14/08/2017 07:48 GMT+7 | SEA Games 29
(lienminhbng.org) - Nhắc tới môn bóng đá nam SEA Games, có một câu chuyện được "truyền miệng" trong giới phóng viên thể thao lâu năm theo dõi Đại hội mà cũng chẳng ai rõ nguồn gốc. Đó là tuyên bố của 1 vị Trưởng đoàn thể thao rằng: 'Sẵn sàng đánh đổi 100 tấm HCV của các môn thể thao khác chỉ để lấy tấm HCV môn bóng đá nam SEA Games'!
1. Đương nhiên, tấm HCV môn bóng đá nam luôn là tấm HCV danh giá nhất trong bất kỳ Đại hội thể thao nào, chứ chả riêng gì SEA Games. Nhưng câu chuyện ấy, còn đề cập đến nỗi khát khao cực lớn của bóng đá khu vực luôn bị ví với "vùng trũng" trên bản đồ bóng đá quốc tế. Có được tấm HCV danh giá ấy không đơn thuần là sự khẳng định trong địa hạt bóng đá, mà còn là bước kích cầu cần thiết cho cả nền thể thao quốc gia phát triển hơn. Vậy thì đổi 100 lấy 1, cũng đâu có đắt!
Và nếu nhìn lại suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ của SEA Games, càng thấy tấm HCV bóng đá nam đắt giá thế nào bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, bất chấp những biến động, bất chấp cái sân chơi này ngày càng "biến chất" vì nạn vơ vét huy chương của các nước chủ nhà, bóng đá nam luôn có mặt đủ trong 29 kỳ Đại hội (tính cả SEA Games 2007 này ở Malaysia). Thứ hai, cho dù trước khi là sân chơi của cấp đội tuyển quốc gia và kể từ năm 2001 (SEA Games lần thứ 21 tại Malaysia) thuộc về lứa U23, thì tấm HCV môn bóng đá nam chẳng phải là thứ được "chia đều", mà hơn thế dường như còn là sự phản ánh chính xác nhất sức mạnh của cả nền thể thao trong mặt bằng khu vực.
Thái Lan xứng đáng với số 1 không chỉ với các môn thể thao đỉnh cao mà còn với 15 lần vô địch bóng đá nam SEA Games. Cái khoảng cách giữa người Thái với vị trí thứ hai của Malaysia tới... 9 lần. Và cũng qua 28 kỳ Đại hội cũng chỉ mới có 5/11 quốc gia giành HCV bóng đá nam gồm: Thái Lan (15 lần), Malaysia (6), Myamar (5), Indonesia (2) và Việt Nam (1 lần với đội tuyển miền Nam Việt Nam).
2. Khát khao là có thật. Và SEA Games 29 cũng chẳng là ngoại lệ, 24 tiếng trước giờ khai cuộc môn bóng đá nam, từ ĐKVĐ Thái Lan, đến chủ nhà Malaysia, kẻ thách thức Philipines... dĩ nhiên là cả U22 Việt Nam đều nói về ngôi vô địch. Thậm chí, những tuyên bố này còn được quan tâm nhiều hơn cả số HCV để đứng đầu kỳ Đai hội.
Nhưng như đã đề cập tấm HCV bóng đá nam SEA Games có danh giá đến cỡ nào thì cũng chỉ có thể làm cái bàn đạp cho cả nền thể thao nói chung và bóng đá nói riêng có cơ hội tốt, ít nhất là về mặt tâm lý để tiến lên. Nói một cách hình ảnh đó chỉ là điều kiện cần mà chưa phải là điều kiện đủ.
Hơn ai hết, người Thái hiểu rất rõ điều này. Trong 15 lần vô địch SEA Games, họ đã có một kỳ lục vô tiền, khoáng hậu đó là 8 lần lên ngôi liên tiếp tính từ năm 1993 đến tận năm 2007, gắn với thế hệ đội tuyển quốc gia của siêu sao Kiatisak đến lứa U23 của tài năng trẻ Teerathep Winothai. Bóng đá Thái luôn coi trọng SEA Games, không hẳn vì cái danh hiệu vô địch có thừa ấy, mà họ coi đây là điểm xuất phát cho giấc mơ lớn hơn - World Cup. Vậy mà vẫn chưa thành...
Trở lại với U22 Việt Nam và cái sân chơi mà còn đó giấc mơ Vàng đã dang dở tới hơn nửa thế kỷ để trở thành "nỗi đau" cho nhiều thế hệ. Một chức vô địch SEA Games đương nhiên không thể ngay lập tức nâng tầm của nền bóng đá (chức vô địch AFF Cup 2008 là minh chứng), bởi xét cho cùng thì đây cũng chỉ là sân chơi của lứa trẻ, nhưng rõ ràng, nếu giấc mơ ấy thành hiện thực, bóng đá Việt Nam thay vì cứ phải quay lại âm ĩ với "nỗi đau" mà dồn lực bước lên phía trước...
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất