Ghi chép Văn hóa - tập tục: Rượu cần nhà Lang

08/04/2012 13:56 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Tục uống rượu cần phổ biến ở nhiều dân tộc miền núi suốt từ miền Bắc đến Tây Nguyên, một loại hình sinh hoạt cộng đồng và hiếu khách còn tồn tại đến ngày nay. Nếu ta đi lên các vùng Mường ở Kim Bôi, trở lên các vùng Mường cũ ở Tân Lạc, Cao Phong, rồi đến các vùng xa xôi hơn phía Tây Bắc, vẫn có thể mua và uống được rượu cần.

1. Từ lâu ở miền đồng bằng người ta đã dùng rượu nấu với nồng độ cao, trong khi đó rượu cần ủ trực tiếp bằng men lá trong một thời gian dài nhất định, sau đó uống luôn, bỏ qua quá trình nấu và khi uống người ta đổ thêm nước lã, tất nhiên là loại nước nguồn từ những chiếc giếng tinh khiết, nước mưa, nước suối nguồn pha thêm vào bình rượu cần, mức nước được đổ, cũng chính là lượng rượu anh sẽ uống.

Men lá của người Mường được chế từ hơn 30 loại cây lá rừng, đại khái có quả ớt rừng, lá cây mun rừng, giềng già, gừng… và nhiều loại kỳ bí khác. Gạo nếp giã, rây lấy bột, dùng nước của các loại lá cây kia trộn với bột nếp nắm thành từng nắm nhỏ, ủ trong vòng từ 5 ngày đến một tuần, rồi để trên gác bếp dùng dần.

Khi làm rượu cần, gạo nếp giã trộn với trấu, cho vào quốp đồ của người Mường, một loại chõ đồ làm bằng gỗ hoặc tre bương, còn gọi là hông. Đồ xong tãi ra cho nguội, giã men lấy ở gác bếp xuống thành bột rồi trộn với gạo đồ, tùy theo tỷ lệ, cho vào chum sành ủ, phía trên nắp chum thường giắt lá ổi, và những thanh tre chẻ mỏng giắt vào cho chặt. Ủ từ 2-3 tháng là dùng được.

Cần uống làm từ loại cây trúc rừng có đốt dài và mỏng, dùng lửa uốn cho cong và dùng cật tre già thông lỗ cho cần uống. Đầu cắm vào chum rượu, người ta khoan ba lỗ nhỏ ngang thân cây trúc, để khi uống trấu không bít lỗ uống (nếu lỗ ở chiều dọc). Gia đình bất cứ người Mường nào cũng có bộ uống rượu đó. Gia đình khá giả, cứ sáu tháng lại dồn chum cũ sang chum mới, trong vài năm, chum rượu đó trở nên đặc sánh và có chất lượng rất cao.

Tôn vinh rượu cần. Nguồn: Internet

2.Rượu cần nhà Lang - thành phần cao nhất của xã hội Mường cổ và bất biến với sự cha truyền con nối, được làm rất cầu kỳ.

Sau khi chum rượu cần được ngâm chín, họ chắt rượu dồn sang một chum mới, cứ vậy đến sáu lần và ủ trong ba năm, có nơi để đến mười mấy năm, chum rượu đó nước đặc sánh như mật ong và dùng được cho rất đông người, rất lâu. Trước khi uống, người ta đun nước sôi để ấm, đổ vào chum rượu cần ủ, khi uống thì vần chum cho rượu cốt và nước hòa đều rồi mới cắm cần.

Khi mời khách quý, người ta dùng sừng trâu đong nước để chiêu và uống rượu, nếu bạn được mời một sừng, tức là sẽ đong đúng một cặp sừng trâu lớn (hai sừng) và bạn phải uống hết chỗ đó. Sừng trâu sẽ được khoan ngang một lỗ nhỏ ở đầu sừng để nước chảy vào chum.

3. Rượu cần không mạnh, nhưng rất say ngấm và quyến rũ, nó được dùng trong các lễ hội, cưới xin, cúng ma, đông khách quý đến nhà… Hiện trong vài sưu tập văn hóa Mường - Thái người ta còn giữ được các bộ sừng trâu đó. Khi người ta mời bác, mời ngài uống một trâu và rất khâm phục nếu như quý khách uống được vài trâu.

Trong lễ uống rượu, người ta tổ chức thành hai đội hát đối các bài ca cổ của người Mường và nếu đội hát thua thì trọng tài là vị "Trí chám" sẽ thưởng rượu (tức là phạt, nhưng gọi là thưởng).

Rượu cần và rượu nói chung là đồ quý hiếm do lương thực thời cổ nói chung không dư dả, đồng thời để có chum rượu ủ vài năm không dễ, nên việc say sưa thực ra không phổ biến, mà hằng năm chỉ có vài dịp và luôn kết hợp với sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính tâm linh.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm