14/01/2015 10:31 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sau rất nhiều những màn đấu đá đằng sau hậu trường, cái tên giành được quyền lực tại CLB xứ Catalunya không ai khác ngoài cầu thủ đang giữ áo số 10.
Trên tờ Daily Mail vào tối ngày 13/1, ký giả Pete Jenson đã thực hiện một bài viết đáng chú ý với nội dung mang tính đóng gọn, kết luận về sự kiện tại CLB Barcelona thời gian qua. Cuộc khủng hoảng đã tạm kết thúc bởi đã có một người bước vào “cuộc chiến” và đi ra với tư cách kẻ thắng cuộc: Lionel Messi.
Khi Barcelona không đứng bên Messi
“Hãy nhìn nhận rằng đây là giai đoạn thứ ba và cũng có thể là giai đoạn cuối cùng trong sự nghiệp tại Barcelona của Messi.”, Penson viết. Chúng ta đã từng có thần đồng Messi khiêm tốn, bẽn lẽn. Chúng ta đã có siêu nhân Messi ở đỉnh cao với 4 Quả bóng vàng. Giờ đây, chúng ta có Messi lãnh tụ, một biểu tượng của đội bóng, một người cầm trịch sân cỏ cũng như phòng thay đồ.
Penson cho rằng, sự rạn nứt trong mối quan hệ này đã bắt đầu kể từ thời điểm mùa giải 2013-14 đi qua một nửa, khi ban lãnh đạo Barcelona bắt đầu đặt dấu hỏi về tương lai của Messi, điều đáng nhẽ không cần phải bàn cãi.
Tháng 12/2013, trước những đàm phán hợp đồng mới với cầu thủ người Argentina, phó chủ tịch Javi Faus bất ngờ cho rằng không có lý do nào để “hợp đồng của quí ông này cần phải cải thiện khi nó mới chỉ được xem xét lại hai năm trước.”
Chỉ riêng việc dùng từ “quí ông” đã khiến cho lời của Faus trở nên đậm chất chế nhạo, chứ chưa nói tới việc giá trị của cầu thủ đang giữ kỷ lục ghi bàn tại La Liga bị đặt dấu hỏi. Và khi ấy, họ cũng đã đẩy CLB vào một tình cảnh hiểm nghèo với cái lắc đầu của Messi.
Phó chủ tịch Faus đã sai lầm khi nghi vấn về Messi.
“Ngài Faus chẳng biết gì về bóng đá”, Messi phản hồi. “Ông ấy muốn vận hành Barcelona theo kiểu kinh doanh, mà nó thì không như thế.”
Đó là thời điểm Messi chuẩn bị bình phục chấn thương đã khiến anh mất gần như trọn tháng 12, khi mà bản thân anh cũng khó có thể giúp CLB tránh khỏi một năm không thành công. “Số 9 ảo” của Barcelona cảm thấy rằng ban lãnh đạo chẳng ủng hộ, cũng chẳng bảo vệ anh, Penson suy đoán.
Messi đã dính vào những vấn đề rắc rối bên ngoài sân cỏ trong thời gian này khi không thể xác nhận được con số chính xác số tiền thuế anh đã nộp trong 3 năm liên tiếp. Đó là thời điểm mà Messi cần Barcelona vỗ vai và động viên anh rằng, CLB luôn đứng bên anh. Nhưng không có gì cả.
Enrique: Giọt nước làm tràn ly
Quyết định bổ nhiệm Luis Enrique là một dấu hỏi. Ông không được coi là một HLV có tài. Tại AS Roma, người đàn ông này đã dùng 27 đội hình cho 27 trận đầu tiên, tranh cãi với hai trong số những thế lực lớn nhất trong phòng thay đồ là Francesco Totti và Daniele De Rossi. Dĩ nhiên thành tích thi đấu chẳng tốt đẹp gì.
Không mấy ngạc nhiên khi tại Barcelona, lần lượt Xavi, Gerard Pique, Ivan Rakitic và Dani Alves gặp vấn đề khi bất ngờ bị cho nghỉ và rồi lại bất ngờ được cho đá chính.
Nhưng sai lầm lớn nhất của Enrique chính là việc đụng vào cái tên đáng lẽ không bao giờ nên chạm tới, Lionel Messi. Trong trận đấu đầu tiên của năm 2015 gặp Real Sociedad, ông cho cả Messi lẫn Neymar dự bị. Cầu thủ người Argentina đã bức xúc và sốt ruột tới nỗi trực tiếp yêu cầu Enrique được vào sân khi bước vào đường hầm trong giờ nghỉ giữa trận.
Bằng mặt mà chẳng bằng lòng.
Ngay đầu năm đã thua, chẳng ai vui mừng, nhưng Messi thì bực dọc. Một ngày sau trận thua Sociedad, thay vì đến tập, anh cáo bệnh và ở nhà để ấn “theo dõi” tài khoản Instagram của Chelsea. Dĩ nhiên xét trên khía cạnh tài chính, đó không phải một đội bóng có thể mua được anh, bởi Luật Công bằng Tài chính sẽ khiến họ trả giá. Nhưng chừng ấy là đủ để những tin đồn dội lên, gây sức ép lên Enrique và ban lãnh đạo. Một hạt giống đã nảy mầm.
Messi sau đó ra sân, làm cảm hứng cho 2 chiến thắng quan trọng và tuyên bố... không gây sức ép sa thải ai. Một giọng điệu rất “đàn anh”. Cuộc chiến tranh đã có người thắng cuộc.
DŨNG LÊ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất