Franck Ribery: Vết sẹo, bản ngã và cuộc đời

30/01/2014 06:08 GMT+7 | Đức

(lienminhbng.org) - Anh là tất cả trong một con người. Hai mặt của một đồng xu. Thiên thần và quỷ dữ. Người bị nước Pháp chối bỏ và những người Đức tôn vinh là người hùng. Một Quasimodo méo mó của tạo hóa, lớn lên trên đường phố, mang một vết sẹo sau vụ tai nạn từ năm hai tuổi.

Và là một cầu thủ tài hoa đáng ngưỡng mộ. Một người có tên Franck Ribery. Dù Cristiano Ronaldo giành Quả bóng Vàng 2013, với rất rất nhiều người, Ribery mới là số 1 thế giới trong năm 2013.

Mùa Hè 2009, Chủ tịch Uli Hoeness của Bayern nhận được một cuộc gọi từ Tây Ban Nha. Bên kia đầu dây là Florentino Perez, Chủ tịch của Real Madrid, cùng với trợ lý và người phiên dịch của mình. Dưới đây là cuộc đối thoại ngắn ngủi ấy, theo tiết lộ của tờ Guardian (Người bảo vệ):

Flo Perez: Chúng tôi muốn hỏi mua Franck Ribery.

Uli Hoeness: Ông có bút và giấy ở đó không?

Flo Perez: Tôi có sẵn đây.

Uli Hoeness: OK. Giờ hãy ký một tấm séc có một số 1 và tám số 0 nhé.

Cuộc thương lượng trở nên bế tắc. Hoeness giải thích quyết định của ông bằng một phép so sánh: "Hai năm trước, chúng tôi đã mua Schlossallee (được coi là khu Mayfair của người Đức, nơi dành cho giới thượng lưu và giá bất động sản cao ngất ngưởng) và xây dựng bốn khách sạn ở đó. Nếu nó thuộc về người khác, đó là tổn thất cực lớn. Và bạn chỉ bán Schlossallee khi quá quẫn bách, hoặc đã phá sản."

Ribery là anh hùng của giới cần lao


Ribery đơn giản là Schlossallee của Bayern. Lời từ chối của Hoeness bốn năm trước được tờ Bild liệt kê vào danh sách những khoảnh khắc lịch sử của câu lạc bộ vĩ đại này. Nó tương đương với cái ngày định mệnh vào mùa Xuân năm 1964, khi Giám đốc điều hành Walter Fembeck (tên ông giờ đây đã chẳng được mấy ai nhớ đến) gõ cửa nhà Gerd Mueller, chỉ đúng một giờ đồng hồ trước khi phái đoàn của kình địch 1860 Munich đến bàn về chuyện gia hạn hợp đồng với tiền đạo trứ danh này.

Phần còn lại, như chúng ta thường nói, đã trở thành lịch sử. Ribery cũng đã đi vào lịch sử, sau trận chung kết Champions League vào tháng Năm vừa qua, vào mùa giải mà Bayern đã giành được cú ăn ba thần thánh. Ba tháng sau, Ribery đoạt giải Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu, sự thừa nhận quốc tế đầu tiên với một cầu thủ Bayern kể từ khi Karl-Heinz Rummenigge, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của CLB, giành hai Quả bóng Vàng liên tiếp vào các năm 1980 và 1981. Các con số của Ribery không quá ấn tượng.

Trong mùa 2012-2013, anh ghi được 11 bàn thắng và thực hiện 22 đường kiến tạo, quá bình thường so với Cristiano Ronaldo và Lionel Messi. Nhưng như chính Ribery tiết lộ, anh giành được phiếu bầu từ 53 nhà báo ở châu Âu không chỉ nhờ khả năng tấn công. Ribery chính là Bayern: Một sự kết hợp độc đáo của nghệ thuật và sự chăm chỉ, thượng lưu và giới cần lao.

Không ai làm việc vất vả như Ribery trong những khoảnh khắc then chốt ở hai lượt bán kết Champions League trước Barcelona mùa trước (Bayern thắng chung cuộc 7-0): Anh giữ vị trí, tham gia phòng thủ, đeo bám, và là người đầu tiên tăng tốc khi đội nhà phản công. Như Bastian Schweinsteiger nhận xét: "Ribery đạt đẳng cấp thế giới, nhưng anh ấy còn có những lợi thế khác. Tôi thường nói với anh ấy rằng Philipp Lahm là người xoạc bóng nhiều nhất ở hàng thủ, nhưng nếu anh ấy cũng làm được thế, mọi người sẽ hoan nghênh."

Và Ribery làm thật. Tiền vệ người Pháp giờ đây được ngưỡng mộ bởi sự chăm chỉ, tính chiến đấu và kỷ luật. Các cổ động viên Bayern coi anh là một người hùng không phải vì anh là một siêu nhân trên sân cỏ. Họ ngưỡng mộ Ribery vì nhìn thấy chính mình trong đó. Họ hô vang tên anh "Ribery, Ribery" trên Allianz, mà chính là tung hô những phẩm chất vốn có của người Bavaria.

Người bị nước Pháp chối bỏ


Hầu hết các CĐV Bayern đã đứng về phía Ribery sau khi báo chí Đức tiết lộ rằng tiền vệ người Pháp đã đấm vào mặt Arjen Robben trong giờ nghỉ giữa hiệp trận thua Real Madrid ở bán kết Champions League mùa 2011-2012. Lý do: Robben quá ích kỷ, và cú đấm của Ribery, dù hơi phũ phàng, vào thời điểm ấy mang tính biểu trưng. Ở Bayern, không ai được phép đứng trên tập thể.

Đó là một sự tôn trọng đặc biệt dành cho Ribery, người đã tự nhận rằng anh cảm thấy mình "bị chối bỏ ở Pháp", nơi mọi người coi thường chất giọng miền Bắc quê mùa của anh, không có thiện cảm với khuôn mặt xấu xí của anh, và vẫn coi anh là tội đồ không thể tha thứ sau scandal tại World Cup 2010 ở Nam Phi.

Nước Pháp cũng lưu giữ những kỷ niệm chẳng có gì vui vẻ: Năm lên hai tuổi, anh bị đập mặt vào kính chắn gió trong một tai nạn ô tô, và dù may mắn thoát chết, một vết sẹo dài đã theo anh cho đến tận bây giờ. Tại Boulogne, đội bóng đầu tiên trong sự nghiệp của Ribery, anh chỉ nhận được mức lương bèo bọt 150 euro/tháng, và quyết định ra đi chỉ sau 3 mùa, để trở về làm... thợ xây cùng với người cha: "Tôi làm mọi thứ, từ đào đường, mắc dây điện, đào và san lấp hố." - Ribery tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với AP vào năm 2007. Khi ấy, anh 20 tuổi, thời điểm mà

Messi và Ronaldo đều đã thành danh.


Ribery, giống như rất nhiều đứa trẻ khác lớn lên trong những con phố nghèo ở ngoại ô Boulogne, trưởng thành trong một gia đình lao động thu nhập thấp, ít học, nhưng táo tợn, lì lợm và liều lĩnh: "Nếu tôi phải suy nghĩ kỹ, thì đó không còn là tôi nữa. Tôi thường chẳng biết sợ hãi là gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào". Báo chí Pháp đánh giá rằng Ribery chơi bóng mang hơi hướm "xảo quyệt", còn các CĐV gọi anh là "Mặt sẹo", phỏng theo nhân vật chính trong bộ phim cùng tên, về gã trùm ma túy Tony Montana (Al Pacino thủ vai), từ một tên du đãng đường phố trở thành nhân vật số một của thế giới ngầm Miami.

Bayern & Cảm giác được là chính mình


Đó không phải một biệt danh tốt đẹp gì. Trong ngày trở về Marseille cách đây một năm, Ribery được chào đón bằng sự căm ghét và những lời la ó. Ribery cũng đã bị trêu chọc rất nhiều từ nhỏ bởi vết sẹo, và cho đến khi anh bị rơi vào những rắc rối mua dâm vị thành niên, thì vết sẹo ấy thậm chí còn được so sánh như những khuyết tật mà xã hội Pháp, vốn đang khủng hoảng nghiêm trọng, phải xóa bỏ. Chính vì thế, mà Ribery thường nói rằng anh "rất hạnh phúc và sẵn sàng ở lại Bayern hết quãng thời gian còn lại của sự nghiệp". Với anh, hạnh phúc đơn giản là "trao cho tôi cảm giác rằng mình là một phần của họ".

Bayern đã đem đến cảm giác an toàn cho Ribery. Họ đứng bên anh vô điều kiện trong những rắc rối liên tiếp suốt ba năm qua. Ở đây, không ai nhắc đến vết sẹo của Ribery như một khuyết điểm. Và họ đã được đền đáp.

Chính người Pháp cũng đã bắt đầu thay đổi định kiến về Ribery, sau những gì diễn ra ở mùa bóng trước: "Chúng ta phải chấm dứt việc nghĩ rằng cầu thủ là những siêu nhân" - Jacques Seguela, trưởng bộ phận truyền thông của Liên đoàn bóng đá Pháp, nói trên tờ France Football. "Ribery là người đã vượt qua được mọi rào cản, và đó là lý do tôi trở thành fan của anh ta".

Những gì mà người Pháp đã từng chối bỏ, thì người Đức lại coi như báu vật, như cách Hoeness so sánh Ribery với giá trị một khu đất thượng lưu số một ở nước Đức. Và bây giờ, chỉ khi Bayern túng quẫn hay phá sản, họ mới nghĩ đến việc bán báu vật của mình.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm