Bất ngờ rối Việt đưa cảnh 'tắm tiên' lên sân khấu

16/10/2015 07:37 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Không ít khán giả đã bất ngờ khi xem vở Chuyện tình Dạ Trạch có màn tắm của công chúa Tiên Dung được xử lý trên sân khấu múa rối ngay trước mặt khán giả. Và không chỉ có thế…

Nhân Liên hoan Múa rối quốc tế lần IV- 2015 (đang diễn ra tại Hà Nội từ 10-16/10), khán giả Thủ đô không chỉ được thưởng thức những vở rối nước, rối cạn rối vừa được dàn dựng mà còn được thưởng thức nhiều loại hình rối khác như rối que, rối bóng, rối dây… rất độc đáo của nhiều đoàn múa rối trên thế giới như: Anh, Bỉ, Đức, Nga, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Philippines.

Rối múa ballet Hồ thiên nga

Như Thể thao & Văn hóa đã thông tin, Nhà hát Múa rối Thăng Long đem đến liên hoan 3 vở diễn: Trái tim người mẹ, Hào quang từ quá khứBay lên từ mặt nước. Trong đó, vở rối cạn Hào quang từ quá khứ, gồm các trích đoạn như: Thạch Sanh, Tấm Cám, Thánh Gióng… để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.

Đặc biệt, vở rối nước Bay lên từ mặt nước do NSƯT Chu Lượng và Hoàng Tuấn dàn dựng dành khá nhiều thời gian để biểu diễn lại những trích đoạn quan trọng của vở ballet kinh điển Hồ thiên nga trên nền nhạc của Tchaikovsky.

NSƯT Chu Lượng cho biết, rất khó khăn khi “giải phẫu” làm sao cho rối “múa” được ballet trên không gian thủy đình. Vở diễn có những hoạt động của con rối khá phức tạp, mà chỉ riêng việc giữ cho dây rối đừng xoắn vào nhau đã là cả một kỳ công. Các vũ nữ ballet rối nước không chỉ đi ra đi vào, giơ tay hạ tay một cách đơn giản nữa mà còn thực hiện những vũ điệu ballet nghiêng người, trụ chân, xoay tròn…


Màn tắm tiên của Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong “Chuyện tình Dạ Trạch”

Táo bạo cảnh rối... tắm tiên

Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng mang tới liên hoan 3 vở diễn, gồm 3 loại hình rối khác nhau: Rối cạn với vở Tôn Ngộ Không, rối dây với vở Vũ điệu hoa quỳnh và rối nước với vở Chuyện tình Dạ Trạch.

Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Cả ba vở diễn chúng tôi lựa chọn mới và bứt phá so với trước. Đặc biệt là sự khôi phục lại chương trình biểu diễn rối dây trong Vũ điệu hoa quỳnh, một loại hình rối mà lâu nay đang bị VN lãng quên...”.

Còn NSƯT Lê Hồng Hà, đạo diễn vở Chuyện tình Dạ Trạch dựa trên điển tích về mối duyên kỳ ngộ của chàng đánh cá nghèo Chử Đồng Tử và công chúa xinh đẹp Tiên Dung cho hay: “Vở rối là sự kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt với biểu diễn rối nước và cả màn hình chiếu phim hoạt hình cắt giấy.

Trong đó, phần lời thơ, ca từ của nhà thơ Phan Huyền Thư sáng tác. Vở diễn có màn tắm của công chúa Tiên Dung được  xử lý trên sân khấu múa rối ngay trước mặt khán giả, từ lúc công chúa thay đồ đến gặp gỡ chàng Chử Đồng Tử, trao khăn và nên vợ nên chồng...”.

Ông Chua Soo Pong, Giám đốc Nhà hát Kinh kịch Singapore, thành viên giám khảo nhận định: “Mỗi liên hoan tôi lại thấy nghệ sĩ múa rối Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ hơn”.

Còn Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cho hay: “Tiêu chí của liên hoan năm nay là tìm những ngôn ngữ và cách dàn dựng sáng tạo mới lạ, bứt phá với rối truyền thống. Dẫu là rối truyền thống hay hiện đại thì các nghệ sĩ đều hướng tới mục đích là phải có cái mới cho khán giả xem”. Bởi vậy, khán giả thủ đô đã được thưởng thức những chương trình biểu diễn công phu, sáng tạo.

Theo đại diện BTC, kết thúc Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ IV- 2015, các đoàn nghệ thuật quốc tế cùng các đoàn rối của Việt Nam sẽ lưu diễn phục vụ khán giả nhiều tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc…

An Như
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm