơi đá bóng hơi bị dở, nên không đủ trình độ để đóng kịch hay tiểu xảo. Thứ hai, trên sân bóng tôi hiền lắm, nên chẳng đóng kịch và tiểu xảo bao giờ.
Tất Đức: Tôi nhớ là mình chưa bao giờ ăn vạ, nhưng có những lỗi như chạm tay trong vòng cấm thì cũng không thật sự thành thật.
Phạm An: Người ta hay nói "thật thà là cha quỷ quái", nhưng với bóng đá chắc chẳng đúng được các anh nhỉ? Bây giờ thì người ta cứ phê phán đóng kịch, nhưng đóng kịch là một phần của bóng đá. Đóng kịch đã giúp Brazil thắng Croatia ở lượt mở màn, và đóng kịch cũng đã giúp Hà Lan vượt qua Mexico, vậy tại sao lại không đóng kịch?
Hà Quang Minh: Tôi nghĩ thế này. Nếu ở góc độ của một người khán giả vô tư, không ủng hộ đội nào, hoặc ở góc độ của khán giả đội bị ăn vạ, người ta sẽ cực ghét hành vi ngã giả vờ, tiểu xảo, và cho là nó là hành phi phản thể thao. Nhưng ở góc độ của ủng hộ viên đội bóng có cầu thủ ăn vạ, người ta thậm chí có thể ủng hộ. Quan trọng là như vậy, mục đích khác thì cách xem xét sự việc sẽ khác nhau.
Và nếu một tiền đạo, khi đột phá vào vòng cấm, họ chỉ mong hậu vệ xoạc chân ra để họ ngã thôi. Cơ hội làm bàn chắc chắn như thế, người chuyên nghiệp phải tận dụng ngay.
Tất Đức: Tôi đồng ý với anh Hà Quang Minh, với khán giả trung lập hoặc cổ vũ cho đội bị ăn vạ thì hẳn người ta sẽ phản đối nó. Ngược lại, nếu cầu thủ đội bóng tôi yêu quý mà đánh lừa được cả trọng tài với đối phương sập bẫy thì tôi còn thấy thích thủ, nó thể hiện độ quái của đội bóng tôi yêu mến và sự ngờ nghệch của đối thủ.
Nhìn chung nó là 1 phần của cuộc chơi, khi nào mà các trọng tài chưa phải là người máy, không đảm bảo được độ chính xác 100% thì người ta phải chấp nhận nó thôi.
“Sự mù quáng của tình yêu”
Phạm An: Nói vậy thì chúng ta còn trông mong gì ở tính trung thực và mã thượng trong thể thao đây, thưa các anh? Theo tôi thì một môn thể thao đối kháng được xác lập dựa trên cơ sở "lòng tin", sự công chính, và đôi khi cũng có những người đã vượt qua được cái vị kỷ đó, như Paolo Di Canio (từ chối… ghi bàn khi đối phương chấn thương), hay Miroslav Klose (từ chối nhận bàn thắng không hợp lệ)?
Tất Đức: Tôi nói rồi, nó phụ thuộc vào mức độ quan trọng của cuộc chơi. Trận đấu của Paolo Di Canio là diễn ra với CLB West Ham. Tôi không tin anh ta sẽ làm như thế ở 1 trận chung kết hoặc 1 trận đấu knock-out ở World Cup, khi sự kì vọng vào chiến thắng là cực lớn.
Hà Quang Minh: Tôi cũng thích sự công chính lắm. Nhưng sẽ là không công chính nếu anh không làm gì đó sai “nho nhỏ” để mang lại chiến thắng cho một quốc gia. Chiến thắng cho cái chung lúc ấy sẽ công chính hơn là chỉ vì cái cá nhân vị kỷ của mình. Con ngựa thành Troy là không công chính. Nhưng vì mục đích của Hy Lạp, nó lại là công chính.
Phạm An: Nhưng tôi vẫn thấy câu chuyện "Bàn tay của Chúa" nó giống như một sự tôn vinh rất nghịch nhĩ dành cho một hành vi xấu chơi, các anh nghĩ sao?
Nếu 1 pha ngã vờ của Robben giúp Hà Lan vô địch được tôn vinh là "Thợ lặn của Chúa" hay một cú đập bóng rổ thành bàn nữa của Messi được cho là "Pha đập bóng của Chúa"?
Tất Đức: Những ai thích Maradona hay Argentina thì tôn vinh, ngược lại với người Anh thì đó là một sự phỉ báng. Nó là sự mù quáng nơi tình yêu của mỗi con người thôi
Hà Quang Minh: Tôi chưa bao giờ thích Bàn tay của Maradona năm 1986. Nhưng đó là bởi vì tôi không thích Argentina.
Phạm An: Đúng, nếu nó là một hành vi giúp đội bóng của các anh vô địch, các anh chắc sẽ đồng tình. Tôi cũng vậy. Đó là một điều rất "con người", phải không?
Tất Đức: Tất nhiên, 1 chiến thắng tuyệt đối sẽ khiến nhiều người thích thú. Nhưng đôi khi 1 chiến thắng gây tranh cãi có khi lại được nhớ đến nhiều hơn, vì cảm xúc nó tạo ra đặc biệt hơn. Nếu Đức vô địch bằng một tình huống tinh quái của Thomas Mueller, tôi thực sự coi anh ấy là người hùng.
Hà Quang Minh: Tôi hơi khác chút. Tôi lại không thích lắm Phạm An ạ. Tôi sẽ thích thú với chức vô địch, nhưng tôi sẽ bứt rứt mãi.
“Xin lỗi thì cũng chỉ là giả tạo thôi”
Phạm An: Chúng ta đồng ý là bóng đá không thể thiếu tiểu xảo, nhưng việc ngoan cố không thừa nhận lỗi của mình cũng nên được cho qua chăng, thưa các anh? Maradona phải 20 năm sau mới chịu đưa ra lời xin lỗi, Suarez thì ban đầu cũng khẳng khăng chối tội cắn Chiellini, sau đó mới thừa nhận?
Hà Quang Minh: Khi đã chấp nhận thế giới bóng đá là thế, liệu đòi hỏi 1 lời xin lỗi có vô nghĩa? Tôi lại thấy lời xin lỗi chẳng qua cũng chỉ là ngoại giao thôi, giả tạo thôi. Như thế cũng khác gì đóng kịch.
Tất Đức: Tôi cũng thấy lời xin lỗi ở trường hợp này không mang nhiều giá trị. Kết quả trận đấu là không thể đảo ngược, trong khi chẳng có gì đảm bảo sau những lời xin lỗi ấy, các cầu thủ không tiếp tục "phạm lỗi" tương tự.
Phạm An: Nó làm tôi liên tưởng một chút đến chuyện một ông thày giáo cãi chày cãi cối sau khi ra đề "lừa" học sinh. Thậm chí còn cho rằng đó là đề bài để khuyến khích học sinh tránh tư duy rập khuôn?
Tất Đức: Tôi thì cho rằng ông ấy nói thật, chứ không phải ngụy biện. Bởi ở phần lời giải của quyển sách cũng ghi rõ là "đề sai không giải được". Nhưng không thể phủ nhận trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp cãi chày cãi cối như vậy.
Phạm An: Ý tôi ở đây là ông thầy và giáo dục đã làm sai lệch lòng tin. Giáo dục là môi trường được xây dựng trên cơ sở lòng tin, học trò tin người thày không bao giờ lừa mình, giờ tự dưng bị “lừa” một cách vô duyên, đó là giáo dục thiếu nhân văn chứ?
Nó giống câu chuyện chú bé chăn cừu vậy. Nếu giáo dục lừa học sinh, thì sẽ đến lúc học sinh không tin vào giáo dục nữa.
Hà Quang Minh: Nhưng mà bản thân xã hội đã là như vậy. Xã hội cũng có phải luôn luôn thật thà đâu. Và xã hội nào thì bóng đá thế, giáo dục thế. Xã hội càng dối trá, tiểu xảo thì bóng đá, giáo dục càng lừa đảo, lưu manh.
Tất Đức: Tôi thì không nghĩ vậy. Hẳn ai đi học cũng từng gặp các bài toán mẹo, với các dữ kiện đánh lừa học sinh (chỉ có điều không thô như bài toán này). Ngược lại có thể coi đấy là một cách giáo dục thực tế chứ, bởi cái xã hội này vẫn tồn tại đầy rẫy những sự lừa lọc, dối trá mà.
Còn về bóng đá, tôi không cho rằng đội bóng nào có thể chiến thắng mãi nhờ tiểu xảo. Điều quan trọng nhất vẫn phải là có một thực lực nhất định, những thứ tiểu xảo kia chỉ là sự phụ trợ và dĩ nhiên không phải lúc nào cũng có tác dụng.
Phạm An: Chính xác, thực tế là chỉ có cầu thủ giỏi mới là "kịch sĩ" được, đúng không các anh?
Hà Quang Minh: Và cũng chẳng có đội nào đá chân thật chất phác mà lên ngôi vô địch được cả các anh ạ.
Tiểu xảo, đóng kịch, lừa đảo, chơi xấu... sao cũng được, Miễn là khi thắng người xem khách quan phải tâm phục khẩu phục. Điều đó mới là khó nhất. Như Italy năm 2006, Materazzi như thế với Zidane đấy, nhưng mà người ta vẫn phải tâm phục khẩu phục Italy hoàn toàn.
Phạm An: Vâng, bóng đá là thế và cuộc sống là thế. Chỉ có cân bằng và đừng cực đoan hóa về bất cứ phía nào, tôi nghĩ thế. Và quan trọng nhất, dù sao vẫn là thực lực, trước khi nói đến tiểu xảo. Một đội bóng được tôn trọng là nhờ thực lực, không phải tiểu xảo, dù tiểu xảo là gia vị không thể thiếu của cuộc chơi.
Tất Đức: Tôi đồng ý với Phạm An. Chúng ta không thể lí tưởng hóa cuộc sống cũng như bóng đá. Mọi thứ đều có 2 mặt đen trắng của nó. Thật ra cũng chẳng có đội bóng nào có thể thành công được nếu chỉ dựa vào tiểu xảo đâu mà, nên dư luận cũng không cần phải nhìn nhận nó quá tiêu cực. Nên chăng coi nó như là một điểm nhấn, tạo cao trào cho vở diễn có phải hơn không?
Hà Quang Minh: Còn gì “công bằng” hơn thế đâu!
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất