09/08/2017 07:05 GMT+7
(lienminhbng.org) - Nhiều người đang khá bất ngờ và cũng hơi “bất bình” khi biết tin việc đi xem dự án đương đại “0395A.ĐC” của nhà thơ - họa sĩ Ly Hoàng Ly tại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, quận 2, TP.HCM) là phải mua vé vào cửa. Giá vé là 35.000 đồng, với sinh viên là 25.000 đồng, còn 16 tuổi trở xuống thì miễn phí. Triển lãm của Ly Hoàng Ly kéo dài từ 10/8 đến 17/9 là một công trình rất đáng xem.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh khác thì việc tổ chức tư nhân The Factory tiên phong trong việc bán vé toàn thời gian cho các sự kiện, triển lãm của họ tại Việt Nam được xem là cách làm văn minh và sòng phẳng.
Văn minh là vì “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, chỉ khi nào khán giả tự mình mua tấm vé thì lúc ấy việc đi xem của họ mới bắt đầu phản ánh nhu cầu thực sự.
Hoạt động mua vé (dù giá khá tượng trưng) là điều cũng thường thấy tại nhiều nước phát triển, tại nhiều sự kiện mỹ thuật quốc tế. Mỹ thuật đương đại Việt Nam muốn phát triển, muốn vươn lên tầm quốc tế thì dần dà việc bán vé sẽ là một hoạt động phổ biến và bình thường.
Còn sòng phẳng là ở khía cạnh “bánh ít trao đi, bánh quy trao lại”, như dân gian thường nói. Bởi rõ ràng, giới mỹ thuật đi xem phim, xem ca nhạc… thì thường phải trả tiền vé, trong khi ngược lại thì giới phim, giới âm nhạc đi xem các sự kiện mỹ thuật thì thường được miễn phí, vậy là chưa sòng phẳng.
Tâm lý nhìn “cầm - kỳ - thi - họa” như là những lĩnh vực tinh thần và mua vui miễn phí còn khá phổ biến tại Việt Nam, nên cần được thay đổi dần dần. Bởi về mặt đời sống thường nhật, các nghệ sĩ trong 4 lĩnh vực vừa nêu cũng cần các nhu cầu căn bản, các nhu yếu phẩm như mọi người ở mọi ngành nghề khác trong xã hội.
Thực tế đời sống còn hiện diện một tâm lý khá phổ biến, đó là giới văn chương (và cả giới sáng tạo nói chung) thường chê giới giải trí, sàn diễn, màn ảnh là ít đọc sách, là thiếu tri thức này kia. Nhận xét có tính kỳ thị này chắc chắn sẽ nhận về nhiều tranh cãi hoặc mâu thuẫn, ở đây xin không bàn lại. Nhưng thử hỏi, nếu nhìn ở bình diện bình thường, nghĩa là trừ những trường hợp đặc biệt trong từng lĩnh vực, thì việc mua sản phẩm của nhau đã có quan hệ qua lại và tự nguyện chưa?
Một ví dụ cụ thể, số nhà văn tự nguyện mua vé đi xem các sản phẩm âm nhạc mới hoặc phim mới đã nhiều chưa? Nếu chưa thì cũng hãy khoan ép giới âm nhạc, phim ảnh phải đi mua sách mới của các nhà văn? Tất nhiên, quan hệ giữa tác phẩm và người thưởng thức trong từng lĩnh vực là khác nhau về số lượng và thói quen, thật khó để so sánh rạch ròi. Ở đây chỉ muốn nói rằng nhu cầu thưởng thức, thậm chí nhu cầu có tri thức hoặc từ chối tri thức là tự do, là quyền riêng tư của từng người.
Trở lại chuyện tổ chức tư nhân The Factory tiên phong bán vé từ giữa tháng 6/2017, chắc chắn lời gièm pha và những khó khăn mà họ nhận về sẽ không ít. Thế nhưng cũng có tín hiệu lạc quan, vì ngày càng có đông người Việt chấp nhận mua vé đi xem. Dường như họ cũng dần nhận ra rằng để xây dựng được một không gian sang trọng, rồi tổ chức các sự kiện tương đối chuyên nghiệp, chất lượng là việc chẳng dễ dàng gì, The Factory phải chi một khoản tiền túi không hề nhỏ, nên việc bán vé cũng là hoạt động bình thường.
Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất