'Bằng chứng thép' ghi lại tội ác Khmer Đỏ

10/08/2014 08:06 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Gần 40 năm trước đây, viên thanh tra trường học Poch Younly bí mật viết một quyển nhật ký, mô tả rõ ràng những nỗi kinh hoàng của cuộc sống dưới thời Khmer Đỏ, khi chúng tước đi mạng sống của 1,7 triệu dân Campuchia thông qua việc ép buộc lao động khổ sai, bỏ đói và hành quyết hàng loạt.

Hoàn toàn hiểu rõ rằng bản thân có thể bị giết nếu bị phát hiện, Poch Younly vẫn tiếp tục công việc và che giấu cuốn nhật ký của mình trong một cái bình gốm.

Chứng cứ hiếm hoi

Trong những ngày đen tối đó, khi các tổ chức tôn giáo bị cấm hoạt động, các trường học bị đóng cửa và bất kỳ ai là trí thức đều trở thành mối đe dọa với chính quyền, ông không có cái quyền xa xỉ là sở hữu một cái bút và một cuốn sổ.

"Tại sao tôi phải chết ở đây như một con mèo hay một con chó… chẳng vì lý do gì, chẳng có ý nghĩa gì cả? “ – ông viết trong các trang cuốn của cuốn nhật ký nhàu nát. 4 thập kỷ đã trôi qua nhưng câu hỏi này vẫn còn ám ảnh cả đất nước Campuchia.

Younly không sống sót qua thời Khmer Đỏ. Nhưng cuốn nhật ký của ông thì có. Nó thuộc về một bộ hồ sơ điều tra khổng lồ, đã vừa giúp kết án 2 thủ lĩnh Khmer Đỏ duy nhất còn sống. 2 người này gồm Chủ tịch Khmer Đỏ Khieu Samphan, 83 tuổi và Nuon Chea, 88 tuổi, cánh tay phải của cố thủ lĩnh Khmer Đỏ Pol Pot.

Hôm thứ Năm vừa qua, một tòa án do LHQ ủng hộ đã tuyên phạt tù chung thân cả 2 người đàn ông này do phạm tội ác chống lại loài người – bản án mà nhiều người dân Campuchia vẫn xem là quá nhẹ và tới quá muộn.

Được đưa tới tay công chúng lần đầu vào năm ngoái, cuốn nhật ký này đã khiến người ta sửng sốt vì độ hiếm của nó. Thực tế nó chỉ là 1 trong 4 cuốn nhật ký hiếm hoi do các nạn nhân và người sống sót dưới chế độ Khmer Đỏ ghi lại, vô cùng bé so với con số 453 cuốn nhật ký mà giới lãnh đạo Khmer Đỏ viết.

“Đó là câu chuyện của tất cả những người còn sống sót như chúng tôi” – đánh giá của Youk Chhang, người điều hành Trung tâm tài liệu Campuchia, nơi thu gom hàng triệu tài liệu, bức ảnh, đoạn phim và lời khai của các nhân chứng từ thời Khmer Đỏ – “Khi Khmer Đỏ nắm quyền, tất cả mọi thứ đều thuộc về cái gọi là “cuộc cách mạng”. Anh chẳng sở hữu bất kỳ điều gì, ngay cả câu chuyện cuộc đời mình”.

Cuốn nhật ký hiếm của Younly ghi lại tội ác của chế độ Khmer Đỏ

Cuộc sống cực khổ như nô lệ

Được viết bởi ngôn ngữ Khmer, cuốn nhật ký chỉ dày khoảng 100 trang, chia thành 2 phần. Phần đầu tổng kết lịch sử gia đình của Younly và nói về cuộc hôn nhân sắp đặt của ông với vợ Som Seng Eath.

Phần còn lại được viết như một bức thư gửi tới con cái, mô tả cuộc sống dưới thời Khmer Đỏ. Phần này chỉ điền ngày tháng ở đầu và cuối thư – ngày 9/2 tới ngày 29/8/1976, với một dòng tái bút cuối cùng ghi vài hôm sau đó.

Theo lời bà Eath, năm nay đã 86 tuổi, khi quân Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh trong ngày 17/4/1975, cặp vợ chồng đang sống cùng đứa con thứ 8 tại một thị trấn ở vùng nông thôn có tên Kampong Chhnang. 3 ngày sau, các tay súng du kích tới nơi này và các cư dân, gồm Younly, đã chào đón họ, tưởng rằng chiến tranh cuối cùng đã kết thúc.

Nhưng chỉ trong vài giờ, mọi chuyện đã thay đổi. Mọi người trong thị trấn được yêu cầu phải rời khỏi nhà và chỉ được đi bộ. Younly ban đầu không tin những gì đang xảy ra. “Ông luôn miệng nói rằng: “Đừng lo, chúng ta sẽ sớm trở lại, đừng gói ghém nhiều đồ đạc” – bà Eath kể. Nhưng bà vẫn cố mang theo nhiều đồ nhất có thể, gồm 5 cuốn vở học sinh và vài cây bút máy mực xanh lam.

Younly kể rằng ông đã phải đi bộ qua nhiều cánh rừng, ngọn núi trong gần 2 tuần. Dọc đường, phần lớn tài sản của người dân đã bị tịch thu, gồm 4 quyển vở của Younly và một chiếc máy ảnh ông mua trong lần tới thăm Mỹ hồi năm 1961.

Trong ngày 1/5/1975, cả đoàn người tới làng Chumteav Chreng và định cư tại đó. Chính quyền mới có tên Angkar buộc tất cả mọi người phải nhuộm áo đen. Tiếp đó người dân được chia vào các đội lao động. Trẻ em bị cách ly với cha mẹ và cũng bị ép phải làm việc trong các nhóm riêng.

“Chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm, phá rừng làm nương rẫy, đào gốc cây, đào mương, làm đường, đắp đê, trồng rau và đào ao” - Younly viết – “Chúng tôi làm việc từ 10-13 giờ mỗi ngày.

Một bức ảnh cũ chụp chân dung Younly, tác giả cuốn nhật ký giá trị

“Hãy để tôi chết”

Thực phẩm nhanh chóng cạn kiệt và Younly cùng vợ đã trở nên tuyệt vọng tới mức họ phải trao đổi quần áo và một món đồ gia bảo để lấy muối, đường và thuốc men. Thời gian sau đó, Younly bị ốm. Ông không thể lao động, nhưng có chút riêng tư để viết lách. Vài tháng kể từ khi bị ốm, Younly cảm thấy mình chẳng còn sống được lâu.

“Lúc này cơ thể của tôi giống như một xác chết, gầy chỉ còn da bọc xương” – ông viết – “Tôi chẳng còn năng lượng. Chân tay tôi run rẩy. Không còn sức mạnh. Tôi chẳng thể đi xa hay làm việc nặng. Ai cũng làm việc như những con vật, như những cái máy, chẳng có giá trị gì, chẳng có hy vọng gì về tương lai”.

Có lúc Younly cảm thấy hối tiếc vì không thể gặp các con. 2 con trai lớn của ông đã bị đẩy đi vùng đất khác ở Campuchia. Những đứa còn lại sống quanh làng, nhưng làm việc trong các nhóm lao động của trẻ em. “Hãy để tôi chết” – ông viết – “Hãy để định mệnh đưa tôi đi tới nơi phải đến… Các con của ta, cha nhớ các con; cha yêu các con”.

Younly đã viết cho tới khi chẳng còn trang giấy nào để viết. Ngày 1/8/1976, ông viết một dòng tái bút ở trang cuốni yêu cầu gia đình chăm sóc cẩn thận cuốn nhật ký. Vài giờ sau ông được người của chính quyền Khmer Đỏ đưa đi nâng một cây dừa đã đổ vào ruộng lúa. Thực tế nhà chức trách bắt Younly vì một đứa con trai của ông định đổi một chiếc đồng hồ Omega ông mua ở Mỹ lấy cá muối. Tài sản cá nhân là thứ bị cấm dưới thời Khmer Đỏ và che giấu tài sản thì càng tồi tệ hơn.

"Tôi chẳng bao giờ gặp chồng mình nữa” - Som Seng Eath nói, nước mắt vẫn chảy dài trên má bà. Younly đã chết chỉ vài tuần sau khi bị mang đi, trong một nhà tù nằm ngay gần làng.


“Hãy bảo vệ cuốn nhật ký, cho dù có chuyện gì xảy ra” 

Som Seng Eath nói rằng trước đây bà không thể hiểu được tầm quan trọng của cuốn nhật ký. Nhưng bà không bao giờ quên lời ông Younly từng dặn dò. "Chồng tôi nhìn thẳng vào tôi và nói: “Hãy bảo vệ cuốn nhật ký, cho dù có chuyện gì xảy ra, kể cả khi anh đã chết” – bà kể.

Eath đã giữ cuốn nhật ký an toàn suốt 2 thập kỷ, trước khi chuyển lại cho các con gái. Một con rể của bà sau đó đã đề nghị chuyển cuốn nhật ký cho Trung tâm tài liệu Campuchia và nó đã trở thành chứng cứ chống các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ. Lời kể của Younly trong nhật ký đóng vai trò rất quan trọng, bởi những người như Khieu Samphan và Nuon Chea đã cố phủ bóng nghi ngờ lên các hành động diệt chủng diễn ra khi chúng cầm quyền.

"Mọi người đã quên mất việc chúng tôi từng đói thế nào” - Youk Chhang, người vẫn còn những vết sẹo thâm xì trên đôi chân, hậu quả từ việc bị lính Khmer Đỏ xích chân suốt 2 tháng, chia sẻ trải nghiệm của ông - “Thật khó để mô tả cho giới trẻ biết cảm giác chết đói giống như thế nào. Khi đó cả đất nước rơi vào cảnh chết đói… và câu chuyện này hiếm khi được kể lại”.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm