(lienminhbng.org) - Mỗi ngày với ông Javier Aguirre bắt đầu bằng việc đọc bốn tờ báo thể thao khác nhau. Không ngày nào, HLV của Espanyol không tức giận vì những thông tin trên các tờ báo đó.
Với người hâm mộ túc cầu, Espanyol không gì khác hơn là một CLB bóng đá khác ở cùng thành phố với đội bóng mang cái tên FC Barcelona.
Giữa Barca và Espanyol không chỉ là câu chuyện về bóng đá
Ở thành phố này, nhầm lẫn là chuyện thường ngày. Đấy là lý do khiến Aguirre luôn nổi giận vì đội bóng của ông xuất hiện quá ít trên mặt báo (các trang báo luôn lấp kín hình ảnh Lionel Messi và Barca). Aguirre không giấu được bức xúc khi kể câu chuyện về sự nghiệp của mình ở thành phố này. Không, ông không biết Messi. Không, ông không biết thứ được gọi là chiến thắng ở Camp Nou. Không, ông không phải bạn bè của Pep Guardiola.
Aguirre nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây tại sân tập của Espanyol: “Chúng tôi giống như máy bay phản lực đến từ New York hay đại loại như vậy.”
Bài phỏng vấn về đội bóng của ông chỉ lướt qua tờ báo địa phương như một du khách ngắn ngày (giống một chiếc phản lực quá còn gì?) trong khi mọi trang trên tờ báo ấy là những câu chuyện về Barca.
Ông Javier Aguirre thừa nhận Espanyol căm ghét Barca - Ảnh: Getty
Aguirre tiếp tục: “Chúng tôi là đội bóng thứ 2 ở thành phố này. Nhưng vẫn có những chuyện tốt đẹp (với chúng tôi). CĐV của chúng tôi rất cuồng nhiệt, thật mạnh mẽ trong rất nhiều chuyện - nhất là chuyện căm ghét Barca.”
Nguyên nhân nào dẫn tới sự căm ghét ấy: Tiền bạc? Danh tiếng? Sự khác biệt về khu vực địa lý? Có lẽ là tất cả. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất phải tới từ một chuyện khác.
Barca là được coi là CLB đại diện chính thức của xứ Catalunya. Đội bóng này và người hâm mộ của họ ủng hộ và có liên hệ mật thiết với những bước đi đòi độc lập của xứ Catalunya. Espanyol, theo chiều ngược lại, ủng hộ chỉnh thể Tây Ban Nha đoàn kết và thống nhất. Cuộc chiến đòi độc lập cho xứ Catalunya đã luôn là chủ đề chính trị nóng của Tây Ban Nha và thế giới suốt hàng thập kỷ qua. Nó bao trùm lên đời sống văn hóa, xã hội của xứ sở này. Việc Espanyol ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất là quá đủ để người Barca căm ghét họ còn hơn cả đại kình địch Real Madrid.
Hãy nghe Albert Riera, 28 tuổi, người đã hâm mộ Barca từ khi còn là một cậu bé, chia sẻ: “Tôi thực sự căm ghét Espanyol hơn là ghét Madrid. Người hâm mộ Espanyol cảm thấy họ có chất Tây Ban Nha nhiều hơn chất Catalunya. Thật không may, chính trị đóng một vai trò lớn trong chuyện này.”
Riera tiếp tục: “Theo quan điểm của tôi, Espanyol nên chuyển tới một quốc gia khác.”
Ở xứ Catalunya này, quan điểm của Espanyol là không hề khôn ngoan. Chính chủ tịch CLB, Joan Collet, thừa nhận ông muốn CLB của mình chỉ tập trung vào bóng đá. Nhưng kể cả khi đã loại bỏ chuyện chính trị, đại chiến vào rạng sáng mai vẫn duy trì sự căng thẳng cao độ.
Espanyol từng dâng một danh hiệu Liga của Barca cho Real
Với Barca vĩ đại, đội bóng đã giành 22 chức vô địch Liga và 4 chức vô địch châu Âu, trận đấu này là cơ hội cho người đàn anh của Catalunya dạy dỗ cậu em (và họ thường thành công). Trong 12 trận gần nhất giữa 2 đội, Barca thắng 8 lần. Trong suốt chiều dài lịch sử, Barca chỉ thua 43 trong số 191 trận.
Với Espanyol, sự thống trị của đế chế Barca càng khiến trận derby trở nên có ý nghĩa hơn. Ngay cả khi đội bóng của Aguirre chỉ còn là một CLB hạng trung (đang xếp thứ 8 ở Liga), mùa giải của họ vẫn sẽ đầy ý nghĩa nếu có những kết quả tích cực trước Barca.
Thắng Barca mới là hạnh phúc lớn nhất - Ảnh: Getty
Một ví dụ hồi năm 2007, Espanyol kết thúc Liga ở vị trí thứ 11. Nhưng mùa bóng ấy vẫn là một thành công rực rỡ khi Raul Tamudo ghi bàn ở phút 90 mang về trận hòa 2-2 cho Espanyol ngay tại Camp Nou. Thắng lợi ấy là nỗi đau rất lớn với Barca bởi nó đã trực tiếp tước chức vô địch khỏi tay đội bóng và trao nó lên tay Real Madrid. Hôm ấy, Tamudo là người hùng của Espanyol và phần còn lại của Tây Ban Nha. Huyền thoại của Espanyol chia sẻ trong hạnh phúc: “Ở bất kì nơi đâu tôi đến, đều có người hâm mộ Madrid cảm ơn tôi.”
Nhưng ngày xưa ấy đã xa rồi. Lần cuối cùng Espanyol có được thắng lợi trước Barca là hồi năm 2009. Trong khi đội bóng của Messi tiếp tục là 1 trong 2 thế lực lớn nhất Tây Ban Nha và liên tục tiến sâu ở Champions League, Espanyol thậm chí gặp khó khăn trong việc giành vé tới châu Âu. Những thời khắc vinh quang nhất của họ cũng đều thuộc về quá khứ. Và đó là những kí ức không trọn vẹn. Hai lần lọt vào Chung kết UEFA Cup hồi năm 1988 và 2007, Espanyol thua cả hai.
Collet đã gọi người hàng xóm Barca ở thời điểm này là “một con quái vật” hay “một cây cổ thụ khổng lồ”. Với Espanyol, phải sống cùng thành phố với gã hàng xóm này là một thử thách không nhỏ.
Sự vĩ đại của Barca làm tổn thương Espanyol, tổn thương xứ Catalunya
Sự áp đảo về tài chính của Barca và Real Madrid cũng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Hai gã khổng lồ này nhận quá nhiều tiền từ bản quyền truyền hình trong khi số CLB còn lại chỉ có những khoản thu rất rẻ mạt. Làm sao cạnh tranh được khi Barca và Real nhận hơn một nửa tổng số tiền bản quyền truyền hình? Lợi thế về tài chính của Barca khiến Espanyol và các CLB khác tại địa phương luôn phải vật lộn để giữ lại những tài năng trẻ dưới bàn tay bạch tuộc của đối thủ. Collet căm phẫn: “Sự vĩ đại của Barca làm tổn thương nền thể thao xứ Catalunya rất nhiều.”
Khoản lợi nhuận đến từ quảng cáo của các doanh nghiệp địa phương cũng không được phân chia hợp lý bởi sự có mặt của Barca. Đến cả áo đấu bán ra cũng bị giới hạn. Theo Jose Maria Gay de Liebana, giáo sư kinh tế ở Đại học Barcelona, hầu hết áo đấu bán được của Espanyol bước ra thị trường theo 3 cách: những áo đấu lưng trắng - không in tên, những áo đấu có tên của CĐV gắn sau lưng và những áo đấu lưu tên Dani Jarque (tài năng trẻ nổi tiếng của Espanyol qua đời hồi năm 2009 vì đột quỵ). Chuyện này phản ánh điều gì? Không cầu thủ nào của Espanyol có thương hiệu đủ mạnh để khiến CĐV mua áo đấu. Một trong những nguồn doanh thu quan trọng nhất của CLB phải phụ thuộc vào tên tuổi của cả tập thể hoặc tên tuổi của một ngôi sao đã qua đời. Nghiệt ngã!
Dani Jarque, cái tên nổi tiếng của Espanyol, qua đời quá sớm vì đột quỵ - Ảnh: Getty
Trong khi ấy, cả thế giới vẫn không ngừng săn lùng áo đấu của Messi, Xavi Hernandez hay Gerard Pique.
Bất chấp tất cả, những CĐV chân chính của Espanyol vẫn luôn giữ niềm tự hào với đội bóng của họ. Ở cái thành phố mà gần như tất cả những đứa trẻ đều muốn trở thành Messi hay Xavi mới, vẫn còn những cậu bé mang hi vọng được làm Raul Tamudo (huyền thoại có hơn 120 bàn sau gần 350 trận cho Espanyol).
Cậu bé Sergi Fischer nói với vẻ chững chạc vượt quá cái tuổi 13 của mình: “Nếu bạn là người hâm mộ Espanyol, bạn sẽ có một cuộc sống đầy cảm xúc. Barca luôn giành chiến thắng, vì thế, bạn chẳng trải qua chuyện gì cả.”
Dưới thời Aguirre, người hâm mộ Espanyol thấy hạnh phúc với lối chơi của đội bóng. Espanyol ấy thực dụng hơn, trực diện và tích cực hơn nhiều so với Barca vẫn trung thành với phong cách kiểm soát bóng. Một điểm cộng khác: CLB này mới có SVĐ, mở cửa cách đây 4 năm. Tại El Prat, bầu không khí lễ hội luôn hiện diện.
Với Espanyol, tích lũy tài chính để bù lại số tiền đã bỏ ra cho SVĐ là ưu tiên hàng đầu. Lý do rất đơn giản. Việc xây dựng El Prat tiêu tốn tổng cộng 70 triệu euro (96,5 triệu USD). Trong khi ấy, tổng kinh phí hoạt động hàng năm của CLB chỉ là 50 triệu euro.
Sức mạnh tài chính của Espanyol có hạn - Ảnh: Getty
Một so sánh đơn giản. Chỉ riêng hợp đồng cho tân binh Neymar trong mùa Hè đã lấy của Barca 57 triệu euro. HLV Aguirre tỏ ra rất sốc: “60 triệu euro cho một cầu thủ ư? Chúng tôi từng trả 750.000 euro cho 8 cầu thủ. Chúng tôi không thể cạnh tranh với họ. Chúng tôi phải tìm cho ra những cầu thủ dưới những tảng đá xù xì (ám chỉ những cầu thủ vô danh).”
Những cái tên Espanyol đang có lúc này là sự tập hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Một vài cầu thủ của Espanyol còn sở hữu kinh nghiệm chinh chiến cho Barca. Đó là Simao Sabrosa, người từng đá cho Barca từ năm 1999 tới 2001. Sabrosa thừa nhận anh không ít lần phải lên tiếng giải thích về đội bóng của mình: “Đầu tiên, tôi nói mình chơi bóng ở Barcelona. Sau đó, tôi phải nói tiếp rằng ‘tôi đang thi đấu cho Espanyol”.
Sự nổi tiếng của Barca là không phải bàn cãi. Thương hiệu Barca có thể được nhìn thấy trên toàn thế giới. Các kênh truyền hình nói về đội bóng này mỗi ngày, kể cả khi mùa giải đã kết thúc. Những đài phát thanh hiếm khi hướng sự tập trung rời khỏi Messi và ban nhạc của cậu ta.
Ông Aguirre kết thúc cuộc đối thoại bằng việc chỉ vào một tờ báo trên mặt bàn: “Hãy nhìn này. Trang 40, trang 40 đó. Ở trang 39, người ta kể chuyện về đội trẻ Barcelona. Còn đây là trang 40. Chúng tôi thậm chí còn xếp sau đội trẻ của họ.”
Minh Chiến
Theo NYTimes