27/10/2020 19:26 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc tiến vào đất liền các tỉnh miền Trung, sức gió mạnh nhất giật cấp 16, biển động dữ dội sóng biển cao từ 8-10 m.
Liên tục cập nhật
Bão số 9 mạnh thêm lên tới giật cấp 17 đổ bộ từ Đà Nẵng đến Phú Yên
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tối và đêm 27/10, bão số 9 gây mưa rất to kèm gió mạnh trên đất liền tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10. Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10.
Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200 mm/đợt.
Từ ngày 28-31/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4 - Cấp rủi ro rất lớn.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 320 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 15. Trong bán kính khoảng 300 km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên; bán kính khoảng 150 km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên.
Từ 4 giờ ngày 27/10 đến 4 giờ ngày 28/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165 km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông từ 4 giờ ngày 27/10 đến 4 giờ ngày 28/10 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) gồm: Từ vĩ tuyến 11,0-18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Từ 4 giờ ngày 28/10 đến 4 giờ ngày 29/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25 km, đi vào đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở đất liền khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Cảnh báo khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10 m; biển động dữ dội.
Từ trưa và chiều 27/10, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió Đông Bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5 m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cơn bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Cơn bão này đã làm 123 người chết, mất tích; 134.000 nhà, hơn 73.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại Quy Nhơn, Bình Định. Thiệt hại vật chất của cơn bão Damrey lên đến hơn 22.000 tỷ đồng.
Để ứng phó với bão số 9, các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận đã thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền, phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của bão; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng, khu neo đậu; gia cố, di dời, đảm bảo an toàn cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.
Theo các chuyên gia, người dân nên chuẩn bị kỹ các phương án trước khi bão đổ bộ. Theo đó, người dân nên kiểm tra hệ thống thoát nước của căn nhà để thông tắc nếu cần; dự trữ đủ thực phẩm và nước uống cho vài ngày, lý tưởng nhất là các thực phẩm đóng hộp để phòng khi không thể nấu nướng; kê mọi thứ trong nhà lên cao, nhất là các vật dụng có điện để nước không ngấm vào trong khi nước tràn vào nhà; thu hoạch nông sản ngay lập tức; neo đậu tàu thuyền vào chỗ an toàn; sơ tán ngay khỏi vùng trũng, đất dốc hoặc nguy hiểm; luôn luôn dự trữ đèn pin, nến, pin và hộp cứu thương; cập nhật tin tức về đường đi của bão và thường xuyên theo dõi diễn biến của bão.
Dự báo các khu vực ngày và đêm 27/10
Phía Tây Bắc Bộ sáng và đêm nhiều mây, có mưa vài nơi, trời lạnh; trưa chiều trời nắng. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất từ 18-21 độ C, có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 26-29 độ C, có nơi trên 30 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ sáng và đêm nhiều mây, có mưa vài nơi, trời lạnh; trưa chiều trời nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ 20-23 độ C, vùng núi có nơi dưới 20 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Thủ đô Hà Nội sáng và đêm nhiều mây, có mưa vài nơi, trời lạnh; trưa chiều trời nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ 21-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác, riêng phía Nam đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 3; riêng Thừa Thiên-Huế đêm có gió mạnh dần lên cấp 4-5, sau tăng lên cấp 6-8. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, ngày có mưa rào và dông rải rác; đêm có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to, riêng phía Bắc có mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 3; vùng ven biển phía Bắc đêm có gió cấp 4-5, sau tăng lên cấp 6-7, giật cấp 8. Nhiệt độ thấp nhất từ 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.
Tây Nguyên nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi; chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, riêng phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.
Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây đến Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 30-33 độ C.
Huyện đảo Trường Sa chủ phòng các phương án phòng chống
Sáng 27/10, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, hiện nay, quần đảo Trường Sa đã có sóng nhỏ, một số tàu thuyền ngư dân cơ động vào tránh trú bão.
“Hiện tại, đã có 61 tàu thuyền neo đậu tại các điểm trên quần đảo Trường Sa. Tại các đảo, ngư dân được cấp nước ngọt miễn phí và giúp bà con sửa chữa một số máy bơm nước, máy phát điện. Lực lượng quân y của đảo đã có các phương án thăm khám, cấp thuốc, cấp cứu ngư dân. Huyện tiếp tục tổ chức các phương án theo phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men để phòng, chống bão”, ông Hải thông tin thêm.
Tỉnh Khánh Hòa chủ động các biện pháp ứng phó bão số 9. Tỉnh đã ra công điện khẩn chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác ứng phó với bão. Một số địa phương, đơn vị trong tỉnh đã hoàn thành công việc chuẩn bị ứng phó. Một số nơi vẫn đang tiếp tục tổ chức thông tin, cảnh báo cho người dân nắm bắt diễn biến của bão số 9 để chủ động ứng phó, sơ tán trong tình huống bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Cũng trong sáng 27/10, Bộ Quốc phòng tổ chức Đoàn công tác vào kiểm tra và thị sát tại các điểm xung yếu của thành phố Cam Ranh, sau đó làm việc với tỉnh Khánh Hòa về tình hình phòng, chống bão số 9.
Theo Ủy ban nhân dân Khánh Hòa, tỉnh hiện có hơn 170 vị trí sạt lở, ảnh hưởng đến khoảng hơn 23.000 người dân. Toàn tỉnh có hơn 2.500 bè (tương đương 53.000 lồng) với khoảng 8.000 lao động. Cảng cá Hòn Rớ - điểm tránh trú bão lớn nhất Khánh Hòa, hiện đã có 600 tàu thuyền vào neo đậu.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đa số các hồ chứa nước có dung tích trung bình đạt 40-50% dung tích thiết kế (tính đến sáng 27/10). Riêng hồ chứa nước Suối Dầu hiện đã đạt 74%, hồ Am Chúa đạt 79% dung tích thiết kế. Trong các đợt mưa lớn vừa qua, các hồ có dung tích chứa cao cũng đã vận hành điều tiết để hạ thấp mực nước chủ động đón lũ, với dung tích xả từ 20-40m3/s.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất