Tranh luận quanh chiến dịch bảo vệ chó: Không đánh đồng 'chém lợn' với 'thịt chó'

16/04/2015 07:04 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Chiến dịch truyền thông “Về đi Vàng ơi!” do Liên minh Bảo vệ chó châu Á phát động đang gây những tranh luận trái chiều. Những người phản đối cho rằng sự can thiệp của một tổ chức quốc tế với con mắt bên ngoài vào một tập quán lâu đời của người Việt là không nên. Còn những ý kiến ủng hộ cho rằng, đây là một hoạt động cần thiết vì nhu cầu phát triển của cộng đồng.

Để rộng đường dư luận, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với TS Triết học Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục.

Một triệu chữ ký bảo vệ chó

Vào ngày 14/4 vừa qua, Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á (ACPA) đã phát động chiến dịch “Về đi Vàng ơi!”. Theo đó, chiến dịch kêu gọi chấm dứt nạn đánh cắp, buôn lậu chó, giết mổ lấy thịt và đối xử tàn nhẫn với chó. Chiến dịch hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu chữ ký của người Việt đồng thuận quan điểm trên để tạo sự thay đổi trong nhận thức và hành vi ứng xử với loài chó ở Việt Nam.

Website chính thức của chiến dịch đã chia sẻ clip hàng loạt người người nổi tiếng cùng lên tiếng ủng hộ chiến dịch và kêu gọi cộng đồng ký tên. Nhạc sĩ Quốc Trung, ca sĩ Thu Minh, Uyên Linh, Chi Pu, Suboi, Trúc Nhân, Trung Quân Idol, đạo diễn Charlie Nguyễn... lần lượt nói lên những hệ lụy quanh tập quán ăn thịt chó ở Việt Nam như: nạn trộm chó, buôn lậu chó, giết chó...     


Thịt chó được xem là món “khoái khẩu” của không ít người Việt

Chiến dịch truyền thông đã đạt hiệu quả mạnh. Đường dẫn vào website của chiến dịch “Về đi Vàng ơi!” được share khắp trên các diễn đàn, mạng xã hội. Theo thống kê, sau chưa đầy 2 ngày (từ ngày 14/4 tới cuối giờ chiều ngày 15/4), số lượng chữ ký đạt được là hơn 80 ngàn. Con số vẫn tăng từng phút từng giây...

Nhưng, sự đồng thuận không đến từ tất cả mọi người. Nhiều quan điểm trái chiều từ dư luận cho rằng chiến dịch trên của ACPA lại là một dạng thức áp đặt văn hóa, xóa nhòa đa dạng văn hóa, tập tục bản địa. Nói cách khác, sự tự cân bằng, diễn tiến tự nhiên trong nội hàm văn hóa đang bị đe dọa từ những tiền lệ như chiến dịch “Về đi vàng ơi!”.

Không áp đặt văn hóa!

Đồng tình với quan điểm không được đứng ở nền văn hóa này, phán xét nền văn hóa khác, TS Nguyễn Văn Vịnh cho hay: Như đã trả lời Thể thao & Văn hóa nhân vụ việc chém lợn tại thôn Ném Thượng, tôi hoàn toàn đồng ý việc văn hóa là sự khác biệt và không được cưỡng bức văn hóa. Nhưng trong vụ việc này, tôi không cho rằng ACPA đang áp đặt văn hóa. Và dư luận không nên nhầm bản chất hai vụ việc.

Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, cách tiếp cận vấn đề của ACPA rất thận trọng, kín kẽ và tôn trọng chủ thể văn hóa. Cụ thể, “mục tiêu đích” của chiến dịch hướng tới là người Việt, những chủ thể của tập quán ăn thịt chó. Và ACPA đã để những người Việt có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng lên tiếng kêu gọi người Việt thay đổi chứ không ra mặt tác động từ bên ngoài. Thêm nữa, cuộc vận động ký tên này là sự “biểu quyết” của những cá thể trong cộng đồng. Nó khác hoàn toàn chuyện những người ngoài cộng đồng thôn Ném Thượng ký tên yêu cầu dân làng phải “chấm dứt” lễ hội truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Vịnh chia sẻ: “Lời kêu gọi của ACPA thể hiện sự tôn trọng, chúng ta nên cầu thị suy xét đúng - sai để đưa ra quyết định thay vì phản kháng dữ dội một cách vội vã”.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Vịnh cũng thừa nhận, dù chiến dịch có đạt được 1 triệu chữ ký thì việc ngừng “giết mổ lấy thịt chó” như lời kêu gọi của ACPA vẫn là rất khó khăn. “Vì những gì đã ăn sâu vào phong tục, tập quán, thì rất khó nhổ tận gốc, trốc tận rễ trong một sớm một chiều. Nhưng, việc thay đổi dần dần bằng những chiến dịch như “Về đi Vàng ơi!” đang tạo những sự thay đổi rõ rệt về quan niệm ăn thịt chó ở Việt Nam” - ông Vịnh nói - “Và khi những cá thể trong cộng đồng đủ nhiều để nói không với thịt chó thì nhu cầu về thịt chó ở Việt Nam sẽ giảm mạnh. Nạn trộm chó, buôn lậu chó vì thế cũng bớt nhức nhối. Nhưng tất nhiên, đây là câu chuyện ở tương lai xa, với điều kiện những tổ chức như ACPA phải bền bỉ đấu tranh vì sự thay đổi qua nhiều chiến dịch tương tự”.

Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA) được thành lập vào tháng 5 năm 2013, gồm bốn tổ chức bảo vệ động vật quốc tế: Tổ chức Động vật châu Á, Tổ chức Thay đổi vì Động vật, Tổ chức Nhân đạo Quốc tế và Tổ chức Soi Dog.

Nhiều vụ giết người trộm chó

Ngày 19/12/2014, tại thông Bằng Phú, xã Thạch Bình (Thanh Hóa), 4 đối tượng bị nghi câu trộm chó đã bị người dân đánh hội đồng khiến cho 2 đối tượng chết tại chỗ, hai người bị thương nặng được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngày 28/8/2014, đối tượng Trần Văn Hải (Thanh Hóa) cùng đi với một người nữa đến thôn Tân Thọ ăn trộm được một con chó. Trên đường tẩu thoát, Hải bị người dân bắt được và đánh trọng thương rồi sau đó chết trên đường đến bệnh viện.

Ngày 7/6/2012, Nguyễn Đình Phong (27 tuổi ở Nghệ An) cùng một đối tượng khác đi câu trộm chó bị người dân đuổi bắt và đánh chết.

P.V (tổng hợp)

Thăm dò ý kiến

Bạn đồng ý hay phản đối việc ăn thịt chó?


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm