05/06/2019 08:46 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, nhiều nhà nghiên cứu, khoa học đã thẳng thắn báo động tình trạng mất dần tiếng nói chữ viết, trang phục, nhạc cụ, kiến trúc nhà ở truyền thống… ở vùng đồng bào DTTS.
Việc tìm kiếm lời giải cho “bài toán” trên trong bối cảnh hiện đại hóa đất nước là hết sức cấp thiết.
Đến TS cũng không thể nói tiếng đồng bào mình
TS Bàn Quỳnh Dao chia sẻ: “Bố tôi làm nghiên cứu sinh 9 năm tại Liên Xô (cũ), tiếp xúc và sử dụng thành thạo tiếng Nga và tiếng Trung Quốc, nhưng mỗi khi về quê, bố tôi vẫn sử dụng tiếng Dao Tiền để giao tiếp với mọi người trong bản. Bố tôi sinh được ba người con, trong đó có tôi và anh trai tôi là những người đi theo nghiệp nghiên cứu của bố tôi nhưng cả ba anh em chúng tôi không thể sử dụng thành thạo một loại tiếng Dao nào của dân tộc mình”. Không chỉ mất dần ngôn ngữ, theo TS Vũ Thị Thanh Minh, kinh tế thị trường cũng có tác động không nhỏ đến sự mai một của các nghề thủ công truyền thống. Sản phẩm thổ cẩm công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, vì vậy công việc trồng bông, trồng lanh, dệt vải vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức không còn giữ vai trò quan trọng đối với người phụ nữ như trước đây, nhất là lớp trẻ.
Hầu như các loại trang phục hiện nay của đồng bào dân tộc được mua sẵn ngoài chợ với mẫu mã đa dạng, hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều nghi lễ được phục dựng nhưng đã khá xa so với nguyên bản. Những sinh hoạt văn hóa vốn là cơ sở gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng nay đã mất dần không gian xã hội để tiếp tục tồn tại. Theo khảo sát của PGS.TS Phạm Văn Lợi về nhà ở của người Cơ Tu tại thôn Agrồng (xã Atiêng, Tây Giang, Quảng Nam), nhiều ngôi nhà sàn của đồng bào đã có sự thay đổi về loại hình. Ví như từ nhà dài sang nhà ngắn, từ nhà sàn xuống nhà đất, từ nhà có nóc mái hình mai rùa sang nhà 2 mái hoặc 4 mái 2 mái phụ hình thang cân.
Đồng thời, kết cấu của ngôi nhà truyền thống cũng có sự biến đổi với sự xuất hiện của vì kèo; sử dụng kĩ thuật liên kết bằng mộng luồn và mộng thắt kết hợp với các loại đinh kim loại thay thế cho liên kết bằng ngoãm và dây buộc; từ việc sử dụng cỏ tranh, lá mây hay lồ ô/tre sang sử dụng các loại vật liệu mới như tôn và fiprôximăng…
“Không nên nghĩ hộ đồng bào”
PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn quen với quan điểm tiếp cận di sản văn hóa từ góc độ giá trị, kiểu như cái gì cũng là “vô giá” mà chưa tìm cách lượng hóa cụ thể các giá trị đó, trong khi đây là vấn đề không hề đơn giản. Đồng thời chưa nhận thức được toàn diện hoặc còn coi nhẹ yếu tố kinh tế học trong di sản. Yếu tố kinh tế của di sản được biểu hiện 3 mặt cụ thể: tự thân di sản văn hóa cũng là tài sản vật chất có thể định giá được (nguyên vật liệu, công sức lao động sáng tạo của nhiều thế hệ, đất đai/ bất động sản gắn với di tích); di sản văn hóa với tư cách nguồn động lực mới cho sự phát triển; di sản văn hóa là tài nguyên nhân văn quan trọng chiếm tỉ trọng lớn và có tác dụng làm gia tăng cho một sản phẩm du lịch và điểm đến du lịch”.
Từ thực tế công tác bảo tồn văn hóa dân tộc ở vùng núi phía Bắc, TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt nam nhấn mạnh phải tôn trọng đời sống tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của các DTTS. Thực tế, trong cộng đồng DTTS ở Tây Bắc, hệ thống các thầy cúng đều là các nghệ nhân có uy tín đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa.
Ông Sơn cũng góp ý cần bảo tồn và phát huy chữ viết truyền thống, xây dựng một số bộ chữ viết phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa của các DTTS, không áp đặt nghĩ hộ đồng bào, sáng tạo thay cộng đồng về chữ viết. Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị di sản phải gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bảo vệ, tôn trọng ý kiến của cộng đồng, đề cao vai trò của cộng đồng và cộng đồng là chủ thể được hưởng lợi; không nhất thiết người dân phải từ bỏ kinh tế truyền thống chạy theo du lịch mà tiến hành song song hai hoạt động; triển khai làm du lịch theo hướng trải nghiệm (dệt thổ cẩm, canh tác ruộng bậc thang, đánh bắt cá dưới ruộng lúa hay sông suối…); phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng tính đặc thù của mỗi tộc người tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù.
Theo GS Lưu Trần Tiêu, trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa DTTS thời kỳ 4.0, việc số hóa những dữ liệu cốt lõi gắn với bản sắc văn hóa đặc thù của các dân tộc là hết sức cần thiết. Từ đó, có thể lựa chọn đăng tải trên các phương tiện truyền thông (như mạng xã hội) và truyền hình, để đông đảo người dân, nhất là giới trẻ có điều kiện tiếp cận, tương tác, tìm hiểu thuận lợi hơn.
Quách Nga/ Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất