Và bão lũ luôn là lịch sử...

11/10/2010 07:38 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Không có bão, nhưng miền Trung mấy ngày nay vẫn ngập tràn đau thương bởi đột ngột mưa lũ lớn. Tin từ Hà Tĩnh, Quảng Bình cho biết chưa bao giờ mưa to và dồn dập như vậy. Lũ các sông lên rất nhanh, tại sông Gianh đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2003, sông Kiến Giang vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1992. Những người có trách nhiệm tại đây cho biết: không lường được lượng mưa quá lớn, chỉ mấy ngày mà bằng một nửa lượng mưa của tỉnh trong cả năm (trung bình mỗi năm Quảng Bình mưa khoảng 2.200-2.500 mm), nên dù biết có mưa to từ mấy hôm trước, vẫn trở tay không kịp…

Bởi cơn lũ nào cũng là “lịch sử” nên những cảnh báo và cả những phương án phòng chống đã không được đưa ra kịp thời. Nhiều người dân không nghe được các thông tin về phòng chống lũ lớn, lũ đã xảy ra rồi mà vẫn không nghĩ lũ lại mạnh như vậy!

Trách ai bây giờ, chẳng lẽ trách lịch sử?


Nước lũ tràn ngập các huyện Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Nguồn: báo VnExpress
Lịch sử dạo này gặp phiền toái như thế cũng là nhiều rồi. Ví dụ lớn nhất là phiền toái trong điện ảnh! Những phim liên quan đến lịch sử đều bị chỉ trích, có phim thậm chí chỉ trích gay gắt ngay từ khi phát trailer có 2 phút. Mặc dù đã có ý kiến chính thức từ các nhà quản lý văn hóa là không chiếu Đường tới thành Thăng Long trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dư luận vẫn khó dừng do lòng tự ái dân tộc. Nhà làm phim sau khi bỏ ra cả trăm tỷ đồng đành ngậm đắng nuốt cay nghe những lời mắng mỏ dữ dội về sự kém văn hóa và hiểu biết. Đại khái mua danh ba vạn, bán danh chẳng được đồng nào (thực ra ý định bán danh của họ không lớn bằng ý định bán phim). Thực ra, việc nước nhà không có trường quay suốt ngần ấy năm dịp này người ta không bới ra như một nguyên nhân chính để những ai muốn làm phim lịch sử (để bán hay để chào mừng cũng vậy), có chỗ mà quay cho ra hồn phim Việt, bối cảnh Việt, diễn viên Việt và trang phục Việt, cũng có một lý do thường được gọi bằng tên: do lịch sử để lại.

Dường như việc cả làng lên tiếng khiến một số người xem bỗng dưng thấy nên cởi mở và rộng lượng với những nhà làm phim lịch sử non trẻ và “mạo hiểm”, đã bỏ tiền của, công sức vào thể tài khó nhưng rất có thể là màu mỡ sau này... (màu mỡ về mặt bán phim). Và cách thức để tỏ ra rộng lượng tốt nhất có thể tức là không coi những phim đã làm về vua Lý Công Uẩn là phim lịch sử. Một khi là phim cổ trang hoặc dã sử, tác phẩm điện ảnh chứ không phải phim tài liệu (phim tài liệu chẳng lẽ không phải tác phẩm điện ảnh?), thì hư cấu cứ việc thoải con gà mái, vua nhà Lý nước ta mặc như vua nhà Tống nước Trung Hoa cũng cần được cảm thông. Các nhà sử học, theo lời khuyên của một nhà sử học, là nên khiêm nhường. Nghiên cứu bao năm nay rồi mà đâu đã đem lại cho đất nước một nguồn sử liệu chắc chắn rõ ràng để các nhà làm phim biết được thời nào thì trang phục thế nào, lại đi phẫn nộ về lịch sử…

Hẳn là sau đại lễ, với lòng rộng lượng như vậy, Hội đồng nghệ thuật sẽ kệ cho Đường tới thành Thăng Long có đường tới màn ảnh truyền hình theo cách đã công bố “đài nào phát đài nấy chịu trách nhiệm...”. Vị vua có công dời đô cứ việc ăn mặc sao cho… đẹp. Phim là phim cổ trang mà, lịch sử chuyển thành dã sử.

Chỉ có bão lũ là luôn luôn lịch sử, không bão lũ dã sử bao giờ!

Remote

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm