20/07/2016 05:36 GMT+7
(lienminhbng.org) - Ngoài bộ ba tấn công “MSN” (Messi - Suarez - Neymar), có lẽ “Henrik Larsson mới” là khái niệm được nhắc đến ở Barca trong hơn một năm nay. Nhưng Barca vẫn chưa có lời giải cho bài toán này.
Miệt mài tìm “Larsson mới”
Trước hết, cần nhắc lại khái niệm “Larsson mới”. Mùa Hè 2004, ở ngưỡng tuổi 33, Larsson đến Barca với hợp đồng 2 năm. Trước những hoài nghi về gánh nặng tuổi tác, “siêu dự bị” người Thụy Điển có những đóng góp lớn vào thành công của Barca kỷ nguyên Frank Rijkaard. Anh ghi 19 bàn sau 58 lần vào sân. Larsson đặc biệt nổi bật khi vào sân từ ghế dự bị trong trận Chung kết Champions League 2005-06, giúp Barca ngược dòng hạ Arsenal 2-1.
10 năm kể từ khi Larsson ra đi, Barca vẫn thường tìm kiếm một tiền đạo lớn tuổi phù hợp với lối chơi của CLB. Theo thời gian, khái niệm “Larsson mới” cũng được mở rộng hơn. Không còn đơn thuần là cầu thủ lớn tuổi, mà “Larsson mới” giờ được hiểu như một cầu thủ chấp nhận dự bị cho bộ ba “MSN”, và khi vào sân thì biết tỏa sáng.
Dưới thời Luis Enrique, “Larsson mới” càng được nhắc đến nhiều hơn nữa. Sau khi Pedro Rodriguez chủ động dứt áo ra đi vì chỉ được đá 40% số trận, Barca không còn nhân tố chất lượng để có thể giảm tải cho “MSN”. Munir và Sandro Ramirez (đã sang Malaga) chưa đủ tuổi. Nhóm thư ký kỹ thuật có 4 người của Barca luôn hoạt động hết công suất, nhưng họ vẫn chưa đạt được mục đích.
Trong thời gian qua, người ta nói về rất nhiều mục tiêu. Lớn tuổi có Luca Toni. Ở ngưỡng cửa tuổi “băm” là Robin van Persie và Mario Gomez. Sau đó, Barca hướng mục tiêu vào những người ở đỉnh cao phong độ, từ Nolito đến Ben Arfa; rồi quay sang các cầu thủ trẻ tài năng, như Osmane Dembele và gần nhất có Luciano Vietto. Hoặc cầu thủ hết thời như Pato.
Chìa khóa để cho danh hiệu
Ít nhất đã có 7 cái tên được Barca liên hệ, nhưng không một ai đến với họ. Barca đã thiếu mặn mà trong việc liên hệ với Toni, người vừa treo giày ở tuổi 39, sau khi khiến cả Serie A ngỡ ngàng với Verona. Trong khi đó, Mario Gomez và Van Persie đều chờ đợi với tâm trạng không chắc chắn, để rồi cả hai hội ngộ đất Thổ Nhĩ Kỳ. Gomez thì khoác áo Besiktas, trước khi trở lại Fiorentina mùa Hè này. Fenerbahce là nơi Van Persie dừng chân sau khi rời Man United.
Nolito thì sao? Anh sang Man City để làm việc cùng Pep Guardiola. Riêng Ben Arfa cập bến PSG. Vậy, vấn đề của Barca là gì? Họ kỳ kèo từng đồng trong việc đàm phán với Celta Vigo, khi được yêu cầu 18 triệu euro. Man City trả bằng đúng con số ấy, và lấy được Nolito. PSG thì chấp nhận trả lương cao hơn Barca, để lấy Ben Arfa theo dạng tự do. Trước đó, Pato cũng sang Chelsea với lương hấp dẫn hơn.
Còn Dembele? Viên ngọc 19 tuổi của bóng đá Pháp rời Rennes để đến Dortmund, nơi anh chắc chắn có nhiều cơ hội thi đấu hơn, thay vì chôn vùi tài năng như Munir và Sandro. Atletico một phần không muốn giúp kình địch có thêm sức mạnh, một phần cũng không nghĩ Vietto sẽ cải thiện nhiều khi sang Barca chỉ để làm dự bị.
“MSN” sẽ quá tải, đó là điều chắc chắn. Thiếu giải pháp dự phòng sẽ khiến Barca hụt hơi trong giai đoạn cuối. Kịch bản mùa 2015-16 là bài học, khi Barca bị loại ở Champions League, và suýt đánh mất La Liga vào tay Real Madrid. Barca phải giải được bài toán “Larsson mới” ngay mùa Hè này, vì đó là chìa khóa cho những danh hiệu.
Munir có hợp đồng mới Barca liên tục thực hiện việc gia hạn hợp đồng kể từ ngày 1/7. Mới nhất là trường hợp của Munir El Haddadi. Theo đó, Munir được ký hợp đồng mới có thời hạn đến 2019, thay cho hợp đồng cũ hết hạn sau một năm nữa. Điều khoản phá vỡ hợp đồng là 60 triệu euro. Trước Munir, Barca đã gia hạn hợp đồng với Neymar và Sergi Samper. Neymar ký hợp đồng mới đến 2021. Trong khi đó, Samper được Barca giữ lại đến 2020, nhiều hơn 1 năm so với hợp đồng cũ. |
Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất