Khi phụ nữ đăng đàn nói về tình dục

08/03/2014 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chiều 7/3 tại ĐH Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra buổi nói chuyện với chủ đề Love, Sex & Magic (Tình yêu, tình dục và phép màu) của nhà văn Tâm Phan.

Đây không phải là chủ đề mới. Nhất là khi nó từng xuất hiện trong đề thi văn tuyển sinh của Đại học FPT 2012, khi đó, cả xã hội đã “bàn nát” về chuyện này.

“Trinh tiết của cái đầu”

Vậy nên, khi câu hỏi về trinh tiết được nêu lên trong buổi nói chuyện này, hàng trăm cử tọa là sinh viên ĐH Ngoại thương (phần lớn nữ) rộ lên lời bình phẩm: “Câu hỏi cũ quá”. Thế có nghĩa là, vấn đề này đối với họ đã được giải quyết rồi, không phải bàn nhiều. Nhất là với Tâm Phan, tác giả cuốn sách “thẳng, thô và thật” Sex và những thứ khác, thì có thể đoán trước câu trả lời.

Nhà văn Tâm Phan (trái) và PGS Nguyễn Hoàng Ánh tại tọa đàm Love, Sex & Magic chiều 7/3

Nhà văn Tâm Phan (trái) và PGS Nguyễn Hoàng Ánh tại tọa đàm Love, Sex & Magic chiều 7/3

“Với tôi, trinh tiết của phụ nữ nằm ở cái đầu, không nằm ở dưới đó” - chị nói. “Trinh tiết của cái đầu” nói chính xác là “lòng tự trọng”. “Vì lòng tự trọng, tôi không đi ngủ lang, nay người này, mai người khác. Còn trinh tiết, nếu nó đã mất rồi, tôi tự hỏi: Ừ, thế thì sao?”.

Trong sách, chị viết: “Nếu đã mất rồi thì ngủ với 1 người hay 1 tỷ người, ai biết? Nhưng sao tôi không làm điều đó?... Cái gì đã ngăn tôi lại? Xin thưa, tôi sợ mất lòng tự trọng”. Lòng tự trọng chính là “trinh tiết của cái đầu” mà  Tâm Phan nói.

Còn PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương của ĐH Ngoại thương chia sẻ: “Tôi quen biết nhiều phụ nữ nhưng cả đời chưa hề nhìn thấy một cái màng trinh nào. Tôi cũng không chắc là có bất cứ ai từng được nhìn thấy nó hay không. Mà theo tôi, thứ gì không nhìn thấy được thì không nên sợ”.

Trong buổi nói chuyện, hai diễn giả bàn với sinh viên về các nội dung như: Vì sao tình yêu và tình dục lại là phép màu? Có nên xem phim sex? Sống thử, lòng chung thủy…

Cả Tâm Phan và PGS Nguyễn Hoàng Ánh đều nói từ trải nghiệm của chính bản thân mình. Chẳng hạn, PGS Ánh: “Chúng ta hãy thẳng thắn thừa nhận với nhau là lần (quan hệ) đầu tiên hầu hết đều rất chán. Cho dù thế nào thì cũng không phụ nữ nào thực sự sẵn sàng. Chúng ta chỉ thực sự thăng hoa khi đã có kinh nghiệm”.

Chuyện đàn ông không dám…

Lúc đầu, nhà văn Tâm Phan định đặt tên buổi tọa đàm đơn giản là Tình yêu và tình dục, sau đổi thành Love, Sex & Magic theo tên một bài hát của nữ ca sĩ Mỹ Ciara. Chưa có một buổi nói chuyện văn chương nào có chủ đề rõ ràng, trực diện như vậy.

PGS Nguyễn Hoàng Ánh có lời nhắn nhủ với sinh viên: “Nữ nhà văn Pháp George Sand từng nói, với mỗi người tình, người phụ nữ lại tái tạo màng trinh của mình. Họ vẫn hồi hộp và háo hức nguyên vẹn như lần đầu tiên”. Đó là thông điệp sâu sắc về “trinh tiết” theo nghĩa tinh thần và thiêng liêng hơn.
Và có thể khẳng định, nếu có một sự kiện như vậy, người đăng đàn hầu như chắc chắn sẽ là một tác giả nữ. “Thứ nhất, nếu đàn ông đăng đàn, mọi người sẽ thấy rất bình thường” - Tâm Phan chia sẻ với Thể thao & Văn hóa. Đàn ông yêu thích sex là chuyện đương nhiên. Họ có thể nói hay đến mức nào cũng không đáng ngạc nhiên, không lạ. Tôi không phản đối nhưng tôi thấy ở Việt Nam chưa hề có nhà văn nam nào nói thẳng thắn về tình dục cả”.

Tâm Phan là người viết hiếm hoi đưa chữ “sex” lên bìa sách, in to đậm, trong cuốn phi hư cấu Sex và những thứ khác (2013). Trong đó, Tâm viết rất bạo, thẳng. Chị kể về chính bản thân: mất trinh từ bao giờ, trải nghiệm với những người đàn ông và đưa ra lời khuyên cho giới trẻ. Bởi sách thuộc thể loại phi hư cấu, chính xác là chị đã phơi bày bản thân mình trên mặt giấy.

Đó cũng là điều các nhà văn nam chưa hẳn đã làm được. “Tôi nghĩ họ có chút xấu hổ, hoặc dùng đúng từ hơn là thường bị phô, khi nói về tình dục” - Tâm Phan nói. “Họ thường phô diễn hơn là chia sẻ trải nghiệm của chính mình. Họ hay đùa về tình dục nhưng chuyện cá nhân thì không bao giờ dám phơi bày một cách chân thành như phụ nữ”.

Trong hai giới, nếu nói giới nào quan tâm đến chủ đề tình dục hơn, người ta luôn mang máng đoán là đàn ông, nhưng nói về chủ đề đó công khai (công khai theo nghĩa là trước công chúng và truyền thông) thì phụ nữ thẳng thắn, ít đùa cợt hơn, đồng thời, cũng tôn trọng chủ đề hơn.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm