14/03/2023 18:00 GMT+7 | Tin tức 24h
Mặc dù việc tiếp cận nguồn vốn trở nên thách thức hơn, nhưng theo khảo sát của các chuyên gia Công ty Savills Việt Nam, hiện nhiều quỹ và nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang quan tâm, tìm kiếm sản phẩm đầu tư phù hợp tại Việt Nam. Do đó, bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều thuận lợi hơn để đón cơ hội phục hồi.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC, việc phát triển các sản phẩm biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng theo mô hình condotel (căn hộ khách sạn) là một kênh tiếp cận nguồn vốn tốt. Tuy nhiên, quá trình này cần được hoạch định cẩn trọng để đem lại giá trị cho cả chủ đầu tư, chủ sở hữu và khách lưu trú.
"Các chủ đầu tư nên chú trọng đến khía cạnh chất lượng của dự án thay vì đơn thuần tập trung vào quy mô. Điều này sẽ giúp dự án có thể gia tăng giá trị theo thời gian. Trong năm nay, nhu cầu chuyển nhượng tài sản đang gia tăng. Dẫu vậy, mức giá người bán kỳ vọng chưa phản ánh được các yếu tố biến động thị trường cũng như rủi ro của ngành bất động sản trong tương lai" - ông Mauro Gasparotti nhận xét.
Sự phục hồi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phụ thuộc cả vào tốc độ gia tăng của hoạt động du lịch, nhất là lữ hành quốc tế. Xét về bối cảnh chung, Công ty Savills cho biết, bước sang 2023, hoạt động kinh doanh khách sạn tại các quốc gia trên thế giới ghi nhận sự khởi động đầy lạc quan. Hơn 60% nguồn cung trên toàn cầu đã đạt mức chỉ số doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) của năm 2019. Tốc độ tăng trưởng RevPAR chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng trưởng giá phòng, trong khi chỉ một số ít khách sạn vượt mức công suất phòng trước dịch.
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là thị trường đạt chỉ số RevPAR cao nhất trong năm 2022 và duy trì động lực tăng trưởng sang năm nay nhờ vào sự phục hồi của cả nguồn khách công vụ và khách nghỉ dưỡng. Đặc biệt là từ nhu cầu lưu trú cao cấp của thị trường khách quốc tế sau giai đoạn bị hạn chế họat động du lịch.
Nhiều nơi trên thế giới đã sẵn sàng đón tiếp sự trở lại của khách Trung Quốc sau khi quốc gia này thực hiện mở cửa biên giới từ tháng 1/2023; trong đó bao gồm khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2019, khoảng 32 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Đông Nam Á. Do vậy, sự quay trở lại của "thị trường nguồn" này là một trong những động lực thúc đẩy quá trình khôi phục của ngành du lịch khu vực.
Các chuyên gia của Savills cho rằng, mặc dù Việt Nam đã mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế từ tháng 3/2022 nhưng ngành du lịch vẫn đang gặp nhiều thách thức. Việc phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc cũng như nguy cơ cung vượt cầu tại một số điểm đến góp phần gia tăng áp lực khiến quá trình khôi phục của ngành du lịch diễn ra chậm hơn so với các quốc gia khác.
Ông Mauro Gasparotti phân tích, trước đại dịch, lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,9% mỗi năm trong giai đoạn 2009 - 2019. Điều này đã thúc đẩy hoạt động phát triển các dự án nghỉ dưỡng mạnh mẽ. Đặc biệt trong giai đoạn 2017 - 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 phòng khách sạn trung cao cấp đi vào hoạt động.
Đại dịch đã giáng đòn nặng nề vào đà tăng trưởng của ngành bất động sản nghỉ dưỡng và trong tương lai sẽ cần rất nhiều nỗ lực để khôi phục hoàn toàn. Thậm chí ngay trước khi đại dịch xảy ra, với số lượng lớn nguồn cung phòng lớn đang hoạch định và phát triển, ngành du lịch Việt Nam cần nguồn cầu tăng trưởng từ 20 - 30% mỗi năm để theo kịp tốc độ phát triển nguồn cung.
Tính riêng hai tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Hai thị trường khách quốc tế lớn hiện nay là du khách Hàn Quốc với 560.000 lượt và Mỹ 148.000 lượt. Bên cạnh đó, ngành du lịch đón tiếp 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự thiếu vắng khách Trung Quốc đem đến nhiều thách thức cho quá trình khôi phục của ngành du lịch. Trước khi đại dịch xảy ra, gần một phần ba trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 là khách Trung Quốc. Thậm chí, một số điểm đến ven biển phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách này, chẳng hạn như khách Trung Quốc chiếm 70% tổng lượt khách quốc tế đến Nha Trang năm 2019.
Theo ông Mauro Gasparotti, nguồn khách nội địa cũng như thị trường khách Hàn Quốc đang hỗ trợ quá trình khôi phục tại một số thị trường ven biển như Đà Nẵng với các khu nghỉ dưỡng ghi nhận mức công suất phòng vượt mức 50%. Trong khi đó, Nha Trang vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề do thị trường Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại như trước.
So với các địa điểm du lịch ven biển, hoạt động kinh doanh tại những thành phố lớn ghi nhận sự cải thiện tốt hơn. Công suất phòng của các khách sạn tại Tp. Hồ Chí Minh đang dần khôi phục về mức trước đại dịch.
Bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn tại Savills Hotels APAC chia sẻ, mặc dù công suất phòng đang cải thiện nhưng giá phòng bình quân tại các thành phố lớn vẫn thấp hơn từ 15% đến 20% so với năm 2019. Dẫu vậy thị trường vẫn ghi nhận một số khách sạn chú trọng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng như khách sạn boutique đã đạt hoặc thậm chí vượt mức giá năm 2019.
Trong năm 2022, nhu cầu lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng ở những điểm đến lân cận thành phố lớn gia tăng. Tuy nhiên, nguồn cầu đang sụt giảm nhẹ kể từ đầu năm nay. Việc các quốc gia đã mở cửa biên giới, gỡ bỏ hoàn toàn các yêu cầu nhập cảnh đã thúc đẩy nhu cầu du lịch nước ngoài của du khách trong nước. Yếu tố này sẽ góp phần "trợ lực" để phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi trong năm 2023.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất