01/01/2009 06:00 GMT+7 | Phóng sự
“Con đĩ đánh bồng” hai lần thi trượt trường múa
Mẹ Đạt kể: “5 tuổi Đạt đã múa thanh đề rồi. Mỗi khi hội làng diễn ra, Đạt thường lén nhìn đội múa sênh tiền, múa bồng rồi về nhà bắt chước. Lâu dần thành quen. Nhiều lần Đạt đứng trước bố mẹ bắt xì tiền thưởng để múa cho xem. Và, quả thật Đạt làm không chỉ vợ chồng hai bác rất thích thú, cảm động mà với cả làng Triều Khúc này, ai ai cũng yêu quý nó. Tuy nhiên, vì Đạt còn “chưa đủ tuổi” vào đội múa bồng nên mãi đến năm 18 tuổi mới chính thức được thày Hồng đến “cầu tài”.
Đầu năm nay, Đạt cưới vợ. Sự kiện này làm ông Hồng “sướng phát điên” vì: “Có vợ rồi, cu Đạt sẽ bị trói ở nhà. Không giống như những đứa thanh niên khác, bỏ làng đi làm ăn xa hết cả, đến hội bới tung làng lên tìm người cho múa bồng cứ như mò kim đáy bể. Đạt ở nhà, đến hội, “ăn cặp” với tôi thì hết chê...”.
Múa bồng có tiếng từ nhỏ là vậy, nhưng trong cả hai lần dự thi vào trường múa Việt Nam, Đạt đều trượt vỏ chuối. Giờ yên bề gia thất, Đạt quay sang làm nghề bốc thuốc nhuộm cho một xưởng dệt sợi tư nhân trong làng... Đôi phút giải lao, nhớ lời thày dặn, thi thoảng phải múa bồng cho tay chân không bị cứng, Đạt lại cuộn tay, khum gối trước sự ngạc nhiên của đám nữ công nhân làm cùng xưởng.
Tận mục tay bốc thuốc nhuộm làng Triều Khúc múa bồng
Đến xưởng làm sợi gặp Đạt, phần nào chúng tôi thấy được cái tài nhìn người của ông Hồng. Đạt cao ráo, đẹp trai và có đôi mắt hút hồn, nói như ông Hồng nói vui là “đĩ có đuôi”. Anh khiêm nhường và từ tốn, thật thà và giản dị, đôi khi e dè như “gái về nhà chồng”. Đạt bảo : “Múa bồng không dễ mà cũng chẳng khó. Múa được hay không là ở cái tâm của mình. Nếu mình thực tâm coi trọng lễ nghi, yêu quý và năng gìn giữ điệu múa truyền thống của làng thì thể nào cũng múa dẻo, múa đẹp”.
Anh Bùi Văn Đạt, xóm Cầu, làng Triều Khúc, Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội): “Nếu ở làng khác sử dụng từ 4 diễn viên (2 cặp) đến 6 diễn viên (3 cặp) toàn là nữ múa bồng thì Triều Khúc chỉ duy nhất sử dụng một cặp múa còn một cặp dự bị. Múa bồng Triều Khúc phải là trai giả gái. Yếu tố làm cho múa bồng Triều Khúc “ăn đứt” nơi khác chính là ở đôi mắt chứ không phải ở đôi tay hay đôi chân. Khi múa, đôi mắt phải thể hiện được vẻ đẹp trong sáng của đạo đức con người, tinh thần hoan hỷ, lạc quan và toát lên được sự mãn nguyện khi được phục vụ thần thánh, làm cho người xem có được cảm giác như chính mình đang múa, đang rất mãn nguyện với chính bản thân mình...”. |
Như để chứng minh cho chúng tôi thấy Đạt là “báu vật của điệu múa bồng”, chính ông Hồng “khích tướng” Đạt khi buông một câu: “Mày làm thế này thì rồi sẽ quên hết múa bồng thôi con ạ”. Đạt dừng tay, không nói năng gì mà đứng dậy, cởi bỏ đôi găng tay cao su rồi đi thẳng ra ngõ cổng đứng nghiêm. Sau câu nói: “Quên sao được mà quên. Bác và anh chị xem đây...”. Nói rồi Đạt khẽ khum gối chân phải, thẳng lè chân trái, tay phải đưa lên thanh thoát, tay trái nâng lên cuộn hình trôn ốc một vòng trước ngực rồi nhẹ nhàng áp chuyển xuống hông. Mấy tay luộc sợi dừng khò, mấy em chuốt sợi tròn mắt, quên cả suốt, đầy sợi tràn rối cả ra ngoài, miệng tấm tắc: “Dồi ôi! Sao con trai gì mà tay chân dẻo quẹo vậy hả trời!”. Riêng ông Hồng thì quay đi... khóc.
Và con tim có vui trở lại?
Chúng tôi hỏi Đạt điều mà ông Hồng lo lắng: Anh múa bồng giỏi, múa bồng dẻo và rất thích thú với điệu múa dân gian này nhưng sao lại bỏ nó đi làm nghề bốc thuốc nhuộm? Đạt né cái nhìn sắc như dao của ông Hồng xoáy vào mình, lặng im hồi lâu mới nói: “Em giờ đã là người có gia đình, nên phải kiếm cái nghề cho ổn định. Múa bồng nó không phải là một cái nghề, càng không phải nghề chuyên nghiệp, chỉ đến hội mới múa. Nếu chỉ vì ba ngày diễn hội mà phải cả năm thậm chí cả đời chạy long lên ngoài đường làm hết việc này đến việc khác như bác Hồng để “nuôi” bồng thì không kham nổi, bác Hồng làm được là vì bác có một hậu phương vững chắc, con cái trong nhà có của ăn của để, ủng hộ bác hết mình nên bác chú tâm làm được... Còn em, trăm thứ bà rằn phải lo cho một gia đình mới chắc theo được mấy nổi mà hứa”.
Trước khi ra về, ông Hồng thất vọng đá liền hai “cước” vào ổ líp xe đạp bị trượt cá, nói bâng quơ: “700 ngày nữa là đến đại lễ 1000 năm Thăng Long - Đông Đô Hà Nội. Múa bồng làng mình phải vào nội đô múa dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ. Ôi giời! Không biết 700 ngày nữa có kiếm được “con đĩ” nào không đây”. Tiếng Đạt từ trong kho thuốc nhuộm nói vọng ra: “Sao bác nản sớm quá vậy? Bác không làm cháu cũng sẽ tìm cách làm cho bằng được. Không thể để thất truyền điệu múa bồng làng mình được. Chỉ có điều làm như thế nào mà thôi. Phấn son quần áo, vợ cháu nó giữ kỹ cho cháu rồi”.
Sau khi TT&VH Cuối tuần khôi phục Chuyên mục Báo động từ vốn di sản (xem TT&VH Cuối tuần từ số 45, ra ngày 7/11/2008), kênh VTC9 - Let’ Việt đã quyết định phối hợp với TT&VH Cuối tuần thực hiện phim phóng sự theo loạt đề tài đăng tải trên Chuyên mục. Theo Biên bản ghi nhớ giữa TT&VH và kênh VTC9 - Let’ Việt, bản quyền các phim phóng sự này thuộc về VTC9, TT&VH có quyền sử dụng những phim này trong mục đích tuyên truyền, phi lợi nhuận. Các phim phóng sự sẽ bắt đầu phát sóng trên kênh VTC9 vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu.
Ông Hồng hối chúng tôi ra về, quên cả chào và cảm ơn chủ xưởng nhuộm với đám thợ một câu. Ra khỏi cổng, nghoẹo sang một con ngõ bắt ra đường làng, chợt ông dừng xe, loay hoay nhặt một viên gạch bên lề đường ấn vào chỗ viên gạch cổ lát đường vừa bị xới tung. Ông bảo: “Múa bồng cũng sẽ bị nát băm như con đường gạch cổ này nếu như nó còn nằm ngoài ý thức của con người nơi đây. Vừa nãy thằng Đạt nó nói làm tôi sướng muốn đá mông nó quá. Nó là viên gạch quý sẽ chẹn vào lỗ hổng thế hệ chúng tôi chưa làm được.”
Trên đường về, chúng tôi phải đi qua nhà cụ Bùi Văn Tốt. Chẳng hiểu có chuyện gì mà vừa khi ngoặt vào lối rẽ, đã thấy cụ “đón lõng” từ bao giờ. Cụ cầm tay ông Hồng hồ hởi: “Tốt rồi Hồng ạ. Ông vừa dụ được thằng cháu ngoại nữa vào múa bồng đấy, sướng không. Thằng này cặp với “đĩ Đạt” rồi thì còn gì bằng...”. Nói rồi cụ Tốt chẳng cần để ý gì đến chúng tôi, lôi tuốt ông Hồng vào nhà, leo luôn lên phản nhờ ông Hồng “ôn bài” cho cụ để “phòng khi mày bận việc, tao sẽ dạy thay”.
Ông Hồng cảm động, chỉ biết đáp “vâng” rồi “xuống thế ôn bài” cho ông thày một thuở vang danh làng xã. Ngắm nhìn hai cụ huơ tay, múa chân quấn quýt lấy nhau, uyển chuyển trong điệu múa bồng, hổn hển tiếng thở, lã chã mồ hôi trong khi tiết trời đã lạnh, thể hiện “thực tâm” với “khúc ruột văn hóa của cha ông” để lại cho làng Triều Khúc này, chúng tôi thấy vui.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất